menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 1/3: Giá đồng loạt tăng

11:27 02/03/2023

Giá năng lượng, kim loại và nông sản đều tăng trong phiên đầu tháng do kỳ vọng nhu cầu mạnh lên.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ mặc dù nguồn cung dồi dào bởi kỳ vọng nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thông báo dữ liệu sản xuất mạnh mẽ.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 86 US cent, hay 1%, lên 84,31 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 64 US cent, hay 0,8%, lên 77,69 USD/thùng.
Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô trong tuần qua tăng 1,2 triệu thùng lên 480,2 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2021 và vượt dự đoán là tăng 457.000 thùng, là tuần tăng thứ 10 liên tiếp.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, khoảng chênh lệch giá giữa dầu WTI và dầu Brent ngày càng nới rộng đã góp phần làm xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng vọt trong tuần trước lên mức cao kỷ lục 5,6 triệu thùng/ngày.
Một dấu hiệu khác cho thấy nguồn cung dồi dào là sản lượng dầu của Nga trong tháng 2 đã trở về mức trước khi xảy ra xung đột với Ukraine. Trong khi đó, khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng của OPEC cũng tăng trong tháng 2.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phục hồi và đây chỉ có thể là động lực tích cực cho giá dầu”.
Lukoil nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga đã bơm dầu Ural lên tàu gần cảng phía tây Kaliningrad. Lượng dầu thô Ural bơm lên tàu của nga trong tháng 1 đạt mức cao kỷ lục khi các thương nhân chuyển hàng hóa lên các tàu lớn hơn để vận chuyển đường dài đến châu Á nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Một chỉ số chính thức cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, mang lại hy vọng về sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ. Theo đó, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức của Trung Quốc (PMI) tăng lên 52,6 vào tháng 2 từ mức 50,1 của tháng 1, kết quả một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cũng cho thấy hoạt động tăng lần đầu tiên sau 7 tháng. Điều này mang lại niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, hỗ trợ triển vọng nhu cầu dầu mỏ lạc quan hơn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh mẽ làm USD giảm giá và kỳ vọng nhu cầu đối với vàng hàng thực từ thị trường tiêu thụ vàng thỏi lớn nhất thế giới này sẽ tăng lên, mặc dù nguy cơ Mỹ tăng lãi suất hạn chế đà tăng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay ngay tăng 0,6% lên 1.838,2 USD/ounce, trước đó có lúc giá tăng lên 1.844,5 USD/ounce, cao nhất một tuần; vàng giao sau cũng tăng 0,5% lên 1.845,4 USD/ounce.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết, với dữ liệu mạnh mẽ từ Trung Quốc và một số quốc gia có vẻ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD đang suy yếu so với các loại tiền tệ khác, từ đó hỗ trợ cho thị trường vàng.
Đồng đô la đã chạm mức thấp nhất trong một tuần vào đầu phiên 1/3 nay sau khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá khi hoạt động sản xuất của nước này mở rộng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4 năm 2012. Vì vàng được định giá bằng đô la Mỹ, khi đồng bạc xanh yếu đi khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Đà tăng giá trong ngày diễn ra sau khi giá vàng thỏi tháng 2ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 6 năm 2021 khi dữ liệu khả quan của Mỹ cho thấy nền kinh tế có khả năng phục hồi, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lãi suất nhiều hơn để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tăng, nhằm kiềm chế giá tiêu dùng, làm giảm nhu cầu đối với vàng thỏi vì không mang lại lợi suất.
Báo cáo việc làm và giá tiêu dùng của Mỹ trong hai tuần tới sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá xu hướng lãi suất.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 21,01 USD/ounce. Trong số các kim loại thuộc nhóm bạch kim, giá palladium tăng 1,2% lên 1.434 USD, trong khi bạch kim tăng 0,3% lên 955,36 USD, trước đó có lúc đạt mức cao nhất hơn 2 tuần, là 966,46 USD.
Ông Meger cho biết về sự biến động gần đây trên thị trường bạch kim và palladium rằng: “Chúng tôi đang do dự giữa nhu cầu dự kiến sẽ tăng lên từ Trung Quốc, cùng với những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và các nơi khác”.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá cũng sau khi số liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 2 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Một yếu tố nữa hỗ trợ kim loại là giá trị USD giảm, khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc này trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Mỹ và eurozone tiếp tục giảm cản trở xu hướng giá tăng.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,8% lên 9.124 USD/tấn. Đồng đã chạm mức cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD/tấn trong tháng 1 do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi nước này dỡ bỏ khiểm soát Covid-19.
Nhưng giá mất đà vào dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu không tăng, kim loại được lưu kho ở Trung Quốc và USD mạnh lên.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết tồn trữ đồng trên toàn cầu vẫn thấp và giá có thể tăng lên 10.000 USD trong những tháng tới, hơn nữa trong dài hạn rất lạc quan do nhu cầu sử dụng đồng tăng lên trong sản xuất và truyền tải điện khi thế giới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết: "Chúng tôi vẫn tương đối thận trọng trong dự đoán về tăng trưởng nhu cầu vì các động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế chung của Trung Quốc trong năm nay là do tiêu dùng nhiều hơn là do đầu tư", đồng thời dự báo giá đồng cuối năm nay ở mức 9.100 USD/tấn trước khi vượt 10.000 USD/tấn trong năm 2024 và đạt trung bình 9.850 USD/tấn trong năm 2024.
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung đồng trên toàn cầu giảm. Freeport Indonesia cho biết họ đã khôi phục hoạt động tại mỏ Grasberg sau trận lụt trong khi một luật sư cho biết một thỏa thuận đã gần đạt được trong tranh chấp giữa Panama và First Quantum.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn LME tăng 2,7% lên 2.436 USD/tấn, kẽm tăng 4,4% lên 3.131 USD, niken tăng 0,6% lên 24.935 USD, chì tăng 1,4% lên 2.133 USD và thiếc tăng 1,1% lên 25.225 USD.
Số liệu hoạt động sản xuất của Trung Quốc tốt hơn dự kiến cũng thúc đẩy giá sắt thép tăng bởi làm tăng hy vọng nhu cầu phục hồi tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới này.
Kết thúc phiên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 2,42% lên 908,5 CNY (131,64 USD)/tấn sau khi đóng cửa giảm khoảng 0,8% trong phiên liền trước.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4 tăng 2,17% lên 126,05 USD/tấn. Giá thép cây tại Thượng Hải tăng 1,1%, thép cuộn cán nóng tăng 1,1%, thép không gỉ giảm 1,36%.
Các nhà máy thép của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung lượng quặng sắt để đáp ứng nhu cầu sản xuất sau khi một số nhà máy khôi phục sản xuất.
Trung Quốc đã điều chỉnh tổng sản lượng thép thô năm 2022 khoảng 1,018 tỷ tấn, giảm 1,7% so với năm trước đó, theo số liệu của NBS. Trước đó họ đã báo cáo sản lượng năm 2022 là 1,013 tỷ tấn, giảm 2,1% so với năm 2021.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng do hy vọng đợt giảm giá gần đây sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu mới. Giá lúa mì cũng tăng do việc mua giá hời sau khi hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Lo ngại về nhu cầu xuất khẩu yếu của Mỹ đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Chicago lúc cửa tăng 5-1/2 US cent lên 6,35-3/4 USD/bushel, kết thúc chuỗi giảm giá 5 phiên liên tiếp; hợp đồng lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 5 mềm đỏ vụ đông đóng cửa tăng 4-1/2 US cent lên 7,1 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên tăng 0,5 US cent, hay 2,5%, lên 20,57 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 20,65 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 13,5 USD, hay 2,4%, lên 575,9 USD/tấn.
Ấn Độ có thể xuất khẩu thêm 1 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23 nếu sản lượng ở mức cao của ước tính hiện tại, theo một quan chức của một trong những nhà máy sản xuất đường và ethanol lớn nhất nước này.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2,75 US cent, hay 1,5%, xuống 1,8355 USD/lb sau khi xuống mức thấp nhất trong 1,5 tuần tại 1,8025 USD. Trái lại, giá robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 37 USD, hay 1,7%, lên 2.177 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng do hàng giao ngay ở Brazil và Colombia khan hiếm cũng như dự trữ của sàn giao dịch ICO đang sụt giảm.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng sau báo cáo tăng trưởng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc mạnh hơn dự kiến.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,3 JPY hay 1,5% lên 227,5 JPY (1,67 USD)/kg; cao su giao tháng 5 trên sàn Thượng Hải tăng 70 CNY lên 12.560 CNY (1.820 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore Exchange tăng 2% lên 140,9 US cent/kg.
Chứng khoán châu Á phiên này thoát khỏi mức thấp nhất trong hai tháng và hướng tới ngày tốt nhất trong bảy tuần khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ đã mang lại sự lạc quan cho các thị trường.
Giá hàng hóa thế giới:

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa