menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 14/7: Giá đồng loạt giảm

13:19 15/07/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường thế giới đồng loạt giảm trong phiên vừa qua do USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm và các nhà đầu tư đặt cược rằng mức lạm của Mỹ phát cao nhất kể từ năm 1981 sẽ kích hoạt một đợt tăng lãi suất rất mạnh trong tháng này, khoảng 1%. Điều này gây lo ngại làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc cũng gia tăng áp lực lên thị trường hàng hóa.
 
 Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khi các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng về một đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào cuối tháng này và lo ngại điều đó có thể ngăn chặn lạm phát, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 9 giảm 47 cent, tương đương 0,5% xuống 99,10 USD/thùng và là phiên thứ 3 liên tiếp kết thúc ở mức dưới 100 USD; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 8 cũng giảm 52 cent, tương đương 0,5%, xuống 95,78 USD/thùng. Giá cả hai hợp đồng đều thấp hơn lúc đóng cửa ngày 23/2 – ngày bắt đầu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, với dầu Brent thấp nhất kể từ 21/2.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng cường đối phó với lạm phát ở mức cao nhất trong hơn 40 năm và được dự báo sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng này sau khi báo cáo lạm phát tháng Sáu cho thấy áp lực giá đang gia tăng. Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/7 tới. John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết, các động thái của Fed sẽ có tác động lớn đến thị trường.
Giá dầu đã giảm trong hai tuần qua do lo ngại suy thoái kinh tế mặc dù xuất khẩu sản phẩm thô và tinh chế từ Nga giảm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya.
Các nhà đầu tư cũng đổ xô vào đồng đô la, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 20 năm vào thứ Tư, khiến việc mua dầu trở nên đắt hơn đối với những khách hàng ở ngoài nước Mỹ, nhưng đã giảm nhẹ vào thứ Năm.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết: “Các chỉ báo kỹ thuật đang cho thấy một đợt “đáy” mới khác khi đồng đô la Mỹ tiếp tục chi phối trong việc định hướng giá dầu.
Tại châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu giảm với việc Ủy ban châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 7,6%. Trong khi đó, các nhà giao dịch tiếp tục lo lắng rằng việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách nhanh chóng sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu hải quan cho thấy hôm thứ Tư nhập khẩu dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2018, khi các nhà máy lọc dầu dự đoán các biện pháp phong tỏa sẽ hạn chế nhu cầu.
Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 13/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cho năm 2022 và 2023, đồng thời cảnh báo về sự bất ổn liên quan đến triển vọng thị trường dầu mỏ. Cơ quan này cho biết: “Triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi và lo ngại suy thoái đang đè nặng lên tâm lý thị trường, trong khi có những rủi ro về phía nguồn cung”.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng chỉ ra nhu cầu giảm, với khối lượng sản phẩm được cung cấp giảm xuống 18,7 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021. Tồn kho dầu thô tăng, được hỗ trợ bởi một đợt giải phóng lớn khác từ dự trữ chiến lược.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thứ Sáu sẽ bay đến Saudi Arabia, nơi ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các đồng minh vùng Vịnh và kêu gọi họ bơm thêm dầu. Tuy nhiên, công suất dự phòng tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đang ở mức thấp, với hầu hết các nhà sản xuất đều bơm ở công suất tối đa và không rõ Saudi Arabia có thể nhanh chóng đưa thêm bao nhiêu vào thị trường.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm do USD tiếp tục tăng mạnh.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 1,5% xuống 1.710,02 USD/ounce, sau khi giảm hơn 2%
trước đó trong phiên; giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 1,7% xuống 1.705,8 USD.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, nổi lên như một thiên đường tiết kiệm ưu tiên trong bối cảnh rủi ro kinh tế ngày càng tăng về cuối năm.
Philip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc Blue Line Futures ở Chicago cho biết: “Đồng đô la mạnh hơn đang đẩy vàng xuống thấp hơn”. Theo ông: “Vàng sẽ khó có khả năng tăng giá trừ khi lạm phát giảm xuống đủ để ngăn việc tăng lãi suất hoặc nếu các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay như Fed, và điều đó có thể làm suy yếu đồng đô la,” Philip Streible, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures ở Chicago cho biết.
Mặc dù nó được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, sức hấp dẫn của vàng có xu hướng giảm đi trong bối cảnh lãi suất tăng vì vàng không có lãi suất.
Trên thị trường vật chất, nước tiêu dùng vàng miếng lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ - xuất khẩu đồ trang sức bằng vàng ròng sang UAE đã tăng vọt trong tháng Năm.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 4,2% xuống 18,38 USD/ounce, bạch kim giảm 1,5% xuống 842,37 USD, trong khi palladium giảm gần 3% xuống 1.915,63 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản đồng loạt giảm do dự đoán Fed tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu đối với kim loại.
Nhiều nhà phân tích đang lo ngại về sự suy thoái ở Mỹ và các nơi khác. Đồng USD mạnh lên làm cho kim loại, được định giá bằng tiền Mỹ, trở nên đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, và do đó có thể làm giảm nhu cầu.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 2,3% xuống 7.160 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 20 tháng, là 7.059 USD.
Giá đồng - kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng - đã giảm 34% so với mức cao hồi tháng Ba.
"Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy đáy. Ít nhất trong ngắn hạn, tôi cho rằng giá sẽ tiếp tục giảm", Daniel Briesemann, nhà phân tích của Commerzbank cho biết.
Tăng trưởng đang chậm lại trên toàn cầu. Ủy ban châu Âu đã cắt giảm dự báo về khu vực đồng euro trong năm nay và năm tới. Ít nhất năm ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách trong hai ngày qua.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, chính phủ một lần nữa cam kết hỗ trợ nền kinh tế nhưng nhu cầu kim loại đã bị suy yếu do chính sách Zero COVID mà họ không có dấu hiệu từ bỏ.
Tuy nhiên, lượng tồn trữ ở mức thấp, cho thấy nguồn cung yếu là yếu tố hỗ trợ giá.
Trên thị trường kẽm, chỉ có 22.400 tấn có sẵn theo bảo hành tại các kho có đăng ký LME, giảm so với khoảng 225.000 tấn một năm trước và gần mức thấp nhất trong kỷ lục. Điều đó đã đẩy mức cộng giá kẽm giao ngay so với kỳ hạn 3 tháng tăng lên khoảng 100 USD/tấn trong tuần này.
Hợp đồng kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên giảm 2,7% ở mức 2.870 USD/tấn, đã giảm 41% từ mức cao nhất trong vòng 3 tháng và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021. Giá nhôm phiên này giảm 0,8% xuống 2,337 USD/tấn, nickel giảm 8,8% xuống 19.300 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, chì giảm 6,5% xuống 1.827 USD và thiếc giảm hơn 4,3% xuống 24.265 USD.
Giá sắt thép phiên này cũng đồng loạt giảm. Hợp đồng quặng sắt tham chiếu trên sàn Singapore giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng - dưới 100 USD, do gia tăng lo ngại rằng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. Theo đó, quặng kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 8,2% xuống 99,90 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 kết thúc phiên giao dịch ban ngày giảm 2,6% xuống 695,50 nhân dân tệ (103,21 USD)/tấn.
Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,5%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,8%, cả hai đều giảm phiên thứ năm liên tiếp. Giá thép không gỉ phiên này giảm 0,5%.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ cho biết: “Giá quặng sắt vẫn dễ bị rủi ro giảm trong ngắn hạn”. "Nhu cầu thép từ lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc yếu đi là một cơn gió lớn đối với giá quặng sắt."
Một số nhà máy ở nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đã ngừng hoạt động các cơ sở sản xuất của họ hoặc đi vào bảo dưỡng sớm hơn bình thường để giảm bớt tác động từ nhu cầu yếu và hàng tồn kho cao. Không chắc khi nào các lò cao này sẽ được khởi động lại, vì các nhà máy phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn, trong bối cảnh dịch COVID-19 và thời tiết xấu.
Sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của các nhà máy thành viên của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc từ ngày 1-10 tháng 7 giảm thêm 1,2%, tương đương 24.300 tấn so với 10 ngày cuối tháng 6, xuống còn 2,07 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel đưa tin. Sản lượng hàng ngày vào đầu tháng 7 thấp hơn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp do lạc quan về một thỏa thuận có thể dẫn tới việc Ukraine được nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua khu vực Biển Đen, với lúa mì đỏ mềm kỳ hạn tháng 9 giảm 15-3/4 cent xuống 7,95 USD/bushel.
Giá đậu tương phiên này cũng giảm, với hợp đồng giao tháng 11 giảm 8-1/2 cent xuống 13,41 USD/bushel.
Giá ngô tăng phiên thứ 6 trong 7 phiên gần đây do lo ngại thời tiết nắng nóng làm hạn chế sự phát triển của cây ngô ở khu vực Trung Tây nước Mỹ trong giai đoạn quan trọng – hoa thụ phấn.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 5-3/4 cent lên 6,01 USD/bushe, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 8-1/2 cent xuống 13,41 USD/bushel.
Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc sẽ ký một thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Matt Ammermann, Giám đốc của StoneX cho biết: “Ukraine thực sự cần vận chuyển bằng đường biển với khối lượng lớn để xuất khẩu ngũ cốc của mình, một kênh đường biển sẽ là một bước phát triển lớn, có thể cho phép Ukraine đưa khối lượng lớn ngũ cốc ra thị trường thế giới”.
Tiềm năng tăng tốc độ vận chuyển của Ukraine vượt trội so với báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy doanh số xuất khẩu lúa mì hàng tuần ở mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Giá đường thô giao tháng 10 giảm 1% xuống 18,94 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất một tháng trong phiên trước đó; đường trắng giao tháng 8 tăng 1,5% lên 596,70 USD/tấn.
Các đại lý cho biết khó có thể thấy giá đường tăng nhiều khi đồng USD đang duy trì gần mức cao nhất trong 20 năm. Tuy nhiên, họ cho biết thêm, việc nguồn cung đường trắng bị thắt chặt trong thời gian ngắn, một phần liên quan đến các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, sẽ hạn chế giá đường thô giảm mạnh.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm xuống dưới 2 USD/lb do các tín hiệu kỹ thuật về xu hướng giảm kích hoạt động bán ra và khi xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil tiếp tục tăng.
Theo đó, arabica giao tháng 9 giảm 4,7% xuống 1,9735 USD/lb, có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10 là 1,9570 USD. Cà phê robusta giao tháng 9 cũng giảm 2,6% xuống 1.931 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê Brazil vụ mùa này đang tăng nhanh. Theo hiệp hội các nhà xuất khẩu Cecafe, xuất khẩu arabica của Brazil đạt 2,652 triệu bao trong tháng 6, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng do dữ liệu cho thấy mức lạm phát cao nhất của Mỹ trong hơn 40 năm làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ - có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 2 yên, tương đương 0,8%, xuống 241,8 yên (1,74 USD)/kg. Hợp đồng này trong phiên có lúc chạm 241,3 yên, thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 5; cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải lúc đóng cửa giảm 240 nhân dân tệ, tương đương 2%, xuống 12.055 nhân dân tệ (1.789,08 USD)/tấn, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm; cao su giao tháng 8 trên nền tảng SICOM của Singapore Exchange hầu như không thay đổi.
Nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc tăng gần 16% trong tháng 6 so với một năm trước đó.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa