menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 21/12: Giá đồng loạt tăng

11:28 22/12/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các mặt hàng tăng khi tâm lý nhà đầu tư tiếp tục cải thiện.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, đà tăng giá bị hạn chế phần nào bởi thông tin một cơn bão tuyết sẽ ảnh hưởng tới mùa du lịch lễ hội cao điểm tại Mỹ.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2 tăng 2,21 USD, tương đương 2,76%, lên 82,20 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,06 USD, tương đương 2,7%, lên 78,29 USD.
Báo cáo mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,89 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với ước tính giảm 1,66 triệu thùng của thị trường.
Lượng dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm 242.000 thùng, trái ngược với ước tính của các nhà phân tích là tăng 336.000 thùng.
Nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Price Futures, Phil Flynn, cho biết báo cáo này rất lạc quan và thúc đẩy giá dầu tăng, đặc biệt với thực tế là có sự sụt giảm lượng dầu thô dự trữ còn sản phẩm chưng cất đã ngừng đà tăng trước đợt lạnh giá tại Mỹ.
Thị trường cũng chờ đợi thông tin rõ ràng về thời điểm đường ống Keystone - tuyến đường chính vận chuyển dầu thô từ Canada đến Mỹ sẽ khởi động lại. Tập đoàn năng lượng TC Energy cho biết họ đã dỡ bỏ đoạn đường ống bị vỡ gây ra sự cố tràn dầu hồi đầu tháng này và gửi nó để thử nghiệm theo chỉ dẫn của các cơ quan quản lý Mỹ.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng một số hạn chế phòng dịch COVID-19 sau khi không có trường hợp tử vong do COVID-19 mới nào được báo cáo.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 11 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc vội vã đảm bảo có thêm hàng hóa trước khi mức giá trần do Nhóm G7 áp đặt và lệnh cấm vận của EU từ ngày 5/12 có hiệu lực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia cho biết rằng động thái cắt giảm sản lượng dầu bị chỉ trích nặng nề của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) lại là một quyết định đúng đắn. Nhà phân tích Tina Teng của công ty tư vấn CMC Markets cho biết các bình luận này cho thấy OPEC+ có thể tiếp tục thắt chặt nguồn cung trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một yếu tố có khả năng làm giảm nhu cầu dầu mỏ là thông tin nhiều khu vực rộng lớn của Mỹ được dự báo sẽ phải đối mặt với đợt tuyết rơi dày. Điều kiện thời tiết bất lợi có khả năng gây chậm trễ cho các chuyến bay và khiến nhiều con đường không thể đi lại, trong khi đã tới một trong những giai đoạn du lịch bận rộn nhất năm tại Mỹ.
Nhìn chung, xuất khẩu dầu của Nga giai đoạn 1-20/12 đã giảm 11% so với cùng kỳ tháng trước từ sau khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu mỏ của Nga có hiệu lực, nhật báo Kommersant đưa tin.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng ổn định trên ngưỡng quan trọng 1.800 USD, do kỳ vọng về việc Mỹ tăng lãi suất chậm lại là yếu tố tích cực hỗ trợ giá tưang, nhưng sự gia tăng của đồng đô la lại ngăn giá tăng lên.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay vững ở mức 1.817,95 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên liền trước do USD giảm; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 cũng không thay đổi so với phiên trước đó, ở mức 1.825,40 USD.
Giá bạc giao ngay phiên này giảm 0,4% xuống 24,08 USD/ounce, bạch kim giảm 0,8% xuống 999,11 USD, trong khi palladium giảm 3,1% xuống 1.678,84 USD.
David Meger, người phụ trách mảng giao dịch kim loại thuộc công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures, tin rằng giá vàng sẽ có xu hướng tiếp tục đi ngang rồi hướng lên cao hơn, khi thị trường tập trung vào ý kiến cho rằng Fed sắp kết thúc đợt tăng lãi suất vào đầu năm 2023.
Giá vàng đã tăng gần 200 USD kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm hồi cuối tháng Chín, do những kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục bớt “diều hâu” đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD.
Fed đã giảm dần tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 sau 4 lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp. Các nhà giao dịch đang đặt cược vào khả năng lãi suất sẽ đạt mức cao nhất là khoảng 4,85% vào tháng 5/2023, trước khi giảm xuống 4,37% vào cuối năm.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang tập trung vào các báo cáo về gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới tại quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi "sẽ có những ngày mà một số yếu tố phụ sẽ ảnh hưởng đến thị trường vàng, chúng tôi tin rằng giá kim loại này sẽ duy trì xu hướng đi ngang hoặc tăng lên", ông Meger nhấn mạnh.
Chỉ số Dollar index tăng trong phiên vừa qua khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với người mua giám sát. Các thị trường cũng đang tập trung vào các báo cáo về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng dao động quanh mức 8.350 USD/tấn do hy vọng việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 sẽ bù đắp cho việc số ca nhiễm trong ngắn hạn gia tăng, đủ để nâng nhu cầu tăng lên.
Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, trong đó có đồng – kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng.
Chính sách Zero COVID của nó đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế và gây áp lạ giảm giá đồng từ mức cao kỷ lục 10.845 đô la vào tháng 3 xuống mức thấp 6.955 đô la vào tháng 7. Việc dỡ bỏ các hạn chế bắt đầu từ tháng 11 đã kéo giá hồi phục trở lại, nhưng một làn sóng gia tăng các số ca nhiễm đang lan tràn ở các cơ sở kinh doanh.
Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc xuống 2,7% trong năm nay và 4,3% vào năm 2023. Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết: “Sự phục hồi bền vững của giá kim loại cơ bản chỉ có thể bắt đầu từ giữa năm tới”.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 8.377 USD/tấn lúc. Trong tháng 12 này, giá đồng đã tăng 1,5%, sau khi tăng mạnh 10,6% trong tháng 11.
Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,8% lên 2.391 USD/tấn, kẽm giảm 2,7% xuống 2.999 USD, niken tăng 3,8% lên 29.420 USD, chì tăng 1,6% lên 2.214 USD và thiếc tăng 0,9% lên 24.135 USD.
Giá sắt thép phiên vừa qua cũng tăng sau 2 phiên giảm trước đó nhờ thông tin Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đã nối lại hoạt động trong một số dự án bất động sản, làm giảm bớt lo ngại của thị trường – về triển vọng tăng trưởng kinh tế sa sút.
Tập đoàn phát triển bất động sản đang nợ nần chồng chất của Trung Quốc - Evergrande – hôm thứ Ba cho biết họ đã nối lại công việc đối với 631 dự án đã bán trước và chưa bàn giao vì có vẻ như sẽ đạt được mục tiêu giao hàng trong năm nay.
Điều đó diễn ra sau những diễn biến gần đây giúp thúc đẩy tâm lý tích cực, bao gồm việc Ngân hàng Công thương Trung Quốc đồng ý cung cấp khoản tài trợ 400 tỷ nhân dân tệ (57,41 tỷ USD) để hỗ trợ 10 công ty bất động sản.
Sự yếu kém dai dẳng của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, cùng với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đang hạn chế hoạt động kinh tế, đã khiến Ngân hàng Thế giới hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng nhà sản xuất thép hàng đầu trong năm 2022 và 2023.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 3,6% lên 829 nhân dân tệ (118,88 USD)/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 1 tăng 2,1% lên 111,60 USD/tấn.
Giá thép cũng tăng vững. Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, giá thép thanh tăng 2,6%, thép cuộn cán nóng tăng 2,1% và thép cuộn tăng 1,6%. Riêng giá thép không gỉ giảm 0,7%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng do dự báo nhiệt độ trên khắp vùng Trung Tây Mỹ dưới mức đóng băng có thể đe dọa vụ mùa đông trong bối cảnh thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ lễ cuối tuần.
Giá ngô và đậu tương cũng tăng theo xu hướng giá lúa mì và do điều kiện thời tiết ở Nam Mỹ.
Hợp đồng lúa mì tham chiếu Sàn giao dịch thương mại Chicago (CBOT) đã tăng 17-1/4 cent lên 7,67-3/4 USD/bushel, sau khi tăng lên 7,74-1/2 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng 12. Hợp đồng ngô cũng tăng 6,62-1/4 USD/bushel, sau khi tăng lên 6,63 đô la, mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 12. Hợp đồng đậu tương tăng 4-3/4 US cent lên 14,84-1/2 đô la.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đạt mức cao nhất trong gần 6 năm do có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung tiếp tục khan
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,17 cent, tương đương 0,8%, lên 20,75 cent/lb, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2017 là 20,99 cent. Đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 2,00 USD, tương đương 0,4%, lên 566,10 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 là 574 USD.
Tình trạng thắt chặt nguồn cung có thể được nhận thấy qua việc mức cộng giá đường thô kỳ hạn tháng 3 so với kỳ hạn tháng 5 tăng lên 1,42 cent/lb trong ngày 20/12, là mức cao nhất trong một thập kỷ.
Các đại lý cho biết các quỹ đầu cơ đang gia tăng vị thế mua trong khi rất thận trọng trong các hoạt động bán ra, khiến thị trường khó có thể ngăn đà tăng của giá đường. Các nguyên tắc cơ bản ngày càng cho thấy sản lượng trong năm tới sẽ tăng, nhưng thị trường dường như không tin rằng điều này sẽ giảm bớt tình trạng thắt chặt trong ngắn hạn.
Việc chậm thu hoạch ở Thái Lan, Australia và Trung Mỹ đã khiến nguồn cung bị thắt chặt, trong khi mưa khiến một phần mía ở Brazil sẽ không được thu hoạch cho đến vụ sau.
Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 1,55 cent, tương đương 0,9%, lên c 1,6935 USD/lb. Đồng real của Brazil mạnh lên so với đồng đô la đang hỗ trợ giá cà phê arabica.
Sản lượng cà phê thế giới được dự báo sẽ phục hồi vào niên vụ 2022/23, chủ yếu là do vụ mùa bội thu ở Brazil, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 cũng tăng, kết thúc phiên tưng thêm 0,6%, lên 1.879 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/12 vào thứ Ba – là 1.851 USD.
Sản lượng cà phê thế giới được dự báo sẽ phục hồi vào niên vụ 2022/23 chủ yếu nhờ vụ mùa bội thu ở Brazil dẫn đến dự trữ toàn cầu tăng, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết. Theo đó, sản lượng toàn cầu tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022/23 với mức tiêu thụ chỉ cao hơn 800.000 bao so với niên vụ trước là 167,9 triệu bao. Sản lượng cà phê arabica ở Brazil được dự báo sẽ tăng 3,4 triệu bao lên 39,8 triệu bao mặc dù thấp hơn nhiều so với vụ cùng kỳ gần đây trong chu kỳ hai năm một lần của nước này, đạt đỉnh gần 50 triệu bao.
Giá cao trên thị trường Nhật Bản tương đối ổn định trong phiên vừa qua, bất chấp đà tăng tại thị trường Thượng Hải, do tâm lý lo ngại về việc số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc gia tăng mặc dù nước này đã nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn Osaka kết thúc phiên này ở mức 223,1 yên ($1,69)/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 85 CNY lên 12.795 CNY (1.835 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore tăng 0,7% lên 132,8 US cent/kg.
"Câu hỏi lớn nhất là làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại ở Trung Quốc sẽ có tác động kinh tế như thế nào, vì trong lịch sử, năng suất và tiêu dùng sẽ giảm mạnh và kéo theo tâm lý đi xuống", một thương nhân ở Singapore cho biết.
Nhật Bản sẽ hết sức chú ý đến tình hình COVID-19 tại Trung Quốc, bên cạnh những rủi ro từ suy thoái kinh tế toàn cầu, giá tăng và hạn chế nguồn cung, theo báo cáo hàng tháng cho tháng 12.
Giá hàng hóa thế giới:

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa