Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khi các đơn đặt hàng sản xuất công nghiệp của Mỹ sụt giảm và đồng USD mạnh lên, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 67 US cent tương đương 0,8% xuống 82,17 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 53 US cent, tương đương 0,7%, xuống 75,88 USD/thùng.
Theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, mặc dù lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa chế tạo của Mỹ tăng mạnh trong tháng 12, song số đơn đặt hàng thiết bị công nghiệp và máy móc giảm.
John Kilduff, đối tác của công ty quản lý vốn Again Capital (Mỹ), cho biết: “Điều đó cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, đặc biệt là về mặt công nghiệp, gây bất lợi cho xăng dầu”.
Jim Ritterbusch, nhà phân tích của công ty tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch and Associates, sự phục hồi của chỉ số đồng USD, vốn chạm mức thấp nhất trong 9 tháng trong phiên giao dịch trước đó do kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất, cũng gây áp lực lên giá dầu. Đồng bạc xanh tăng khiến dầu được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Fed hôm ½ đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,25 điểm phần trăm, nhưng cam kết sẽ "tiếp tục tăng" lãi suất như một phần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao vẫn đang tiếp diễn.
Mặc dù lạm phát dường như đã chậm lại ở các nền kinh tế lớn nhưng hiện chưa chắc chắn về phản ứng của các ngân hàng trung ương và tốc độ mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa do COVID-19 của Trung Quốc. Fed cho biết: “Lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao”, đánh dấu sự thừa nhận rõ ràng về những tiến bộ đạt được trong việc giảm tốc đà tăng giá cả từ mức cao nhất trong 40 năm ghi nhận hồi năm ngoái.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết: “Các nhà đầu tư đã trở nên kém tin tưởng hơn vào sức mạnh của triển vọng; điều mà chúng ta có thể thấy sẽ thay đổi liên tục trong quý đầu tiên này do thiếu khả năng hiển thị về lãi suất và quá trình chuyển đổi chính sách COVID của Trung Quốc”.
Yếu tố giúp hạn chế biên độ giảm của giá dầu trong phiên vừa qua là lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2. Điều này có khả năng giáng một đòn mạnh vào nguồn cung toàn cầu.
Các nhà ngoại giao cho biết các nước EU sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vào ngày 3/2 về đề xuất của Ủy ban châu Âu trong việc ấn định giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga sau khi hoãn đưa ra quyết định vào ngày 2/2 do sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.
Ủy ban châu Âu vào tuần trước đã đề xuất rằng từ ngày 5 tháng 2 EU sẽ áp dụng mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.
Trong khi đó, Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) ngày 1/2 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu, cũng như triển vọng không chắc chắn đối với nguồn cung của Nga.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm gần 2% do khi đồng USD tăng trở lại và một số nhà đầu tư chốt lời sau khi giá vàng chạm đỉnh 9 tháng do nhận định ôn hòa về chính sách lãi suất từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 1,8% xuống 1.915,79 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 lúc đầu phiên giao dịch; vàng kỳ hạn tháng 4/2023 giảm 0,6% xuống 1.930,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng gần 1% so với các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng được định giá bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của công ty dịch vụ tài chính High Ridge Futures (Mỹ), cho biết mặc dù các yếu tố hỗ trợ cơ bản cho thị trường vàng vẫn mạnh mẽ, nhưng sự sụt giảm nhẹ trên thị trường có thể là do một số hoạt động chốt lời trước khi dữ liệu việc làm hàng tháng của Mỹ được công bố vào ngày 3/2.
Ngày ½, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,5 - 4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007, và có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay. Chủ tịch Fed Powell cảnh báo về việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa khi lạm phát vẫn ở mức quá cao, nhưng lưu ý rằng tiến trình giảm lạm phát đang ở giai đoạn đầu.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết: “Chủ tịch Fed gần như không tỏ rõ lập trường tích cực thắt chặt tiền tệ như trong các cuộc họp báo gần đây và để ngỏ khả năng Fed sẽ “xoay trục” sớm hay muộn”. Vàng có xu hướng tăng giá do kỳ vọng lãi suất thấp hơn, điều này làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tuần trước do thị trường lao động vẫn phục hồi mặc dù lãi suất tăng cao hơn.
Trọng tâm chú ý của thị trường lúc này chuyển sang báo cáo số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ vào tháng 1/2023. Trong khi đó, cả Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 2/2.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,8% xuống 23,55 USD/ounce; bạch kim tăng 1,8% lên 1.021,98 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1% xuống 1.652,64 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm, do đồng USD tăng mạnh và nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – vẫn giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống 9.041 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 2,4%.
Giá đồng tăng từ 7.500 USD/tấn trong tháng 11/2022 lên 9.550,5 USD/tấn trong phiên ngày 18/1/2023 do kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ hồi phục sau khi dỡ bỏ các kiểm soát nghiêm ngặt về Covid-19, trong bối cảnh đồng USD suy yếu, khiến kim loại được định giá bằng đồng USD rẻ hơn đối với nhiều khách hàng.
Nhà phân tích Dan Smith của Amalgamated Metals Trading cho biết: “Trong ngắn hạn, tôi nghĩ giá đồng sẽ giảm nhẹ”. Nhưng các nhà đầu tư sẽ mua vào nếu giá giảm, và dự báo giá cuối năm sẽ vượt 10.000 USD.
Ông nói: “Trung Quốc sẽ quay trở lại mạnh mẽ; chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được điều đó,” đồng thời cho biết thêm rằng đồng đô la suy yếu và các vấn đề về nguồn cung cũng hỗ trợ giá cả.
Các nhà đầu cơ chắc chắn đang đặt cược vào mức giá cao hơn, với vị thế mua ròng của họ đối với hợp đồng tương lai trên sàn COMEX tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Tư.
Khoảng 14 tỷ đô la đã chảy vào thị trường kim loại công nghiệp từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 27 tháng 1, với 3,5 tỷ đô la đến trong kỳ nghỉ năm mới của Trung Quốc, ngân hàng JPMorgan ước tính.
Sự gián đoạn nguồn cung mới nhất đã xảy ra ở Peru, nơi mỏ đồng khổng lồ Las Bambas đã bị đình chỉ sản xuất do những người biểu tình phong tỏa đường.
Sự chú ý của nhà đầu tư hiện đang tập trung vào dữ liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ công bố vào thứ Sáu, dữ liệu này có thể ảnh hưởng đến chính sách lãi suất của Mỹ và đồng đô la.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 0,5% xuống 2.618,50 USD/tấn. Trái lại, giá kẽm tăng 0,2% ở mức 3.355 USD, niken tăng 1,8% lên 29.835 USD, chì tăng 0,1% lên 2.140,50 USD và thiếc tăng 1% ở mức 29.090 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần khi các thương nhân đánh giá lại triển vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ chính, là Trung Quốc, bất chấp kỳ vọng nhiều chính sách kích thích hơn để hỗ trợ nền kinh tế nước này hồi phục.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 3,3% xuống 841,5 CNY (125,29 USD)/tấn, trước đó trong phiên có lúc chạm 839 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 18/1/2023; quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Singapore giảm 3,8% xuống 121,2 USD/tấn. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá quặng sắt tăng hơn 9%.
Giá quặng sắt và thép tại Trung Quốc đạt mức cao nhiều tháng trong tháng 1/2023, khi thị trường hồi phục từ đầu tháng 11/2022 nhờ chính sách tăng cường hỗ trợ của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản yếu kém và các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt được dỡ bỏ. Giá thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,8%, thép cuộn giảm 0,6% và thép không gỉ giảm 3,4%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Mỹ tăng do thiếu chắc chắn về triển vọng cây trồng tại Argentina đã thúc đẩy giá khô đậu tương tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 13 US cent lên 15,33-1/4 USD/bushel, khô đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 7,2 USD lên 491,9 USD/tấn, sau khi đạt mức cao 493,6 USD/tấn. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 6 US cent xuống 6,75 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/4 US cent lên 7,61 USD/bushel.
Giá khô đậu tương tăng do lo ngại về triển vọng năng suất cây trồng đậu tương tại Argentina – nước xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương hàng đầu thế giới - chịu ảnh hưởng bởi hạn hán.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,29 cent, tương đương 1,4%, lên 21,66 cent/lb, sau khi tăng vào thứ Tư lên mức cao nhất trong sáu năm là 21,86 cent; đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 4,10 USD, tương đương 0,7%, ở mức 566,80 USD/tấn.
Các nút thắt về hậu cần ở Brazil có thể xảy ra trong năm nay khi nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới đang thu hoạch một vụ ngũ cốc bội thu trong khi sản lượng đường dự kiến cũng tăng, giám đốc điều hành của công ty kinh doanh đường Alvean cho biết.
Các nhà máy ở Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, đã sản xuất 21,6 triệu tấn chất tạo ngọt kể từ niên vụ hiện tại, bắt đầu vào ngày 1 tháng 10, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các đại lý vẫn cho biết thị trường nói chung đang hạ dự báo sản lượng đường của Ấn Độ trong năm nay, đẩy giá lên, đồng thời trở nên mua quá mức về mặt kỹ thuật.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tăng mạnh vào thứ Năm, quay trở lại mức cao nhất trong ba tháng gần đây do các dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẵn có ở Brazil đang giảm nhanh.
Cà phê arabica giao tháng 3 tăng 2 cent, tương đương 1,1%, lên 1,779 USD/lb, sau khi chạm 1,8420 USD vào thứ Tư, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10; cà phê robusta tháng 3 giảm 4 USD, tương đương 0,2%, xuống 2.049 USD/tấn.
Các đại lý cho biết các quỹ đang bù cho các vị thế bán khống của họ do phí bảo hiểm hàng vật chất tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê nhân tháng 1 của Brazil giảm 5% so với một năm trước đó xuống còn 169.553 tấn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết xuất khẩu cà phê đã giảm 7,7% trong tháng 12, chủ yếu do xuất khẩu cà phê arabica giảm. Giao dịch tại nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, là Việt Nam, đã nối lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, nhưng nông dân không muốn bán do người mua đưa ra mức chiết khấu cao.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 150-180 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn London và so với mức trừ lùi 90 USD/tấn 1 tuần trước đó. Cà phê nhân xô được bán với giá 41.900-43.700 VND (1,79-1,86 USD)/kg, tăng so với 38.900-41.100 VND/kg 1 tuần trước đó.
Trong tháng 1/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 160.000 tấn cà phê, giảm 30,9% so với cùng tháng năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2023 giảm 29,8% so với cùng tháng năm ngoái xuống 352 triệu USD.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2023, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 5 liên tiếp, do hoạt động nhà máy tiếp tục giảm ảnh hưởng đến nhu cầu, trong khi giá cao su tại Thượng Hải giảm cũng gây áp lực giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn Osaka giảm 3,4 JPY tương đương 1,5% xuống 225,6 JPY (1,75 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/1/2023 (224,4 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch; cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 445 CNY xuống 12.765 CNY (1.901 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Singapore giảm 1,8% xuống 141,4 US cent/kg.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)