menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 4/7: Giá dầu tăng, kim loại giảm

12:04 05/07/2022

Phiên giao dịch vừa qua, thị trường trầm lắng do các sàn Mỹ nghỉ lễ. Giá dầu phiên này đi lên, trong khi kim loại công nghiệp giảm mạnh.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do lo ngại về nguồn cung khi sản lượng sụt giảm, tình hình tại Libya tiếp tục bất ổn và các lệnh trừng phạt đối với Nga do liên quan tới tình hình tại Ukraine.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 2,26 USD, tương đương 2%, lên 113,89 USD/thùng vào cuối phiên, sau khi giảm hơn 1 USD/thùng lúc đầu phiên, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,2 USD, tương đương 2%, lên 110,63 USD/thùng. Khối lượng giao dịch ít do thị trường Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh.
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng Sáu đã không đạt mục tiêu tăng sản lượng. Trong đó, tại Libya, thành viên OPEC, các nhà chức trách cho biết sản lượng dầu giảm 865.000 thùng/ngày do tình trạng bất ổn. Sản lượng dầu của Ecuador cũng giảm gần 2 triệu thùng do bất ổn.
Vấn đề nguồn cung càng trở nên khó khăn khi xảy ra một cuộc đình công tại Na Uy, có thể khiến nguồn cung từ nhà sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu bị sụt giảm, và làm giảm khoảng 8% sản lượng xăng.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty dịch vụ dầu khí PVM (Vương quốc Anh) nhận định nếu sản lượng dầu không được bổ sung, giá sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 4/7 đã kêu gọi OPEC và các đồng minh tăng cường sản xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt. Giá dầu thô Brent có lúc đã vọt lên mức cao nhất kể từ 2008 là 147 USD/thùng sau khi xung đột Nga-Ukraine đào sâu mối lo ngại về nguồn cung. Giá năng lượng tăng vọt do lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga và nguồn cung khí đốt giảm đã khiến lạm phát ở một số quốc gia lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và làm dấy lên lo ngại suy thoái.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng biến động nhẹ trong bối cảnh triển vọng lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng, nhưng đồng USD suy yếu đã giúp giá vàng duy trì trên ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.807,4 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tháng (1.783,5 USD/ounce) trong phiên trước đó; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 0,4% lên 1.809 USD/ounce.
Đồng USD đã giảm 0,2% nhưng vẫn ở gần mức cao nhất 20 năm qua ghi nhận trong tuần trước. USD hạ nhiệt giúp vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những người mua vàng bằng các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, triển vọng lãi suất gia tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong tháng này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ có động thái tương tự, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã chạm mức cao kỷ lục mới trong tháng Sáu.
Chuyên gia phân tích thị trường của công ty Kinesis Money (Liechtenstein), Rupert Rowling, nhận định: “Trong môi trường lãi suất tăng như hiện nay, rất khó để vàng tăng giá mạnh. Nhưng nếu kim loại quý này có thể duy trì trên ngưỡng 1.800 USD/ounce, điều đó cho thấy vẫn có những lực đẩy đáng kể cho giá vàng”.
Thị trường cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed, sẽ được công bố trong ngày 6/7, và số liệu việc làm của Mỹ được công bố vào ngày 8/7.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 19,81 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,7% xuống 882,75 USD/ounce, và palladium giảm 1,1% xuống 1.939,83 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng do Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, tái áp đặt các biện pháp chống Covid-19 tại một số khu vực, hoạt động sản xuất toàn cầu chậm lại và tồn trữ đồng tăng, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu và hoạt động bán tháo. Tồn trữ tại London tăng 10.100 tấn lên 136.950 tấn.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên giao dịch giảm 0,8% xuống 7.982 USD/tấn, trước đó trong phiên giá đồng giảm xuống 7.918 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Sản xuất toàn cầu trong tháng 6/2022 suy giảm do giá tăng cao và triển vọng kinh tế ảm đạm, khiến người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng, trong khi xung đột Nga – Ukraine đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này tăng 0,6% lên 2.460 USD, kẽm tăng 2,1% lên 3.094 USD, chì tăng 0,8% lên 1.951 USD, thiếc giữ nguyên ở mức 26.650 USD và nickel tăng 3,1% lên 22.500 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á phiên này cũng giảm do triển vọng nhu cầu quặng sắt tại Trung Quốc đi xuống khi nhiều nhà máy thép bị thua lỗ và cắt giảm sản lượng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/202 trên sàn Đại Liên giảm 5,8% xuống 719,5 CNY (107,49 USD)/tấn, giảm phiên thứ 3 liên tiếp và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 23/6/2022; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Singapore giảm 4,8% xuống 109,15 USD/tấn. Đối với mặt hàng thép, trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn giảm 3,4%, thép cuộn cán nóng giảm 3,8%, trong khi thép không gỉ giảm 1,1%.
Các nhà máy ở nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đã phải cho ngừng hoạt động hàng chục lò cao khi các kho dự trữ chất đống sau khi nhu cầu trong nước suy yếu, ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa chống COVID-19 và thời tiết xấu.
Nguy cơ ngày càng lớn về một cuộc suy thoái trên toàn cầu cũng đè nặng lên tâm lý các nhà giao dịch, cùng với động thái có chủ ý của Trung Quốc nhằm hạn chế sản lượng thép theo kế hoạch khử cacbon.
Các thành phố ở miền đông Trung Quốc đã thắt chặt hạn chế COVID-19 từ Chủ nhật, 3/7, khi xuất hiện một số ổ dịch, gây lo ngại về sự hồi phục của nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil tăng mạnh, khiến hàng tồn kho bên cảng của Trung Quốc tăng trong tuần trước sau khi giảm 8 tuần liên tiếp, và nhà phát triển bất động sản Shimao Group của nước này không trả được trái phiếu nợ cũng là nguyên nhân thúc đẩy hoạt động bán tháo.
Trên thị trường nông sản, phiên vừa qua chỉ có giá các mặt hàng giao dịch ở sàn London và châu Á, bởi sàn Chicago và New York đóng cửa nghỉ lễ.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,8% lên 553,8 USD/tấn.
Giá cà phê robusta trên sàn London chạm mức thấp nhất 10 tháng, trong bối cảnh nguồn cung từ những nước sản xuất hàng đầu - Việt Nam và Indonesia – tăng. Theo đó, cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.002 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021 (1.998 USD/tấn).
Giá cao su trên thị trường châu Á tăng. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Osaka tăng 2,7 JPY tương đương 1,1% lên 258,2 JPY (1,9 USD)/kg, trong bối cảnh giá ở Thượng Hải tăng và thị trường chứng khoán Tokyo hồi phục, làm lu mờ mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 160 CNY lên 13.080 CNY (1.955 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/6/2022 (13.175 CNY/tấn) lúc đầu phiên giao dịch; cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore tăng 0,7% lên 164,4 U.S. cents/kg.
Lượng cao su dự trữ ở các kho của sàn Thượng Hải tuần qua tăng 0,7%.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa