Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 3% trong phiên đầu tuần theo xu hướng thị trường chứng khoán Mỹ sau khi số số liệu kinh tế khả quan của Mỹ lại gây lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 5/12, dầu thô Brent giảm 2,89 hay 3,4% xuống 82,68 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,05 USD hay 3,8% xuống 76,93 USD/thùng. Cả hai loại dầu này trước đó tăng hơn 2 USD.
Tuần trước, giá dầu WTI tăng gần 4,9%, trong khi giá dầu Brent tăng 2,2%.
Hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ tháng 11 mạnh hơn dự kiến, với số việc làm phục hồi, cung cấp thêm bằng chứng về động lực cơ bản trong nền kinh tế này khi chuẩn bị cho một cuộc suy thoái dự đoán vào năm tới. Những số liệu này thách thức hy vọng rằng Fed có thể làm chậm lại tốc độ và mức độ tăng lãi suất trong bối cảnh các dấu hiệu lạm phát giảm gần đây.
Viện Quản lý Nguồn cung ngày 5/12 công bố báo cáo cho thấy, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Mỹ ở mức 56,5% trong tháng 11, tăng so với mức 54,4% của tháng 10. PMI trên 50% cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng. Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của The Wall Street Journal dự báo chỉ số này giảm xuống 53,7%.
Số liệu trên gây lo ngại Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
Các nhà giao dịch cũng đánh giá quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+.
OPEC+ ngày 4/12 đã nhất trí tiếp tục chính sách hiện nay trong việc giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 cho đến cuối năm 2023.
Nhóm G7 và Australia tuần trước đã đồng ý áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô của Nga. Tuy nhiên ảnh hưởng của giá trần đối với thị trường trong phiên này đã mất tác dụng. Chủ tịch của Hiệp hội dầu Lipow tại Houston cho biết thị trường đã nhận ra rằng EU cấm mua dầu của Nga với một số miễn trừ hạn chế, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga vì thế ảnh hưởng của việc áp giá trần sẽ được giảm thiểu.
Cùng thời điểm này, dấu hiệu tích cực với nhu cầu tại nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, thêm nhiều thành phố của Trung Quốc nới lỏng hạn chế về Covid trong cuối tuần qua.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD phục hồi bởi đặt cược rằng số liệu kinh tế của Mỹ mạnh có thể khiến Cục dự trữ Liên bang đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.769,14 USD/ounce sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 5/7, là .809,91 USD; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2023 đóng cửa giảm 1,6% xuống 1.781,3 USD/ounce. Giá bạc giao ngay cũng giảm 3,8% xuống 22,24 USD/ounce.
Giá vàng tăng lúc đầu phiên nhưng giảm về cuối phiên sau thông tin nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang nới lỏng những hạn chế về Covid.
Số liệu tích cực đến từ nền kinh tế Mỹ làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ có chính sách cứng rắn hơn, từ đó thúc đẩy chỉ số USD tăng, khiến vàng và bạc bị bán tháo khi kỳ vọng Fed sẽ có chính sách cứng rắn hơn.
Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng mới với hàng chế tạo tăng 1% trong tháng 10, sau khi tăng 0,3% trong tháng Chín, trong khi các nhà kinh tế dự báo mức tăng 0,7%.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 1,8% xuống 996,51 USD/ounce, trong khhi palladium giảm 1,3% xuống 1.874,50 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm khỏi mức cao nhất 3 tuần do hy vọng nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng những hạn chế về Covid. Đồng USD mạnh lên cũng góp phần gây áp lực lên giá đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn kim loại London (LME) giảm 0,8% xuống 8.8385 USD/tấn sau khi chạm mức 8.555 USD, cao nhất kể từ ngày 14/11.
Chính sách zero Covid của Trung Quốc trở thành một ngoại lệ toàn cầu khi hầu hết các quốc gia tìm cách chung sống với căn bệnh này, mặc dù nước này đã thực hiện 20 biện pháp mới để tổ chức kiểm soát tốt hơn vào tháng trước trong bối cảnh gia tăng sự phản đối của công chúng.
Các yếu tố cung cầu yếu đã được nêu bật trong tuần trước với chỉ số quản lý sức mua (PMI) ở mức 48 trong tháng 11, thấp nhất trong 7 tháng.
Trong khi đó, USD tăng sau khi số liệu của Mỹ cho thấy các đơn hàng sản xuất tăng trên mức được đồng thuận trong tháng 10, và sự gia tăng bất ngờ trong hoạt động của lĩnh vực dịch vụ vào tháng 11.
USD cao khiến các kim loại định giá bằng USD đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, có thể làm giảm nhu cầu.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này giảm 1,4% xuống 2.511 USD/tấn, đầu phiên có lúc giá đạt 2.577 USD, cao nhất kể từ 16/6. Giá kẽm tăng 1% lên 3.109 USD/tấn, chì tăng 1,3% lên 2.232 USD, thiếc tăng 4,8% lên 24.375 USD và niken giảm 1,2% lên 28.520 USD.
Giá quặng sắt tăng do hy vọng nhu cầu tăng tốt hơn sau khi nhiều thành phố tại Trung Quốc nới lỏng những hạn chế về Covid-19 trong cuối tuần qua.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 2,4% lên 795,5 CNY (114,41 USD)/tấn, sau khi tăng 4,1% trong đầu phiên giao dịch lên mức cao nhất kể từ ngày 16/6. Tại Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 2% lên 108,7 USD/tấn.
Ngân hàng ANZ cho biết tâm lý thị trường cũng được thúc đẩy bởi các động thái hỗ trợ lĩnh vực bất động sản gần đây của Trung Quốc.
Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng tăng 1,2%, thép không gỉ tăng 2,2%.
Người dân Bắc Kinh hôm thứ Bảy đã mừng rỡ với việc các quầy xét nghiệm Covid-19 được dỡ bỏ, trong khi Thâm Quyến cho biết họ sẽ không còn yêu cầu hành khách xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi du lịch.
Cổ phiếu châu Á mở rộng đà tăng khi các nhà đầu tư hy vọng các bước nới lỏng hạn chế đại dịch ở Trung Quốc cuối cùng sẽ làm sáng tỏ triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu hàng hóa, khiến đồng đô la giảm giá so với đồng nhân dân tệ.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm bởi nguồn cung toàn cầu tăng bất chấp xuất khẩu của Mỹ hàng tuần mạnh hơn dự kiến. Ngô giảm theo lúa mì, mặc dù tình trạng khô hạn tại Nam Mỹ. Đậu tương giảm bất chất nhu cầu xuất khẩu và giao dịch khô đậu tương mạnh mẽ.
Trên sàn giao dịch Chicago, hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất giảm 22 US cent xuống 7,39 USD/bushel, sau khi xuống 7,34 USD, mức thấp nhất đối với loại hợp đồng này kể từ ngày 18/10/2021; hợp đồng đậu tương giảm 3/4 US cent xuống 14,37-3/4 USD/bushel; trong khi ngô giảm 5-3/4 US cent xuống 6,40-1/2 USD/bushel sau khi giảm xuống 6,37-3/4 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 23/8.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 kết thúc phiên tăng 0,07 US cent hay 0,4% lên 19,55 US cent/lb. Hợp đồng này đã lên mức cao nhất hai tuần trước đó, nhưng đà tăng sau đó bị hạn chế bởi USD tăng và giá dầu giảm. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 6,2 USD hay 1,2% lên 539,1 USD/tấn.
Các đại lý cho rằng sản lượng đường tại Ấn Độ, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil có thể giảm 7% trong niên vụ này do điều kiện thời tiết thất thường làm giảm sản lượng mía. Họ cũng lưu ý rằng Ấn Độ có thể chỉ còn lại 1 triệu tấn đường xuất khẩu theo hạn ngạch hiện nay. Vụ thu hoạch mía đường của Thái Lan bị trì hoãn, trong khi đó mưa kéo dài tại Brazil dự kiến sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thu hoạch mía.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 vững ở mức 1,626 USD/lb sau khi tăng trước đó; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 11 USD hay 0,6% lên 1.899 USD/tấn.
Giá cao su Nhật Bản tăng, theo xu hướng cổ phiếu trong nước tăng và sự gia tăng tại thị trường Thượng Hải khi thêm nhiều thành phố ở Trung Quốc nới lỏng hạn chế với Covid.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1 JPY hay 0,5% lên 217,7 JPY (1,62 USD)/kg; hợp đồng giao tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 55 CNY lên 12.860 CNY (1.7850 USD)/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2023 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore tăng 0,4% lên 135,5 US cent/kg.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)