menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 6/6: Giá dầu và vàng giảm, kim loại công nghiệp và nông sản tăng

12:16 07/06/2022

Phiên giao dịch vừa qua, thị trường có nhiều biến động. Giá một số mặt hàng như đồng, quặng sắt, đường… cao kỷ lục nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bất chấp việc Saudi Arabia nâng giá dầu thô tháng Bảy, do kỳ vọng việc nhà sản xuất dầu của OPEC + tăng sản lượng sẽ khiến tình trạng thắt chặt nguồn cung được giảm bớt.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm giảm 21 cent, tương đương 0,2% xuống 119,51 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong ngày là 121,95 USD; dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 37 cent, tương đương 0,3% xuống 118,50 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong ba tháng là 120,99 USD; trong phiên có lúc dầu WTI giảm 1 USD. Hoạt động giao dịch biến động mạnh trong suốt phiên.
Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) với các hợp đồng dầu thô nhẹ hàng đầu của Ả Rập sang châu Á kỳ hạn tháng 7 cho thêm 2,10 USD so với tháng 6 lên mức cộng 6,50 USD so với giá dầu Oman/Dubai, gần sát mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận vào tháng 5, khi thị trường hoảng loạn vì lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Quyết định tăng giá này diễn ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tuần trước đã nhất trí tăng sản lượng tháng Bảy và tháng Tám thêm 648.000 thùng/ngày, tức nhiều hơn 50% so với mức tăng trước đó, nhưng tình hình căng thẳng trong năng lực lọc dầu toàn cầu vẫn khiến giá dầu tăng lên. Mức tăng mục tiêu nói trên được chia cho tất cả các thành viên OPEC+, nhưng nhiều nước trong số đó chỉ còn rất ít khả năng tăng sản lượng, trong khi Nga còn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vì chỉ còn rất ít nước trong OPEC+ có năng lực sản xuất dư thừa, nên các chuyên gia của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự đoán sản lượng của khối này sẽ chỉ tăng khoảng 160.000 thùng/ngày trong tháng Bảy và 170.000 thùng/ngày trong tháng Tám.
Hôm thứ Hai, Citibank và Barclays đã nâng dự báo về giá dầu năm 2022 và 2023, cho biết họ dự kiến sản lượng và xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 9% lên mức cao nhất trong 13 năm do dự báo thời tiết nóng hơn và nhu cầu cao hơn dự kiến trước đó, sản lượng giảm, xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng và nhu cầu năng lượng kỷ lục ở Texas.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao tháng 7 tăng 79,9 cent, tương đương 9,4%, lên 9,322 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008. Đó là mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất của hợp đồng kể từ giữa tháng Hai.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Mỹ đã tăng khoảng 151% từ đầu năm đến nay do giá ở châu Âu và châu Á tăng nhiều khiến nhu cầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng mạnh, đặc
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Trọng tâm chú ý của thị trường tuần này chuyển sang dữ liệu lạm phát của Mỹ - có thể sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.841,29 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,4% ở mức 1.843,70 USD.
Giới phân tích thị trường cho biết vàng gần đây chịu ảnh hưởng của chỉ số đồng USD, vốn phụ thuộc vào hai yếu tố gồm có các số liệu kinh tế Mỹ cũng như lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lợi tức trái phiếu kho bạc của Mỹ nếu liên tục tăng từ nay đến thứ Sáu (10/6) – khoảng thời gian mà các dữ liệu công bố sẽ là cơ sở để Fed điều chỉnh chính sách - dự kiến sẽ cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao. Đồng USD cũng tăng trong phiên vừa qua, khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng sẽ làm giảm swcshaaps dẫn của vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao kỳ hạn tháng Bảy tăng 18,4 US cent (tương đương 0,84%) lên 22,092 USD/ounce; bạch kim giao cùng kỳ hạn tăng 13,6 USD (2,9%) lên 1.030 USD/ounce; trong khi palladium tăng 1,4% lên 2,003,42 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần sau khi Trung Quốc – nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới - dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống COVID-19 làm tăng triển vọng nhu cầu kim loại này, trong khi tồn trữ giảm cũng góp phần hỗ trợ giá.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 2,5% lên 9,735 USD/tấn vào lúc cuối phiên, trong phiên có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 27/4, là 9,916,19 USD.
Nhà phân tích Max Layton của Citi cho biết: “Trung Quốc đã từ từ mở cửa trở lại và đã công bố các biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế ... thị trường dường như tiếp tục định giá về một đợt phục hồi mạnh mẽ hơn nữa đối với hoạt động của Trung Quốc trong những tháng tới”.
Các thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải đã trở lại hoạt động bình thường trong những ngày gần đây sau hai tháng phong tỏa.
Nội các Trung Quốc tuần trước đã công bố một gói gồm 33 biện pháp bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp nhằm vực dậy nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và đưa ra các bước tiếp theo nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Dự trữ đồng trong các kho có đăng ký của LME ở mức 140,975 tấn, giảm hơn 20% kể từ giữa tháng Năm.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 2,2% lên 2.787 USD/tấn, kẽm tăng 0,1% lên 3.867 USD, chì tăng 2,5% lên 2.224 USD, thiếc tăng 1,8% lên 35.550 USD và nickel tăng 6% lên 29.800 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng khi các kho dự trữ nguyên liệu sản xuất thép tại các cảng của Trung Quốc ngày càng thu hẹp đã tiếp thêm động lực cho đà tăng được thúc đẩy bởi sự lạc quan về nhu cầu ở nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Theo đó, giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch ban ngày tăng 0,7% lên 925 nhân dân tệ (139,02 USD)/tấn, sau khi chạm mức 948 nhân dân tệ lúc đầu phiên, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 vững ở 142,70 USD/tấn.
Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy tồn kho quặng sắt tại các cảng biển Trung Quốc đã giảm xuống còn 132 triệu tấn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9.
Theo dữ liệu của SteelHome, giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc đứng ở mức 142,50 USD/tấn vào ngày 2/6, mức cao nhất kể từ ngày 5/5.
Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên này tăng 0,4%, thép cuộn cán nóng tăng 0,2% và thép không gỉ tăng 0,6%.
Trên thị trường nông sản, giá đồng loạt tăng khi triển vọng xuất khẩu của Ukraine đến nay vẫn mờ nhạt và tình trạng nguồn cung gián đoạn nguồn cung từ Ukraine sẽ còn kéo dài.
Giá lúa mì Mỹ tăng 5,1%, với lúa mì đỏ mềm vụ đông, kỳ hạn giao tháng 7, tăng 53 cent lên 10,93 USD/bushel.
Xu hướng tăng giá lúa mì đã lan sang thị trường ngô, kết thúc chuỗi 4 phiên giảm giá trước đó của thị trường này. Giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 15-1/2 cent lên 7,42-1/2 USD/buyshel.
Giá đậu tương phiên này cũng tăng nhẹ, với đậu tương tháng 7 cũng tăng 1-1/2 cent lên 16,99-1/4 USD/bushel.
Giá đường trắng tăng lên mức cao nhất 5,5 năm do các đại lý lo ngại xuất khẩu đường của Ấn Độ có thể không đạt mức giới hạn 10 triệu tấn trong vụ mùa này, trong khi giá đường thô tăng theo xu hướng giá đường trắng. Giá đường thô cũng theo xu hướng giá đường trắng.
Theo đó, đường trắng kỳ hạn tháng 8 phiên này tăng 15,90 USD, tương đương 2,8%, lên 594,00 USD/tấn, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, là 599,60 USD; đường thô giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,27 cent, tương đương 1,4%, lên 19,56 cent/lb.
"Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy hệ thống mới (của Ấn Độ) để xin" phép xuất khẩu "(đường) là chậm và khó khăn. Do đó, chúng tôi cho rằng xuất khẩu có thể không đạt đủ 10 triệu tấn như Chính phủ cho phép", nhà môi giới Marex Spectron cho biết.
Cà phê arabica giao tháng 7 phiên này tăng 5,15 cent, tương đương 2,2%, lên 2,3755 USD/lb, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2, là 2,4200 USD trong phiên thứ Năm (2/6); robusta giao tháng 7 phiên này giảm 3 USD, tương đương 0,1% xuống 2.133 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn được hỗ trợ tốt bởi nguồn cung khan hiếm và các kho dự trữ được chứng nhận của ICE thấp gần mốc 1 triệu bao.
Fitch Solutions hôm thứ Hai cho biết họ dự kiến Brazil sẽ sản xuất 60 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm nay, nhiều hơn 6,2% so với năm 2021.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản kết thúc phiên ở mức cao nhất trong vòng 7 tuần theo xu hướng tăng của giá nguyên liệu thô và bởi tâm lý lạc quan sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên Sàn Osaka tăng 2,8 yên, tương đương 1,1%, lên 262,6 yên (2,01 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 4 ở 263,9 yên trước đó trong cùng phiên. Đây là phiên giá tăng thứ tám liên tiếp.
Đồng USD được giao dịch ở mức 130,75 Yên so với 129,83 Yên vào chiều thứ Sáu tại Châu Á. Cổ phiếu Nikkei ccủa Nhật Bản tăng 0,6% vào thứ Hai.
Giá cao su Thái Lan phiên vừa qua chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/4, là 52,85 baht (1,54 USD)/kg. Cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 30 nhân dân tệ lên 13.350 nhân dân tệ (2.007,31 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 4, là 13.450 nhân dân tệ. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,1% xuống 168,2 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa