Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm xuống thấp hơn mức trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khi số liệu bi quan về kinh tế Trung Quốc khiến nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 4,83 USD xuống 88 USD/thùng, xuống dưới 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 8/2/2022; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,94 USD, tương đương 5,7%, xuống 81,94 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Số liệu kinh tế yếu đi của Trung Quốc và chính sách “Zero COVID” làm gia tăng lo ngại về nhu cầu. Thống kê từ hải quan cho thấy trong tháng Tám nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Phil Flynn của hãng phân tích thị trường Price Futures Group (Mỹ) nhận định các nhà đầu tư đang lo ngại về hậu quả do đà tăng vọt của giá năng lượng tại châu Âu, sự giảm tốc nhu cầu tại lục địa này và chính sách tăng lãi suất.
Sau lệnh trừng phạt mới, tập đoàn Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo động thái này sẽ làm tăng khả năng suy thoái trong tại Khu vực đồng euro.
Một số ngân hàng trung ương thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Song, các nhà kinh tế nhận định Mỹ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cơn bão. Điều này đã thúc đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yen và mức cao nhất trong 37 năm so với đồng bảng Anh. Đồng bạc xanh mạnh hơn đã gây sức ép lên giá dầu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh khi nhóm họp vào thứ Năm. Một cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 9. Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 14 năm vào thứ Tư, như dự kiến, và cho biết lãi suất chính sách sẽ cần phải tăng cao hơn nữa để chống lại lạm phát đang hoành hành.
Dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm tuần thứ 4 liên tiếp, ước tính giảm khoảng 733.000 thùng trong tuần tính đến ngày 2/9, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ và xuất hiện hoạt động mua kiếm lời, song triển vọng của vàng vẫn bị lu mờ bởi triển vọng tăng lãi suất tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.716,59 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 0,9% lên 1.727,8 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất 20 năm, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn so với tiền tệ khác. Tuy nhiên, đồng USD giảm nhẹ từ mức cao đỉnh điểm vào cuối phiên, đã đẩy giá vàng tăng.
David Meger, nhà quản lý cấp cao thuộc công ty môi giới High Ridge Futures, có trụ sở tại Mỹ, nhận định đà tăng của vàng là nhờ nhu cầu đối với các tài sản an toàn và hoạt động săn hàng giá hạ của thị trường. Ông Meger cho biết gần đây vàng hoạt động như một tài sản rủi ro hơn là một tài sản an toàn và thời điểm vàng nghiêng về phía tài sản an toàn là lúc các nền kinh tế giảm tốc do chính sách tăng lãi suất. Thống kê cho thấy giá vàng đã giảm hơn 300 USD kể từ khi tăng trên 2.000 USD/ounce vào tháng Ba.
Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã tăng trở lại trong tháng Tám, ghi dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp nhờ đà tăng số đơn hàng và việc làm. Số liệu khả quan về nền kinh tế giúp mở ra cánh cửa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát.
Nhiều nhà quan sát dự kiến Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 21/9. Kể từ tháng Ba, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 225 điểm cơ bản để chống lại đà tăng của lạm phát.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,9% lên 18,40 USD/ounce; bạch kim tăng 1,6% lên 866,43 USD và palladium tăng 1,9% lên 2.044,09 USD.
Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money cho biết, bạc trở nên hấp dẫn khi giá đã giảm xuống quá thấp so với giá trị thực, với triển vọng nhu cầu đối với kim loại được sử dụng trong các lĩnh vực quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng như pin vẫn khả quan.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm làm suy yếu triển vọng nhu cầu và thúc đẩy đồng USD tăng.
Giá nhôm trên sàn London giảm 1,1% xuống 2.236,5 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 (2.233 USD/tấn). Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm giảm 20%.
Đồng USD tăng mạnh trong năm 2022 hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1981 và đạt mức cao nhất 20 năm khiến kim loại định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với người mua hàng bằng các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích độc lập Robin Bhar cho biết mặc dù nguồn cung nhôm và các kim loại khác trong tình trạng thắt chặt và tồn trữ ở mức thấp, song thị trường chuyển sự tập trung sang nhu cầu yếu và đồng USD tăng.
Tuy nhiên, lượng lớn nhôm đổ vào các kho có đăng ký của LME đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung. Tồn trữ nhôm của sàn LME tăng lên 309.500 tấn, từ 277.050 tấn vào thứ Hai, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức gần đây. Lượng nhôm được lưu giữ tại các cảng của Nhật Bản và kho hàng của Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) cũng đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Về các kim loại khác, giá đồng trên sàn LME giảm 1,2% xuống 7.591,50 USD/tấn, kẽm giảm 1,6% xuống 3.115,50 USD, niken giảm 1,1% xuống 21.345 USD, chì tăng 0,5% lên 1.902,50 USD và thiếc giảm 2,3% ở 20.720 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, trong khi giá quặng sắt trên sàn Singapore cũng giảm bởi số liệu thương mại tháng 8/2022 đáng thất vọng và tồn trữ quặng sắt tại Trung Quốc tăng.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 1,7% xuống 680 CNY (97,61 USD/tấn); quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 1,3% xuống 95,75 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,5%, thép cuộn cán nóng tăng 0,2% và thép không gỉ tăng 0,8%.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2022 tăng 7,1%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 0,3%, cả hai đều không như kỳ vọng. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm giảm 3,1%, khi các nhà máy thép giảm sản lượng do nhu cầu yếu gây ra bởi các hạn chế Covid-19, lĩnh vực bất động sản suy thoái buộc phải cắt giảm sản lượng. Đồng thời, xuất khẩu sản phẩm thép của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm giảm 3,9%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng 3,3% lên mức cao nhất gần 2 tháng do lo ngại nguồn cung. Giá ngô và đậu tương giảm do hoạt động bán kiếm lời, trong đó giá ngô có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ 27/6 trước khi quay đầu giảm.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 27-1/4 US cent lên 8,44-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 5 US cent xuống 6,71 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 15-1/4 US cent xuống 13,83-1/2 USD/bushel. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 8/2022 giảm 24,5% so với cùng tháng năm ngoái.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,07 US cent tương đương 0,4% lên 18,05 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London giảm 2 USD tương đương 0,3% xuống 571,2 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm 3%, chịu áp lực bởi đồng USD tăng mạnh và mưa có lợi cho cây cà phê tại một số khu vực của Brazil. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 7 US cent tương đương 3% xuống 2,2325 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London giảm 24 USD tương đương 1,1% xuống 2.238 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản duy trì ổn định trong bối cảnh đồng JPY suy yếu hỗ trợ giá tăng, song giá cao su tại Thượng Hải giảm gây áp lực giảm.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka duy trì ổn định ở mức 214,8 JPY (1,49 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 30 CNY xuống 12.260 CNY (1.760 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su giao tháng trước trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giao tháng 10 STFc1 giao dịch lần cuối ở mức 129,2 US cent / kg, giảm 0,4%.
Đồng yen yếu đi khiến giá cao su trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)