menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 9/8: Hầu hết tăng giá, trừ dầu mỏ

11:00 10/08/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá hàng hóa nguyên liệu, từ kim loại đến nông sản, đều tăng.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại có thể khiến nhu cầu giảm, bất chấp thông tin dòng chảy dầu Nga qua đường ống Druzhba quá cảnh Ukraine có thể bị giảm một phần.
Giá dầu thô đã chịu áp lực trong nhiều tuần do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên chốt ở mứcc96,31 USD/thùng, mất 34 cent, tương đương 0,4%, so với phiên liền trước; dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ chốt ở mức 90,50 USD/thùng, giảm 26 cent, tương đương 0,3%.
Ukraine đã ngăn chặn một phần dòng chảy dầu trên đường ống dẫn dầu Druzhba đến các khu vực của Trung Âu vì các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Moscow không thể thanh toán phí vận chuyển.
Các dòng chảy dọc theo tuyến đường phía nam của đường ống Druzhba đã bị ảnh hưởng trong khi tuyến phía bắc phục vụ Ba Lan và Đức không bị gián đoạn.
Giá dầu lúc đầu phiên tăng lên do tin tức về đường ống dẫn dầu và kỳ vọng rằng việc đóng cửa sẽ thắt chặt nguồn cung, nhưng giá đã đảo chiều khi các chi tiết trở nên rõ ràng hơn về nguyên nhân gây ra sự gián đoạn và dòng chảy dự kiến sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai thuộc Mizuho ở New York, cho biết: “Xét trên thực tế không phải là phía Nga đóng cửa đường ống, mà là do Ukraine, nên sớm muộn sẽ được giải quyết”.
Giá đã bị áp lực bởi các cuộc đàm phán về nỗ lực cuối cùng của các quốc gia châu Âu nhằm hồi sinh hiệp định hạt nhân Iran. Hôm thứ Hai, Liên minh châu Âu đã đưa ra một văn bản "cuối cùng" để khôi phục thỏa thuận Iran năm 2015. Một quan chức cấp cao của EU cho biết quyết định cuối cùng về đề xuất này cần sự chấp thuận của Mỹ và Iran, dự kiến sẽ diễn ra trong vòng "rất, rất ít tuần".
Các cuộc đàm phán đã kéo dài hàng tháng trời mà không đạt được thỏa thuận.
Theo các hãng theo dõi tàu chở dầu, xuất khẩu dầu thô của Iran thấp hơn ít nhất 1 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2018 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Giá dầu hiện đã giảm hơn 40 USD so với mức đỉnh cao sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine - khiến giá dầu Brent trong một thời gian ngắn vọt lên 139 USD/thùng.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ cũng đang báo hiệu nhu cầu giảm. Các kho dự trữ dầu thô tăng khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5 tháng 8, trái với dự đoán của các nhà phân tích là tồn kho dầu thô sẽ giảm 400.000 thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD yếu đi trong khi các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để biết rõ hơn về lộ trình chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.794,64 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,4% lên 1.812,3 USD/ounce.
Đồng bạc xanh yếu đi khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, từ đó trở nên hấp dẫn hơn. Chỉ số đồng USD đã giảm 0,1% trong phiên vừa qua.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết vàng hiện đang được hưởng lợi từ đồng USD yếu đi và tình hình Nga-Ukraine, trong khi trọng tâm là chỉ số CPI của Mỹ sắp công bố.
Gần đây, vàng đã phải đối mặt với áp lực giảm khi các ngân hàng trung ương khắp nơi trên thế giới nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng. Kim loại quý được coi là hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn chính trị, nhưng lãi suất tăng khiến vàng thỏi bị giảm sức hấp dẫn.
Báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 sẽ được công bố trong ngày hôm nay. "Một con số lạm phát nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là lạm phát lõi, có thể là chất xúc tác (đối với giá vàng) để bứt phá lên đà tăng, trong khi nếu số lượng tăng mạnh có thể khiến giá tăng lên 1.800 USD trong tương lai gần", nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự đoán lạm phát của Mỹ tháng 7 sẽ ở mức 8,7%, thấp hơn mức 9,1% của tháng 6.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa để giải quyết áp lực lạm phát đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Anh, Phó thống đốc BoE Dave Ramsden cho biết.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 20,49 USD/ounce, bạch kim giảm 0,9% xuống 931,50 USD và palladium giảm 0,2% xuống 2.226,19 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng dao động gần mức cao nhất trong một tháng vào thứ Ba khi triển vọng nhu cầu được cải thiện do dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến từ Mỹ và nước tiêu thụ hàng đầu thế giới -Trung Quốc - được củng cố bởi đồng đô la giảm.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London vững ở mức 7.984 USD/tấn. Trong phiên liền trước, giá đã tăng lên 8.020 USD, cao nhất kể từ ngày 5 tháng Bảy.
Giles Coghlan, nhà phân tích thuộc công ty môi giới HYCM cho biết: "Trong thời gian tới, dữ liệu tốt lên có nghĩa là thị trường chứng khoán và tín dụng đang định giá rủi ro suy thoái nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh này, kim loại cơ bản có thể sẽ tăng giá”.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc tăng lên 463.693 tấn trong tháng Bảy, cao hơn 9,3% so với một năm trước đó do giá giảm mạnh đã kích thích hoạt động mua.
Triển vọng về nhu cầu của Trung Quốc có thể trở nên rõ ràng hơn trong vài ngày tới khi nước này công bố dữ liệu về các khoản vay mới, đầu tư, giá nhà và sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng bất ngờ vào tháng Bảy đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp vào tháng Chín của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ sẽ cung cấp thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ.
Các kho dự trữ nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm, là 284.275 tấn, cũng đang giúp thúc đẩy giá tăng 1,4% lên 2.480 USD.
Giá kẽm phiên này tăng 2,7% lên 3.539 USD/tấn, chì giảm 0,3% xuống 2.156 USD, thiếc tăng 0,4% lên 24.400 USD và nickel giảm 0,1% xuống 21.655 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm trong phiên vừa qua khi các thương nhân xem xét tác động từ việc dịch Covid-19 một lần nữa tái bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc và nhu cầu thép tại thị trường này yếu, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản “ốm yếu”.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, kỳ hạn giao vào tháng 1 năm sau, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã giảm 1% xuống 726 nhân dân tệ (107,53 USD)/tấn vào cuối phiên, mặc dù trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 8, là 755 nhân dân tệ.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 9 giảm 1,1% xuống 110,40 USD/tấn, sau khi tăng trong hai phiên liền trước nhờ biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc được cải thiện.
Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng - trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,1% và thép không gỉ giảm 2,7%.
Các nhà phân tích cho biết bất kỳ lợi nhuận nào đối với quặng sắt sẽ bị hạn chế do lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, phong tỏa chống -19 và hạn chế sản lượng tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần do tỷ lệ cây trồng đang trong điều kiện sinh trưởng tốt sụt giảm và lo ngại rằng thời tiết khô nóng ở miền Tây Trung Tây nước Mỹ sẽ còn tiếp tục gây căng thẳng cho mùa màng.
Giá lúa mì cũng tăng do USD yếu đi, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi việc nối Ukraine lại xuất khẩu lúa mì qua đường biển theo một thỏa thuận hành lang thời chiến.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi dự báo cung và cầu hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào thứ Sáu.
Nhưng điều kiện thời tiết và mùa vụ vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với thị trường sau khi USDA hạ mức xếp hạng tình trạng mùa vụ đậu tương hàng tuần và giảm xếp hạng mùa vụ ngô nhiều hơn dự kiến.
USDA cho biết 58% mùa vụ ngô của Mỹ ở tình trạng tốt đến xuất sắc tính đến Chủ nhật vừa qua, giảm 3 điểm so với một tuần trước đó và thấp hơn ước tính thương mại trung bình là 60%.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 6-3/4 cent lên 6,14 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 28-3/4 cent lên 14,28-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 9 tăng 1-3/4 cent lên 7,81-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ Malaysia tăng lên mức đóng cửa cao nhất trong 11 ngày, sau khi nhà sản xuất lớn hơn - Indonesia - hạ ngưỡng thuế xuất khẩu đối với dầu cọ thô, thu hẹp khoảng cách chiết khấu so với dầu cọ Malaysia.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) kết thúc phiên tăng 54 ringgit, tương đương 1,33%, lên 4.125 ringgit (926,34 USD)/tấn, là phiên thứ ba liên tiếp tăng.
Indonesia đã hạ ngưỡng áp dụng thuế xuất khẩu đối với dầu cọ thô xuống mức giá tham chiếu là 680 USD/tấn, giảm so với mức 750 USD/tấn trước đó, theo quy định của Bộ Tài chính.
Cơ quan hải quan Indonesia cho biết những thay đổi này đã nâng mức thuế xuất khẩu hiện tại đối với dầu cọ thô lên 52 USD/tấn từ mức 33 USD/tấn trước đó, với giá tham chiếu hiện là 872,27 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE ổn định, với đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,02 cent, tương đương 0,1%, lên 17,98 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,50 USD, tương đương 0,5% xuống 542,60 USD/tấn, sau khi tăng lên 554,90 USD vào thứ Hai – mức cao nhất trong gần ba tuần.
Giá cà phê arabica giao tháng 9 tăng 0,9%, tương đương 0,4%, lên 2,1275 USD/lb. Khối lượng arabica trong các kho dự trữ có chứng nhận của sàn ICE đã giảm hơn 20.000 bao trong ngày 9/8, xuống 610.159 bao, thấp nhất trong 22 năm; cà phê robusta giao tháng 11 cũng tăng 26 USD, tương đương 1,3% lên 2.100 USD/tấn.
Tồn trữ cà phê đang trong tình trạng cực kỳ bấp bênh, nhà phân tích cà phê kỳ cựu Judith Ganes cho biết, và thêm rằng mức cộng giá cà phê hàng thực đang cao nhất kể từ năm 2011, trong khi hợp đồng arabica kỳ hạn tháng 9 năm nay cao hơn đáng kể so với kỳ hạn tháng 3 năm sau, tất cả cho thấy nguồn cung kỳ hạn gần đang thắt chặt.
uất khẩu cà phê của Brazil tgrong tháng 7 giảm 15% xuống mức thấp nhất so với cùng thười điểm này kể từ năm 2018.
Giá bông kỳ hạn tương lai tăng hơn 3% lên mức cao nhất hơn một tháng vào thứ Ba sau khi một báo cáo của chính phủ cho thấy cây bông đang trong tình trạng suy giảm, và thêm tác động tích cực từ thị trường ngũ cốc quốc tế.
Giá bông kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên vừa qua tăng 2,97 cent, tương đương 3,1%, lên 98,56 cent/lb, sau khi giao dịch trong phạm vi 95,8 và 99 cent/lb, có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/7.
Rogers Varner, chủ tịch công ty Varner Brokerage ở Cleveland, Mississippi, cho biết: “Các chỉ số mùa vụ cho thấy mùa vụ bông đang xấu đi, và yếu tố khác là thị trường Chicago đang diễn biến tích cực”.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tính đến ngày 7 tháng 8, 31% diện tích trồng bông được đánh giá ở tình trạng tốt đến xuất sắc, giảm so với 38% một tuần trước đó và so với mức 65% cùng thời điểm năm ngoái.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng bù đắp áp lực từ đồng yên mạnh lên và giá dầu yếu đi.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Osaka lúc đóng cửa tăng 1,3 yên, tương đương 0,6%, lên 233,9 yên (1,7 USD)/kg; cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 90 nhân dân tệ lên 13.220 nhân dân tệ (1.958 USD)/tấn.
Tỷ giá USD ở mức 134,86 yên, so với 135,20 yên ở phiên trước đó.
Sàn giao dịch Singapore đóng cửa vào thứ Ba (9/8) để nghỉ lễ Quốc khánh.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa