menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG tuần tới 25/11: Giá dầu giảm, vàng tăng, kim loại và nông sản biến động

14:00 27/11/2022

Trong tuần qua, giá dầu tiếp tục giảm trong khi vàng tăng nhẹ. Hai mặt hàng này, cùng với các mặt hàng khác, chịu tác động bởi diễn biến tỷ giá USD và tình trạng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc. Khối lượng giao dịch không nhiều do thị trường Mỹ nghỉ lễ Phục sinh vào thứ Năm.
 
Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Giá dầu giảm 2% trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 25/11) do thanh khoản thị trường thấp, khép lại một tuần nổi bật lên 2 vấn đề là lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và sự mông lung trong kế hoạch áp mức giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent giảm 1,71 USD, tương đương 2%, xuống 83,63 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI_ giảm 1,66 USD, tương đương 2,1%, xuống 76,28 USD/thùng. Không có thỏa thuận dầu WTI nào diễn ra vào thứ Năm do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ và khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures group, nhận định: “Do khối lượng giao dịch thấp sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, nên đà tăng của giá dầu cũng bị ảnh hưởng phần nào”..
Cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức đáy 10 tháng trong tuần này. Dầu Brent giảm 4,6%, còn dầu WTI mất 4,7%.
Cấu trúc thị trường của dầu Brent và dầu WTI cho thấy nhu cầu hiện tại đang yếu đi, với hiện tượng bù hoãn bán (backwardation), được xác định bởi chênh lệch giá giao ngay của hợp đồng cơ sở cao hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai, đã suy yếu rõ rệt trong các phiên gần đây.
Đối với chênh lệch giá 2 tháng, cấu trúc của dầu Brent và dầu WTI thậm chí còn rơi vào tình trạng bù hoãn mua (contango) trong tuần này, ngụ ý cung đang vượt cầu với giá giao ngay của các hợp đồng cơ sở thấp hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục vào ngày 25/11, khi các thành phố trên cả nước tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và các biện pháp kiềm chế khác để kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Điều này đang bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, với lưu lượng giao thông giảm và nhu cầu dầu thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức trung bình.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao G7 và Liên minh châu Âu đã thảo luận về mức trần giá dầu của Nga trong khoảng từ 65 đến 70 USD/thùng, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Một cuộc họp của các đại diện chính phủ Liên minh châu Âu, dự kiến vào tối thứ Sáu để thảo luận về đề xuất này, đã bị hủy bỏ, các nhà ngoại giao EU cho biết.
Hoạt động giao dịch được dự báo vẫn sẽ thận trọng trước khi có thoả thuận về mức trần giá dầu của Nga, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12, khi các lệnh cấm của EU đối với dầu Nga bắt đầu, và trước khi OPEC+ tiến hành cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12 tới.
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ trong tuần
Trong phiên thứ Sáu (25/11), giá vàng vững ở mức cao nhất 1 tuần do USD tăng giá, tính chung cả tuần vàng tăng nhẹ do kỳ vọng Fed sẽ thu hẹp quy mô tăng lãi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên 25/11 ở mức 1.754,94 USD/ounce, trước đó có lúc giá đạt mức cao nhất trong phiên là 1.761,17/oz, tính chung cả tuần giá tăng 0,3%; giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 tăng 0,5% lên 1.754 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết với việc vàng thỏi biến động theo tỷ giá USD và khối lượng giao dịch tuần này thấp, "sẽ không mất nhiều thời gian để thị trường di chuyển theo cả hai hướng và có thể sẽ tiếp tục chứng kiến điều tương tự trong tương lai gần”.
Ông Wyckoff nhấn mạnh: “Tình hình dịch COVID ở Trung Quốc dường như không khá hơn chút nào, vì vậy đó sẽ là vấn đề nóng bỏng nhất đối với thị trường, không chỉ vàng mà còn đối với tất cả các thị trường trong vài tuần tới”.
Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ tăng 0,2%, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - hôm thứ Sáu đã báo cáo một kỷ lục mới hàng ngày về số ca nhiễm COVID-19, khi các thành phố trên cả nước tiếp tục thực thi các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh bùng phát.
Ông Wyckoff nhấn mạnh: “Tình hình COVID ở Trung Quốc dường như không khá hơn chút nào, vì vậy đó sẽ là vấn đề nóng bỏng nhất đối với thị trường, không chỉ vàng mà còn đối với tất cả các thị trường trong vài tuần tới”.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao trong năm nay đã hạn chế các vai trò truyền thống của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát và chống lại những bất ổn khác.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch hiện mong đợi mức tăng lãi suất thấp dần, 50%, tại cuộc họp tháng 12 sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 của ngân hàng trung ương Mỹ báo hiệu tốc độ tăng lãi suất chậm lại.
Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa của TD Securities, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã không thể vượt qua các mức kháng cự… vì vậy hiện tại chúng tôi có khả năng đang tìm kiếm mức hỗ trợ thấp hơn một chút, gần với mức 1.730 USD”.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này vững ở 21,52 USD/ounce, bạch kim giảm nhẹ 0,7% xuống còn 980,71 USD, cả 2 đều tăng trong tuàn qua. Giá palladium giảm 1,4% xuống còn 1.854,47 USD, tính chung cả tuần giảm.
Kim loại công nghiệp: Giá kim loại cơ bản giảm nhẹ, sắt thép tăng
Giá đồng giảm trong phiên cuối tuần do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và việc phong tỏa ở Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, khiến kim loại trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản của họ đã ngăn giá đồng giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,5% xuống 8.004 USD/tấn.
Giá đồng đã giảm 25% so với mức cao hồi tháng 3 khi tăng trưởng ở Trung Quốc và các nơi khác chậm lại. Giá kim loại được sử dụng trong năng lượng và xây dựng giảm 1% trong tuần này sau khi giảm gần 5% vào tuần trước.
Gianclaudio Torlizzi tại công ty tư vấn T-Commodity cho biết: “Thị trường đang hình thành đáy”, dự đoán đồng sẽ hướng tới mức 9.000 USD.
Ông cho biết các nhà đầu tư quá tiêu cực về triển vọng tiêu thụ đồng và hàng tồn kho thấp đến mức "bạn không cần nhu cầu tăng mạnh để đẩy giá lên".
Nhưng các nhà phân tích tại Citi nói rằng "trong bối cảnh phong tỏa trở lại ở Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu yếu đi... thay vào đó, chúng tôi kỳ vọng giá sẽ phục hồi lâu hơn vào cuối năm 2023".
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Sáu (25/11) cho biết họ sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ lần thứ hai trong năm nay, giải phóng khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (69,8 tỷ USD) thanh khoản dài hạn để thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại. Điều đó xảy ra sau khi các ngân hàng thương mại cam kết cấp ít nhất 162 tỷ đô la tín dụng mới cho các nhà phát triển bất động sản.
Thị trường đồng toàn cầu bị thâm hụt trong 9 tháng đầu năm nay và nhà sản xuất đồng Codelco cho biết thương mại sẽ thiếu hàng triệu tấn trong thập kỷ tới. Tồn kho đồng tại các kho đăng ký của LME đã ổn định quanh mức tương đối thấp 90.000 tấn.
Nhưng lượng hàng dự trữ tại các kho của Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm 18% xuống còn 70.249 tấn trong tuần tính đến thứ Sáu và hàng tồn kho tại các kho ngoại quan của Trung Quốc đã giảm xuống mức không còn gì.
Về những kim loại khác, giá nhôm tăng 0,1% ở mức 2.369 USD/tấn, kẽm tăng 0,1% lên 2.922 USD, niken giảm 2,6% xuống 25.430 USD, chì giảm 0,5% ở mức 2.118,50 USD và thiếc đi ngang ở mức 22.230 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giá tiếp tục tăng do các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản mà Trung Quốc công bố gần đây, mặc dù tính chung cả tuần giá giảm do số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 - được giao dịch nhiều nhất - trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên cuối tuần tăng 3,3% lên 758,0 nhân dân tệ (105,84 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 8. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 3,0% lên 98,60 USD/tấn.
Giá thép cây được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7% trong phiên này, thép cuộn cán nóng tăng 0,8%, thép không gỉ tăng 0,4%, trong khi thép dây giảm 0,5%,
Quặng sắt đã mở rộng mức tăng gần đây sau khi chính phủ Trung Quốc gần đây đưa ra các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản trong khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết các công cụ tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sẽ được sử dụng để duy trì thanh khoản.
Các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc đã cam kết cấp ít nhất 162 tỷ đô la tín dụng mới cho các nhà phát triển bất động sản, củng cố các biện pháp quản lý gần đây nhằm giảm bớt tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng trong lĩnh vực này và kích hoạt đà tăng của cổ phiếu bất động sản.
Nông sản: Giá ngô, lúa mì, cà phê giảm; đậu tương và đường tăng
Giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau trong phiên cuối tuần, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.
Giá ngô Mỹ tăng khi thị trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ thời tiết ở Nam Mỹ. Trong khi đó, giá lúa mì giảm mạnh, với hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 12 chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 8, do giá lúa mì Nga yếu đi gần đây tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường.
Giá đậu tương kết thúc phiên gần như không thay đổi sau khi Argentina tuyên bố sẽ thiết lập lại chế độ trao đổi tiền tệ ưu đãi đối với xuất khẩu đậu tương cho đến cuối năm nay, nhằm tăng xuất khẩu loại cây trồng chủ lực của nước này và mang lại nguồn đô la mà họ đang rất cần thiết.
Hợp đồng lúa mì hoạt động mạnh nhất trên Sàn Thương mại Chicago (CBOT) đã chốt phiên ở mức giảm 16,5 US cent ở mức 7,97 USD/bushel; giá đậu tương trên sàn Chicago tăng 1/4 cent lên 14,36-1/4 USD/bushel, ngô tăng 5 cent lên 6,71-1/4 USD/bushel. Giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 5 cent (0,75%) lên 6,7125 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,22 cent trong phiên thứ Sáu, tương đương 1,1%, xuống 19,33 cent/lb. Hợp đồng này đã mất 3,6% trong tuần; đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 9,40 USD, tương đương 1,7%, xuống 529,70 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý các nhà máy ở Brazil tiếp tục ưu tiên sử dụng mía để sản xuất đường hơn là sản xuất ethanol.
Czarnikow hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo thặng dư đường toàn cầu cho niên vụ 2022/23 hiện tại xuống 2 triệu tấn từ mức 3,6 triệu trước đó.
Giá dầu cọ Malaysia tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng tuần đầu tiên trong ba tuần, do dữ liệu xuất khẩu tích cực và giá dầu thực vật tăng mạnh trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 2 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 94 ringgit, tương đương 2,33%, lên 4.134 ringgit (923,80 USD)/tấn vào thứ Sáu. Hợp đồng này đã tăng 7,37% trong cả tuần.
Một thương nhân có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết: “Là phiên tăng giá thứ 2, được thúc đẩy bởi giá trên sàn Đại Liên tăng”.
Thị trường chứng khoán Malaysia sẽ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia từ ngày 1 đến ngày 25 tháng 11 đã tăng từ 4,1% đến 12,9%, theo dữ liệu từ công ty kiểm tra độc lập AmSpec Agri Malaysia và các nhà khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance và Intertek Testing Services.
Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn Đại Liên tăng 1,23%, trong khi hợp đồng dầu cọ tăng 1,54%.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tăng trong phiên cuối tuần, kéo dài đà hồi phục từ mức thấp nhất trong 16 tháng của tuần trước, với hợp đồng arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 2,3 cent, tương đương 1,4%, lên 1,6505 USD/lb. Hợp đồng này tăng 6,4% trong tuần, lấy lại phần lớn đà tăng đã mất vào tuần trước khi giá giảm 7,7%. Tuần trước, giá đã giảm xuống mức 1,5405 USD.
Giá robusta kỳ hạn tháng 1 tăng 15 USD, tương đương 0,8%, lên 1.857 USD/tấn. Thị trường robusta được hỗ trợ bởi mưa ở Việt Nam làm gián đoạn vụ thu hoạch.
Giá bông kỳ hạn trên sàn ICE giảm hơn 1% vào thứ Sáu và hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp do báo cáo doanh số xuất khẩu kém và đồng đô la Mỹ vững chắc hơn.
Hợp đồng bông giao tháng 3 giảm 1,75 cent, tương đương 2,1%, xuống 81,16 cent/lb; tính chung cả tuần giá giảm khoảng 3%.
Đồng đô la cao hơn khiến bông được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua từ các quốc gia khác.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Sáu, theo xu hướng giảm tại thị trường Thượng Hải, do lo ngại về nhu cầu chậm lại ở nước nhập khẩu hàng đầu thế giới sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc cao kỷ lục và các biện pháp kiềm chế mới đè nặng lên tâm lý thị trường.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 2,3 yên, tương đương 1,1%, xuống 212,3 yên (1,53 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá giảm 2,3%. Hợp đồng tháng 11 trên sàn OSE đáo hạn ở mức 216,3 yên/kg vào thứ Năm.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 55 CNY xuống còn 12.735 CNY (1.778 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore giảm 0,6% xuống 126,0 US cent/kg,
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,35%.
Giá tiêu dùng cơ bản tại thủ đô của Nhật Bản, một chỉ báo hàng đầu cho xu hướng giá tiêu dùng trên toàn quốc, trong tháng 11 đã tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 40 năm và vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ sáu liên tiếp, báo hiệu áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa