menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG tuần tới 27/1: Giá dầu và kim loại biến động, nông sản tăng

12:00 29/01/2023

Trong tuần qua, giá dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm nhẹ, vàng và nông sản cũng tăng trong khi kim loại cơ bản biến động trái chiều.
 
Năng lượng: Giá dầu biến động
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần vững đến giảm do các dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu của Nga mạnh mẽ bù đắp cho dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Mỹ tốt hơn dự kiến, lợi nhuận từ hoạt động tinh chế sản phẩm chưng cất ở mức cao và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi nhanh chóng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 81 US cent, hay 0,9%, xuống 86,66 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 3 US cent. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên 27/1 giảm 1,33 USD, hay 1,6%, xuống 79,68 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 2%.
Đầu phiên, giá cả 2 loại dầu đều tăng hơn 1 USD, nhưng sau đó đảo chiều giảm về cuối phiên.
Mức tải dầu từ các cảng Baltic của Nga dự kiến tăng 50% trong tháng này so với tháng 12/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á và hưởng lợi từ sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Nếu nguồn cung của Nga vẫn mạnh trong tháng tới, dầu có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm”. Ông Kilduff cũng nói thêm rằng, việc chốt lời trước cuối tuần có thể khiến giá dầu suy giảm.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã giữ số giàn khoan dầu và khí đốt ổn định ở mức 771 giàn.
Trong khi đó, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét mức sản lượng dầu thô, với nhiều nguồn tin dự báo không có sự thay đổi nào đối với chính sách sản lượng hiện tại.
Quyết định tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 31/1 – 1/2/2023, trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng GDP nhanh hơn dự báo, đạt 2,9% trong quý IV/2022./.
Tồn kho dầu tại Cushing của Mỹ tăng 4,2 triệu thùng trong tuần này cũng gây áp lực lên thị trường.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm do Covid-19 nặng đã giảm 72% so với mức đỉnh đầu tháng này, trong khi số người tử vong hàng ngày tại bệnh viện đã giảm 79% so với mức đỉnh, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bình thường hóa và thúc đẩy dự đoán nhu cầu dầu phục hồi.
Kim loại quý: Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng phiên cuối tuần ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh lên hạn chế xu hướng giá tăng. Tính chung cả tuần, giá tăng tuần thứ 6 liên tiếp trước quyết định tăng lãi suất của Fed vào tuần tới.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.931,61 USD/ounce, sau khi tăng mạnh lúc đầu phiên sau số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ giảm trong tháng 12/2022, mặc dù chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tăng 0,3% so với tháng trước. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 vững ở 1.930,2 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 0,2%.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay trong phiên cuối tuần giảm 1,4% xuống 23,5675 USD/ounce, bạch kim giảm 0,6% xuống 1.012,25 USD, trong khi palladium giảm 3,3% xuống 1.622,14 USD. Nguồn cung tăng và nhu cầu trì trệ đã làm giảm giá palladium - được sử dụng để trung hòa lượng khí thải của xe cộ.
Yếu tố chính chi phối giá vàng trong phiên này là thông tin Bộ Thương mại Mỹ cùng ngày báo cáo chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) nước này chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái (không kể thực phẩm và năng lượng). Con số này thấp hơn so với mức 4,7% ghi nhận trong tháng 11/2022 và cũng là mức tăng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 10/2021.
Dữ liệu trên phù hợp với ước tính thị trường, cho thấy rằng lạm phát của Mỹ đang giảm dần.
Các dữ liệu kinh tế khác được công bố vào thứ Sáu cũng tác động tới giá vàng. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ do Đại học Michigan (UM) công bố đã tăng từ 59,7 vào tháng 12/2022 lên 64,9 trong cuộc khảo sát tháng 1/2023.
Nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA, Edward Moya, nhận định Fed cần được thuyết phục bởi các số liệu trước khi đưa ra quyết định lãi suất tại cuộc họp tuần tới (diễn ra trong hai ngày 31/1 – 1/2). Hiện các chỉ số yêu thích của họ đang cho thấy lạm phát hạ nhiệt, nhưng ông nghĩ Fed vẫn cần thêm một số yếu tố khác để củng có điều này.
Ông Moya nói thêm rằng thị trường vàng vẫn hoạt động tốt. Ông chỉ ra một cuộc suy thoái sẽ có xu hướng làm tăng giá vàng, trong khi kim loại quý này vẫn có thể phát triển mạnh trong môi trường Fed tăng lãi suất ít hơn.
Hôm thứ năm, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến đã khiến vàng giảm hơn 1%. Tuy nhiên, những số liệu kinh tế không đồng nhất vào đầu năm 2023 làm gia tăng nguy cơ suy thoái vào nửa cuối năm, đồng thời làm giảm bớt khả năng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ quá thắt chặt.
Chỉ số Dollar index tăng 0,1%, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã báo hiệu rằng họ kỳ vọng lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao hơn một chút - hơn 5% - trong khi các nhà giao dịch cho rằng lãi suất cuối cùng là 4,9% vào tháng Sáu. Hầu hết thị trường nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm ¼ điểm cơ bản trong tuần tới.
Vàng, không sinh lãi, có xu hướng được hưởng lợi khi lãi suất thấp vì điều đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm nhẹ trong tuần
Giá đồng giảm trong phiên cuối tuần do USD mạnh lên và không rõ khi nào nhu cầu kim loại của Trung Quốc sẽ tăng sau khi quốc gia này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt chống Covid-19.
Kết thúc phiên 27/1, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,8% xuống 9.258 USD/tấn; giá đồng Mỹ trên sàn Comex giảm 1,3% xuống 4,21 USD/lb. Lúc đầu phiên giao dịch, giá đồng tăng nhẹ nhưng sau đó đảo chiều bởi chỉ số USD mạnh lên.
Giá đồng gần như ổn định trong tuần này khi các thị trường tại Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng so với đầu năm đã tăng 12%.
Bất kỳ sự điều chỉnh xu hướng giá nào trong ngắn hạn cũng không có khả năng ngăn cản các nhà đầu tư lạc quan đặt cược rằng việc mở cửa trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu kim loại.
Tồn kho đồng thấp cũng đang hỗ trợ thị trường này, dự trữ đồng của sàn LME giảm trong phiên xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tháng.
Trong số các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 0,3% xuống 2.632 USD/tấn, thiếc giảm 3,3% xuống 31.215 USD, chì giảm 0,8% xuống 2.187 USD, niken giảm 1,9% xuống 28.875 USD và kẽm giảm 1,1% xuống 3.448,50 USD.
Tính chung cả tuần, giá đồng và kẽm giảm nhẹ trong khi giá nhôm tăng.
Nông sản: Giá đồng loạt tăng
Giá nông sản biến động trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần, ngũ cốc, đường, cà phê… đồng loạt tăng.
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên ngày 27/1, trong đó giá ngô tăng nhẹ, còn giá đậu tương giảm do dự đoán mưa gần đây tại Argentina thúc đẩy triển vọng mùa màng từ nhà xuất khẩu Nam Mỹ chủ chốt này. Lúa mì diễn biến trái chiều với lúa mì mềm đỏ vụ đông trên sàn giao dịch Chicago giảm do điều chỉnh sau khi ghi nhận mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong 4 tuần.
Nhưng các hợp đồng lúa mì có nguồn cung protein cao vẫn tăng, được hỗ trợ bởi lo ngại về đợt lạnh tại khu vực đồng bằng của Mỹ gây thiệt hại cho mùa vụ và lo lắng xung đột Nga – Ukraine leo thang có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung từ các cảng Biển Đen. Giá ngô tăng do hy vọng nhu cầu tăng.
Kết thúc phiên này, giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tháng 3 trên sàn CBOT giảm 14 US cent xuống 15,09-1/2 USD/bushel; ngô giao tháng 3 tăng 1/2 US cent lên 6,83 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 3 giảm 2-1/2 US cent xuống 7,5 USD/bushel. Giá lúa mì cứng đỏ vụ đông giao tháng 3 tăng 4-1/4 US cent lên 8,69 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì mềm đỏ vụ đông tăng 1,1%, ngô tăng 1% trong khi đậu tương tăng 0,2%.
Giá đậu tương kỳ hạn giảm do sức ép về việc phòng ngừa rủi ro của Brazil được cải thiện khi sản lượng vụ thu hoạch tăng lên. Các loại cây trồng ở Argentina đang phát triển tốt nhờ thời tiết thuận lợi. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng rất khó để giá đậu tương kỳ hạn tăng lên 15,25 USD/bushel khi Brazil đang thu hoạch vụ đậu tương lớn kỷ lục. Còn giá ngô sẽ giao dịch ở mức 6,90 -7,00 USD/bushel và đà tăng của lúa mỳ sắp dừng lại.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã không công bố số liệu về doanh số bán ngô, đậu tương hay lúa mỳ mới hàng ngày hôm 27/1. AgResource nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu tương hoặc ngô mới của Mỹ.
Hàn Quốc và hầu hết các nước Đông Nam Á tiếp tục đặt mua lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi. AgResource lo ngại việc nhiều nước đặt mua lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi thay ngô sẽ tác động đến tiềm năng xuất khẩu ngô của Mỹ trước khi Brazil trở thành nhà xuất khẩu lớn theo mùa vào tháng 6/2023.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên cuối tuần tăng 0,28 US cent hay 1,4% lên 20,96 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt cao nhất 1 tháng, là 21,03 US cent. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 6,3%. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 cùng phiên tăng 7,4 USD hay 1,3% lên 562,4 USD/tấn, tăng 2,9% trong tuần này.
Giá đường tăng gần đây được thúc đẩy một phần bởi các quỹ mua vào, cùng với dự đoán giảm sản lượng đường tại Maharashtra, bang sản xuất hàng đầu của Ấn Độ, điều đó có thể hạn chế xuất khẩu từ nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới này. Việc thay đổi chính sách nhiên liệu của Brazil có thể cũng thúc đẩy sản lượng ethanol thay cho đường ở quốc gia trồng trọt hàng đầu thế giới này.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 lúc đóng cửa tăng 2,75 US cent hay 1,6% lên 1,699 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 3 tuần là 1,7030 USD. Hợp đồng này ghi nhận tuần tăng 9,7%. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 59 USD hay 3% lên 2.053 USD/tấn, trước đó đạt mức cao nhất 3 tháng, là 2.057 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường lấy lại đà tăng sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 năm tại 1,4205 USD trong ngày 11/1, nhưng lo ngại vẫn còn về triển vọng nhu cầu.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng tuần thứ 4 liên tiếp do triển vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý nhu cầu, bất chấp giá giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 27/1, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka giảm 0,5 JPY hay 0,2% xuống 235,5 JPY (1,81 USD)/kg. Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã đạt 238,3 JPY, cao nhất kể từ ngày 11/10/2022. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng khoảng 3,2%. Trên sàn Singapore, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2 chốt tuần ở mức 146,4 US cent/kg.
Giá tiêu dùng cơ bản tại thủ đô Nhật Bản, một chỉ số hàng đầu về xu hướng trên toàn quốc, đã tăng 4,3% trong tháng 1 so với một năm trước, đánh dấu mức tăng một năm nhanh nhất trong gần 42 năm và khiến ngân hàng trung ương chịu áp lực phải loại bỏ dần các biện pháp kích thích kinh tế.
Giá hàng hóa thế giới

 

ĐVT

Giá 20/1

Giá 27/1

27/1 so với 26/1

27/1 so với 26/1 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

81,64

79,68

-1,33

-1,64%

Dầu Brent

USD/thùng

87,63

86,66

-0,81

-0,93%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

65.800,00

64.250,00

-1.590,00

-2,41%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,17

2,85

+0,00

+0,04%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

264,54

258,86

-2,35

-0,90%

Dầu đốt

US cent/gallon

346,68

326,55

-13,10

-3,86%

Dầu khí

USD/tấn

983,50

938,00

-27,25

-2,82%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.500,00

78.500,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.944,90

1.945,60

-1,10

-0,06%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.000,00

8.031,00

+11,00

+0,14%

Bạc New York

USD/ounce

23,94

23,62

-0,40

-1,66%

Bạc TOCOM

JPY/g

98,60

96,90

-0,90

-0,92%

Bạch kim

USD/ounce

1.045,88

1.015,74

-5,95

-0,58%

Palađi

USD/ounce

1.735,81

1.623,59

-54,75

-3,26%

Đồng New York

US cent/lb

425,15

422,25

-4,50

-1,05%

Đồng LME

USD/tấn

9.324,00

9.263,50

-66,00

-0,71%

Nhôm LME

USD/tấn

2.610,50

2.627,00

-12,00

-0,45%

Kẽm LME

USD/tấn

3.420,50

3.413,50

-73,00

-2,09%

Thiếc LME

USD/tấn

29.536,00

30.838,00

-1.424,00

-4,41%

Ngô

US cent/bushel

676,25

683,00

+0,50

+0,07%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

741,50

750,00

-2,50

-0,33%

Lúa mạch

US cent/bushel

371,00

388,25

+2,00

+0,52%

Gạo thô

USD/cwt

18,11

18,31

0,00

0,00%

Đậu tương

US cent/bushel

1.506,50

1.509,50

-14,00

-0,92%

Khô đậu tương

USD/tấn

463,70

473,50

-3,60

-0,75%

Dầu đậu tương

US cent/lb

61,97

60,62

-0,17

-0,28%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

812,60

807,50

+0,40

+0,05%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.569,00

2.627,00

-2,00

-0,08%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

154,80

169,90

+2,75

+1,65%

Đường thô

US cent/lb

19,72

20,96

+0,28

+1,35%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

203,50

205,75

+0,25

+0,12%

Bông

US cent/lb

86,70

86,89

-0,61

-0,70%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

430,80

492,50

+4,30

+0,88%

Cao su TOCOM

JPY/kg

145,80

148,90

-0,10

-0,07%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

2,16

0,00

0,00%

 

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa