Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới chỉ dao động nhẹ trong phiên 1/2 khi căng thẳng địa chính trị và nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt tiếp tục hỗ trợ thị trường song một số nhà phân tích dự đoán OPEC+ có thể sẽ đẩy nguồn cung tăng nhiều hơn dự kiến.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +, ngày 2/2 họp bàn về chính sách sản lượng, theo đó dự kiến sẽ quyết định tiếp tục tăng dần sản lượng. Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến OPEC+ sẽ nâng cao mức tăng sản lượng do thị trường dầu mỏ đang căng thẳng bởi giá tăng cao và nguồn cung thắt chặt.
Phiên thứ Sáu tuần trước (28/1), giá dầu thô thế giới đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014, với dầu Brent chạm 91,70 USD và dầu thô Mỹ chạm 88,84 USD. Cả 2 loại dầu đã tăng khoảng 17% trong tháng 1/2022 do thiếu hụt nguồn cung, căng thẳng chính trị ở Trung Đông và giữa Nga và phương Tây về Ukraine.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cuộc họp của ban kỹ thuật OPEC + vào thứ Ba (1/2) đã không thảo luận về việc tăng hơn nữa sản lượng dầu trong tháng 3 tới. Trước đó, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy OPEC đã nhấn mạnh mức tăng sản lượng đã cam kết trong tháng 1, trong khi một số nhà phân tích khác dự kiến đà tăng sản lượng của OPEC+ sẽ còn tiếp diễn.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết: “Saudi Arabia có thể sẽ tránh bất kỳ sự điều chỉnh lớn nào vì họ đã chứng tỏ sự lão luyện trong những năm gần đây trong việc điều khiển giá cả toàn cầu theo hướng họ mong muốn”.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm nhẹ 10 cent, tương đương 0,1%, xuống 89,16/thùng trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5 cent lên 88,20 USD.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Thị trường dầu hiện đang tăng giá một cách khó tin”, "Chính căng thẳng quốc tế, nhận định nguồn cung eo hẹp và mùa đông lạnh giá là những yếu tố quan trọng nhất đằng sau đà tăng giá dầu hiện nay."
Tuy nhiên, giá dầu cũng chịu áp lực trái chiều do dự báo nguồn cung của Mỹ trong tuần này sẽ thể hiện ở tồn trữ dầu thô gia tăng, theo đó dự báo tồn trữ sẽ tăng 1,8 triệu thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD yếu đi và căng thẳng liên quan đến Ukraine tiếp diễn thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.800,36 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,3% lên 1.801,50 USD/ounce.
Theo David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ thông báo sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng các thông điệp của họ phát đi một cách thận trọng bởi không chắc chắn về triển vọng lạm phát và diễn biến của đại dịch. Ông Meger cũng lưu ý căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu trú ẩn an toàn và có lợi đối với giá vàng.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này rời khỏi mức đỉnh của nhiều tháng. Diễn biến đó đã hỗ trợ nhu cầu của những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác đối với vàng - vốn là tài sản được định giá bằng đồng USD.
Phản ánh nhu cầu của nhà đầu tư gia tăng, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2021 vào ngày 31/1.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này. Công ty môi giới đầu tư TD Securities nhận định dù các số liệu việc làm có thấp hơn, Fed cũng khó thay đổi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của họ với lập luận rằng những sự suy yếu đó đều do tác động của biến thể Omicron. Giữa bối cảnh như vậy, công ty dự báo thị trường kim loại quý sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút dòng tiền.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay phiên này tăng 0,3% lên 22,51 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4% lên 1.021,66 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng, và giá nickel cũng mạnh lên do lượng tồn trữ thấp.
Theo đó, giá đồng tăng bởi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều tăng trưởng tốt. Đồng USD suy yếu cũng khiến kim loại trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác. Giá đồng kỳ hạn tham chiếu trên sàn giao dịch London kết thúc phiên 1/1 tăng 2,2% lên 9.719 USD/tấn, không xa so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 5 năm ngoái, là 10.747,50 USD.
Kết quả khảo sát cho thấy hoạt động của nhà máy ở khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản và Nga đều tăng tốc vào tháng 1/2021. Dữ liệu mới đây cũng cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc ổn định trong tháng 1.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cho biết họ sẽ tăng chi tiêu lên 39,45 nghìn tỷ rupee (530 tỷ USD) trong năm tài chính tới để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhà phân tích Colin Hamilton của BMO cho biết, các dấu hiệu về nhu cầu đồng của Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – yếu đi cho thấy giá đồng có thể giảm. Ông cho biết lượng đồng lưu kho trên Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) thường tăng nhanh vào dịp Tết Nguyên đán và với việc cổ phiếu ShFE gần mức thấp nhất kể từ năm 2009, thị trường sẽ chú ý đến tốc độ tăng tồn trữ.
Giá nickel phiên này cũng tăng do lượng tồn trữ giảm, đẩy mức chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với hợp đồng giao sau 3 tháng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Giá nickel phiên này cũng tăng 2% lên 22.770 USD/tấn. Hôm 20/1, kim loại này đạt 24.435 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2011. Lượng nickel lưu kho trên Sàn LME đã giảm xuống 89.364 tấn so với khoảng 250.000 tấn một năm trước, trong khi lượng lưu kho trên sàn ShFE ở mức 2.975 tấn, là mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Về những kim loại quý khác, giá nhôm tăng 0,6% lên 3.040 USD/tấn, kẽm tăng 0,3% lên 3.595 USD, chì giảm 0,7% xuống 2.230 USD và thiếc giảm 0,5% ở 42.820 USD.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương đạt mức cao nhất trong vòng 7 tháng do ước tính sản lượng của Brazil thấp hơn dự kiến sẽ khiến tồn trữ đậu tương trên toàn cầu càng thêm bị thắt chặt và nhu cầu đậu tương từ các nhà nhập khẩu sẽ chuyển hướng từ Brazil sang Mỹ.
Giá ngô cũng tăng trong phiên này, trong khi giá lúa mì vững sau khi giảm 3% ở phiên trước đó. Giá ngô kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng tăng 8-3/4 cent lên 6,34-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 7-3/4 cent lên 7,69 USD/bushel.
Công ty môi giới hàng hóa StoneX hạ ước tính sản lượng đậu tương của Brazil xuống 126,5 triệu tấn, từ 134 triệu của tháng trước.
"Nếu con số ngày hôm nay được xác minh, chúng ta có thể thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ tăng mạnh vào mùa hè này khi nguồn cung đậu tương xuất khẩu của Brazil bị thắt chặt”, Arlan Suderman, nhà kinh tế hàng hóa của StoneX, viết trong một thông báo gửi tới khách hàng.
Một ngày trước đó, các công ty tư vấn AgRural và AgResource cũng hạ dự báo về sản lượng đậu tương Brazil của họ xuống lần lượt là 128,5 triệu và 125 triệu tấn, với lý do thời tiết xấu.
Các thương nhân cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và các nước châu Á khác đã hạn chế nhu cầu hạt có dầu quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận đã bán riêng 132.000 tấn đậu tương Mỹ cho Trung Quốc cùng với 110.000 tấn ngô Mỹ cho Mexico.
Giá ngũ cốc cũng được hỗ trợ tăng bởi rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ các nhà xuất khẩu ở khu vực Biển Đen là Nga và Ukraine.
Các thương nhân tiếp tục theo dõi căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, cả hai nước xuất khẩu lúa mì lớn, trong khi Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô lớn trên thế giới.
Giá đường thô hồi phục khỏi mức thấp nhất trong vòng 3 tuần sau khi thị trường chững khoán thế giới tăng điểm trở lại nhờ những bình luận trấn an từ các quan chức Fed.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,26 cent, tương đương 1,4%, lên 18,48 cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ ngày 11/1 chạm tới vào thứ Hai (1/2), là 17,90 cent. Giá đường trắng phiên này cũng tăng 7 USD tương đương 1,4% lên 499,50 USD/tấn.
Xuất khẩu đường tháng 1 của Brazil giảm 31% xuống 1,36 triệu tấn.
Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng 3 USD, tương đương 0,1%, lên 2.178 USD/tấn, cũng phục hồi từ mức thấp nhất ba tháng là 2.161 USD chạm tới thứ Hai (1/2) khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam tăng.
Giá cà phê arabica giao cùng kỳ hạn phiên này tăng 1,8 cent, tương đương 0,8%, lên 2,373 USD/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần vào thứ Sáu tuần trước (28/1).
Xuất khẩu cà phê nhân tháng 1 của Brazil giảm 19% xuống còn 178.093 tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp do dữ liệu tích cực từ các nhà máy của nước này làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến. Thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm cũng góp phần tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 1,9 yên, tương đương 0,8%, lên 246,7 yên (2,2 USD)/kg, trong phiên có lúc giá đạt 247,7 yên, cao nhất kể từ ngày 21 tháng 1.
Hoạt động sản xuất tháng 1 của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 8 năm nhờ sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng, trong khi áp lực chi phí vẫn tăng do các công ty tiếp tục đối mặt với sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng.
Cổ phiếu Nhật Bản kết thúc phiên ½ tăng do cổ phiếu công nghệ được thúc đẩy sau khi Phố Wall kết thúc phiên giao dịch qua đê bằng sự tăng mạnh.
Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu châu Phi, đã xuất khẩu 1.229.947 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)