Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại nhu cầu dầu thô sẽ tăng chậm lại bởi giá quá cao và nhiều người bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh gần đây.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc giảm 24 US cent, hay 0,3%, xuống 83,18 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 20 US cent, hay 0,3%, xuống 80,44 USD/thùng.
Giá dầu cũng chịu áp lực khi Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố số liệu cho thấy lượng dầu nhập khẩu của nước này trong tháng Chín giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2021, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2022. Nhưng OPEC cho biết giá khí tự nhiên tăng mạnh có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm dầu, vì người dùng có thể chuyển đổi nguồn nhiên liệu.
Tình trạng thiếu hụt than đá và khí tự nhiên tại Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ đã đẩy giá các loại nhiên liệu được dùng để phát điện lên cao. Và các sản phẩm dầu đang được sử dụng như một phương án thay thế.
Tại Ấn Độ, quốc gia chịu đựng tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất kể từ năm 2016 do thiếu than, cho thấy tiêu thụ nhiên liệu tăng cao hơn trong tháng 9 do hoạt động kinh tế tăng lên. Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới.
Tại Mỹ, chính phủ dự báo người tiêu dùng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn so với năm ngoái để sưởi ấm cho mùa đông bởi giá năng lượng tăng vọt. Giá xăng và dầu diesel của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Thị trường hiện đang chờ đợi số liệu về lượng dầu dự trữ của Mỹ, trong đó giới phân tích dự đoán lượng dầu thô dự trữ sẽ tăng 0,7 triệu thùng.
Theo giới phân tích, thị trường dầu toàn cầu không nên mong đợi có thêm dầu từ Iran trong tương lai gần. Mỹ cho biết họ sẵn sàng xem xét tất cả các lựa chọn nếu Iran không muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng và Moscow sẵn sàng cung cấp thêm khí tự nhiên cho Châu Âu nếu được yêu cầu.
Trên thực tế, giá dầu hạ nhiệt trong 2 phiên vừa qua được cho là không bền vững, khi mà giá khí gas và than vẫn tiếp tục tăng cao, tác động đến giá dầu khắp nơi trên thế giới.
Tại Nhật Bản, Trung tâm thông tin dầu mỏ cho biết giá bán lẻ xăng thường tại Nhật Bản đã lập đỉnh cao nhất trong vòng bảy năm qua, gây áp lực đến chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản vốn đang chịu ảnh hưởng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, ngày 11/10, giá xăng thường trung bình trên toàn Nhật Bản là 162,1 yen/lít (tương đương khoảng 1,43 USD/lít), tăng 2,1 yen so với tuần trước đó, đánh dấu sáu tuần tăng liên tục và đây cũng là mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 10/2014. Nguyên nhân do giá dầu kỳ hạn tăng cao trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng khi các quốc gia tái mở cửa hoạt động kinh tế, trong khi nguồn cung bị hạn chế dưới ảnh hưởng của bão trong cuối tháng 8/2021 đối với khu vực ven biển phía Nam nước Mỹ, nơi tập trung các cơ sở liên quan đến dầu mỏ, và các quốc gia sản xuất dầu mỏ nhìn chung vẫn giữ nguyên sản lượng sản xuất.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng mạnh sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên 1.791,41 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 2% lên 1.794,7 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ tăng mạnh, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phiên vừa qua giảm nhẹ đều cùng có tác động đẩy giá vàng tăng.
Ngay sau khi thị trường đóng cửa, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng Chín. Biên bản cho thấy Fed có thể cắt giảm biện pháp hỗ trợ kinh tế từ giữa tháng 11 hoặc giữa tháng 12 tới với việc cắt giảm mua tài sản khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng.
Cũng trong phiên giao dịch này, giá bạc giao tháng 12/2021 tăng 65,6 US cent (2,91%) lên 23,17 USD/ounce, bạch kim giao tháng 1/2022 tăng 12,5 USD (1,24%) lên 1.024,2 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kẽm tại Thượng Hải tăng lên mức cao kỷ lục 14 năm, trong khi giá tại London tăng hơn 5% lên mức cao nhất trong hơn 3,5 năm do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra cắt giảm sản lượng của các nhà máy luyện kẽm. Chỉ số USD suy yếu, giảm 0,4% cũng hỗ trợ giá kim loại.
Giá kẽm trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 5,4% lên 3.440 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2018, sau đó đóng cửa ở mức 3.405 USD/tấn. Kẽm kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 1,5% lên 24.000 CNY (3.721,68 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2007.
Giá điện đã đạt mức kỷ lục trong những tuần gần đây bởi tình trạng thiếu hụt ở Châu Á và Châu Âu, với khủng hoảng ở Trung Quốc dự kiến kéo dài tới cuối năm nay và làm giảm tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Công ty Nyrstar cho biết họ sẽ giảm sản lượng tới 50% tại ba nhà máy luyện kẽm ở Châu Âu vì giá điện tăng.
Giá nhôm, kim loại cơ bản nhạy cảm nhất với giá điện, không đổi tại 3.068 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 tại 3.118,5 USD/tấn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng giá điện tăng cũng có thể ảnh hưởng tới sản lượng công nghiệp, làm giảm nhu cầu kim loại.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt và thép thanh tại Trung Quốc giảm, tình trạng bán tháo các mặt hàng sắt thép thúc đẩy bởi tâm lý bất ổn kéo dài về nợ nần của các công ty bất động sản Trung Quốc và khả năng nhu cầu tổng thể giảm.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 5,9% xuống 731 CNY (113,32 USD)/tấn, sau khi tăng 5 phiên liên tiếp. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên sàn Singapore giảm 4,4% xuống 122,05 USD/tấn. Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh kiểm soát sản xuất thép liên quan tới môi trường, hạn chế nhập khẩu (giảm 3% trong 9 tháng đầu năm).
Trong khi đó, giá thép thanh trên sàn Thượng Hải giảm 4,7% xuống 5.421 CNY/tấn, sau khi trước đó đã xuống 5.267 CNY/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 3/9; thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải giảm 1,7%, nhưng thép không gỉ tăng 0,7%.
Các nhà máy thép tại 28 thành phố ở miền bắc Trung Quốc sẽ phải cắt giảm sản xuất từ ngày 15/11 tới 15/3/2022 để giữ không khí trong sạch cho Thế vận hội mùa đông diễn ra vào tháng 2/2022 tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phải đối mặt với thời hạn thanh toán trước cuối năm nay và số phận của tập đoàn Evergrande ngày càng ảm đạm, lo sợ gia tăng về một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nhu cầu thép trong nước.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc trên sàn Chicago đồng loạt giảm.
Giá ngô giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần do thị trường ngũ cốc tiếp tục bị áp lực từ dự báo nguồn cung của Mỹ cao hơn dự kiến. Hợp đồng ngô giảm 10-1/4 US cent xuống 5,12-1/4 USD. Trong phiên này giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/9. Lúa mì giảm 15-1/4 US cent xuống 7,18-3/4 USD/bushel.
Giá đậu tương cũng giảm, một ngày sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA dự báo dự trữ đậu tương và ngô cuối kỳ của Mỹ cao hơn mức trung bình của các nhà phân tích ước tính. Lúa mì giảm do chốt lời. Đậu tương CBOT đóng cửa giảm 3 US cent xuống 11,95-1/4 USD/bushel, gần mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 330.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc trong năm thị trường 2021/22, và 161.544 tấn ngô chưa rõ điểm đến trong cùng thời điểm này. Xuất khẩu ngô tổng thể giảm trong những tuần gần đây. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 30% so với năm trước do lợi nhuận thấp đã hạn chế nhu cầu.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,21 US cent hay 1% xuống 19,86 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 2,9 USD hay 0,6% xuống 514,1 USD/tấn.
Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil giảm 19% trong nửa cuối tháng 9, so với cùng giai đoạn năm trước, xuống 2,31 triệu tấn.
Trung Quốc cạnh tranh với Indonesia là một trong những nước mua đường nhiều nhất thế giới đã đặt hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2022 ở mức 1,945 triệu tấn, không đổi so với năm trước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 4,5 US cent hay 2,1% xuống 2,0865 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 11 USD hay 0,5% xuống 2.133 USD/tấn.
Ngân hàng Rabobank cho biết các khu vực trồng cà phê của Brazil có lượng mưa tốt trong tuần trước và dự báo sẽ tiếp tục có mưa trong những tuần tới. Tuy nhiên các thị trường lo lắng cho tới khi được xác nhận mưa nhiều hơn. Hiện tượng thời tiết La Nina có thể trở lại trong tháng này và có thể kéo dài tới tháng 2/2022. Điều này có nghĩa thời tiết khô hơn bình thường trong giai đoạn sinh trưởng chính của cây.
Giá cao su Nhật Bản giảm do doanh số bán ô tô của Trung Quốc giảm làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm lại tại nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới này, trong khi chi phí năng lượng đang tăng cũng khiến lo sợ sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chệch quỹ đạo.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,9 JPY hay 0,8% xuống 225,3 JPY (2 USD)/kg, sau khi giảm hơn 3% trước đó trong phiên giao dịch này, theo xu hướng giảm giá ở Thượng Hải. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 tại sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm 375 CNY xuống 14.435 CNY (2.240 USD)/tấn. Trong phiên có lúc giá đã giảm xuống 14.015 CNY/tấn.
Nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc giảm 28,98% trong tháng 9 so với cùng tháng năm trước đó. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc giảm 19,6% trong tháng 9 so với cùng tháng năm trước, giảm tháng thứ 5 liên tiếp do tình trạng thiếu hụt bán dẫn trên toàn cầu và khủng hoảng điện trong nước làm gián đoạn sản xuất.
Nguồn:Vinanet / VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)