menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 13/12: Giá dầu và đồng giảm, nông sản biến động trái chiều

12:53 14/12/2021

Phiên giao dịch 13/12 kết thúc với sự biến động giá mạnh trên các thị trường hàng hóa bởi gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của virus biến chủng Omicron. Các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ các cuộc họp chính sách quan trọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm biết manh mối về việc liệu các ngân hàng có tạm dừng sớm các gói kích thích kinh tế được triển khai trong mùa dịch hay không.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do dấy lên lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với sự nghi ngờ về hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Omicron sau khi có ca tử vong đầu tiên do biến thể này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 76 US cent hay 1% xuống 74,39 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 38 US cent hay 0,5% xuống 71,29 USD/thùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Omicron xuất hiện trong hơn 60 quốc gia, với một số bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng lẩn tránh sự bảo vệ của vaccine. Tính đến hiện tại, ít nhất đã có một người tử vong ở nước Anh sau khi bị nhiễm biến thể Omicron. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể này được xác nhận công khai trên toàn cầu.
Trong khi đó tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã phát hiện ổ dịch Covid-19 đầu tiên trong năm nay, với hàng trăm nghìn công dân hiện phải cách ly. Ông Bob Yawger, người đứng đầu mảng thị trường năng lượng của chi nhánh New York (Mỹ) thuộc ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường dầu có thể chịu áp lực khá lớn nếu dịch Covid-19 lan rộng ra một cách không được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Cho đến khi có những bằng chứng rõ ràng hơn về ảnh hưởng của biến thể Omicron, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 13/12 đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý đầu tiên của năm 2022, mặc dù vẫn giữ nguyên ước tính tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động “nhẹ” khi thế giới quen với việc xử lý đại dịch Covid-19.
OPEC và các nhà sản xuất lớn (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 4/1/2022 để quyết định về chính sách sản lượng của họ.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với một giai đoạn nguy hiểm khi các khoản đầu tư vào thăm dò và khoan mới suy giảm. Điều này đang đe dọa làm giảm sản lượng dầu thô khoảng 30 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trước thềm các cuộc họp quan trọng của nhiều ngân hàng trung ương trong tuần này.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.786,19 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,2% lên 1.788,3 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty môi giới RJO Futures (Mỹ), Bob Haberkorn, cho biết phiên 13/12 là một phiên khá bình lặng đối với vàng, khi thị trường đang đón đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết quan điểm của ngân hàng này đối với vấn đề lạm phát và lãi suất. Theo ông, việc không ai dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất trong tuần này đang hỗ trợ giá vàng, và trừ khi Fed công bố sẽ nâng lãi suất trong quý tới, giá vàng có thể tăng lên trên mức 1.800 USD/ounce vào cuối năm nay. Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát, nhưng lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi này.
Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu. Ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022, giảm 200 USD so với dự đoán trước đó.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 22,25 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,7% xuống 926,50 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do tồn kho ngày càng tăng và USD mạnh lên, nhưng cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào năm tới đã hạn chế đà giảm.
Cụ thể, giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,7% xuống 9.442 USD/tấn.
Dự trữ đồng của sàn LME bắt đầu tăng trong tuần trước và đã đạt 84.450 tấn. Lo sợ về nguồn cung đồng trên thị trường LME đang giảm dần khi chênh lệch giá giao ngay so với hợp đồng giao sau 3 tháng thu hẹp xuống gần bằng 0 từ mức 1.100 USD hồi giữa tháng 10.
USD mạnh lên khiến các kim loại định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, có thể làm giảm nhu cầu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu về các kim loại công nghiệp cho biết sẽ thực hiện cắt giảm thuế và phí mới, đầu tư cơ sở hạ tầng vào năm tới và hỗ trợ các lĩnh vực như việc làm, tài chính, thương mại và đầu tư.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá kẽm giao sau 3 tháng vững ở 3.328 USD/tấn, nhôm tăng 2% lên 2.659 USD/tấn, chì tăng 0,4% lên 2.295 USD/tấn, thiếc giảm 1,6% xuống 38.750 USD/tấn và nickel giảm 0,1% xuống 19.720 USD/tấn.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt Trung Quốc tăng gần 6% sau hai phiên giảm liên tiếp do chính phủ cam kết tập trung ổn định kinh tế trong năm tới đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 5% lên 669 CNY/tấn sau khi tăng khoảng 5,9% lên 674 CNY/tấn trong phiên này; quặng sắt nhập khẩu hàng giao, ngay hàm lượng 62% Fe, giảm 1 USD xuống 108 USD/tấn trong ngày 10/12.
Giá thép phiên này cũng tăng, với thép thanh giao dịch trên sàn Thượng Hải tăng 2,5% lên 4.415 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 2,2% lên 4.535 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 1,8% lên 16.1610 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương giảm gần 2%, trong khi giá ngô cũng giảm do lượng bán ra mạnh sau khi thời tiết ở khu vực Nam Mỹ được cải thiện. Riêng giá lúa mì tăng do khách hàng tranh thủ mua giá hời sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần.
Cụ thể, trên sàn Chicago, đậu tương giao tháng 1 giảm 22-3/4 cent xuống 12,45 USD/bushel, ngô giao tháng 3 giảm 5 cent xuống 5,85 USD/bushel, lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 6 US cent lên 7.91-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 0,3% xuống 19,64 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 0,2% xuống 510,10 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường bị ảnh hưởng từ tâm lý trong các thị trường tài chính và sẽ tiếp tục củng cố trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá tăng trên 20 US cent có nhiều khả năng hơn việc phá vỡ mức thấp 19,5 US cent do dự báo nguồn cung khan hiếm.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa tăng 1,7% lên 2,3670 USD/lb. Giá cà phê đã đạt mức cao nhất 10 năm tại 2,5235 USD/lb trong tuần trước. Trái lại, giá cà phê robusta giảm 0,17% xuống 2.287 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 10 năm tại 2.334 USD/tấn vào tuần trước.
Dự trữ cà phê tại sàn giao dịch ICE, trước đây là một mối quan tâm quan trọng cho thị trường này hiện nay đã dừng đà giảm không ngừng gần đây. Quy mô vụ cà phê tới của Brazil là yếu tố quan trọng cho thị trường trong tương lai và các thương nhân đã đánh giá khả năng sản lượng tốt hơn.
Giá cao su Nhật Bản tăng hơn 3% theo xu hướng giá ở Thượng Hải bởi nhu cầu mua mạnh, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của biến chủng Omicron tới nhu cầu.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 7,7 JPY hay 3,4% lên 236,8 JPY (2,1 USD)/kg; cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 280 JPY lên 14.760 CNY (2.320 USD)/tấn.
Theo một khảo sát của ngân hàng trung ương Nhạt, lĩnh vực dịch vụ của nước này được cải thiện đáng kể, với mức tăng trưởng đạt cao nhất 2 năm, nhưng sự phục hồi của các nhà sản xuất bị đình trệ, một dấu hiệu chi phí nguyên liệu thô đang tăng gây áp lực cho sự phục hồi kinh tế từ đại dịch.
Giá hàng hóa thế giới 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa