menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 16/11: Giá có sự điều chỉnh, giao dịch cầm chừng

10:53 17/11/2021

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới có sự điều chỉnh về giá cả trong phiên vừa qua, giữa bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc, song đồng USD cao nhất 16 tháng cản trở hoạt động mua vào của những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục biến động trái chiều do triển vọng về lượng dầu tại các kho dự trữ trên thế giới sụt giảm nhưng dự báo sản lượng dầu sẽ tăng trong những tháng tới và lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại châu Âu.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc tăng 38 US cent (0,5%) lên 82,43 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 12 US cent (0,2%) xuống 80,76 USD/thùng.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho hay nguồn cung trên thị trường dầu sẽ vẫn bị hạn chế trong ngắn hạn, tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. \Trong khi đó, Giám đốc điều hành của tập đoàn Trafigura Group Jeremy Weir cho rằng sự thắt chặt tại thị trường dầu thế giới là do nhu cầu quay trở lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, sản lượng dầu từ lưu vực Permian của Texas được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021. Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong tuần thứ tư liên tiếp, trong đó các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters dự báo sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo mới nhất cũng cho biết đà tăng trên thị trường dầu có thể chậm lại do giá cao có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất, đặt biệt là tại Mỹ. IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS, tập đoàn dầu khí Rosneft dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.
Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi châu Âu một lần nữa trở thành “tâm” dịch buộc một số nước xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi đó Trung Quốc đang chống chọi với sự lây lan của đợt bùng phát lớn nhất do biến thể Delta gây ra. Điều này có thể sẽ gây áp lực lên nhu cầu dầu.
Giá than phiên này giảm trong bối cảnh nguồn cung than tăng và nhu cầu tại các nhà máy than luyện cốc giảm. Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 9% xuống 1.874 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 20/7/2021, trong phiên có lúc giảm 9,4% xuống 1.867 CNY (292,76 USD)/tấn. Giá than cốc giảm 4,3% xuống 2.685 CNY/tấn. Như vậy, giá than đã giảm liên tiếp 3 phiên gần đây.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ cao vượt dự báo. Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/11 công bố báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 10 tăng 1,7%, vượt các dự báo của thị trường và người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng ngày công bố báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở nước này tăng 1,6% trong tháng 10, sau khi giảm 1,3% trong tháng Chín, cũng vượt so với dự báo của thị trường.
Kết thúc phiên g; vàng giao sau giảm 0,7% xuống 1.854,1 USD/ounce. Đồng USD lên giá cũng gây sức ép lên giá vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc kỳ hạn tháng 12 giảm 16,1 US cent, hay 0,64%, xuống 24,944 USD/ounce; bạch kim giao tháng 1/2022 giảm 22,4 USD, 2,04%, xuống 1.074,5 USD/ounce; trong khi palladium tăng 0,5% lên 2.163,93 USD/ounce – cao nhất 1 tháng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do đồng USD tăng, theo tâm lý tích cực từ cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trên sàn London, đồng giao sau 3 tháng giảm 1,3% xuống 9.549 USD/tấn.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 16 tháng, khiến đồng và các kim loại khác được định giá bằng đồng bạc xanh kém hấp dẫn hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Đồng thời, tồn trữ đồng tại London đạt mức cao nhất trong gần 1 tháng (53.175 tấn).
Capital Economics dự kiến giá đồng sẽ giảm đến năm 2022, do nguồn cung tăng và nhu cầu giảm, chủ yếu là do lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc chậm lại.
Giá nhôm phiên này cũng giảm 3,2% xuống 2,571 USD/tấn, so với cách đây một tháng đã giảm 18%. Trong khi đó, giá kẽm tăng 0,4% lên 3,229 USD, chì tăng 1,4% lên 2,293 USD và thiếc tăng 0,7% lên 37,750 USD, trong khi nickel giảm 0,9% xuống 19,425 USD.
Giá sắt thép phiên này đồng loạt giảm. Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,1% xuống 541 CNY/tấn; quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc không thay đổi ở mức 90 USD/tấn; thép cây giảm 1,5% so với phiên liền trước, xuống 4.128 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 2,2% xuống 4.371 CNY/tấn; riêng thép không gỉ tăng 1% lên 17.405 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Mỹ giảm do hoạt động bán ra chốt lời khi giá lúa mì đạt mức cao nhất 9 năm.
Giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2021 giao dịch trên sàn Chicago giảm 16 US cent xuống 8,1-1/4 USD/bushel, ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/10/2021. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 6 US cent xuống 12,51-1/4 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 5-1/2 US cent xuống 5,71 USD/bushel.
USD tăng cao khiến nông sản Mỹ tính theo USD trở nên kém hấp dẫn đối với khách hàng mua bằng các loại tiền tệ khác.
Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo đã bán 270.000 tấn ngô cho Mexico và 161.000 tấn đậu tương cho khách hàng chưa xác định.
Giá đường phiên này tăng, với đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,3% lên 19,99 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 0,8% lên 513,7 USD/tấn. Tuy nhiên, đà tăng giá đường bị hạn chế bởi Ấn Độ bán ra 283.900 tấn đường trắng.
Giá cà phê quay đầu giảm trong phiên vừa qua, sau khi loại arabica đạt mức cao nhất 7 năm trong phiên trước đó, bất chấp xuất khẩu từ nước sản xuất hàng đầu – Brazil – bị chậm lại và các dấu hiệu nhu cầu hồi phục.
Kết thúc phiên 16/11, arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,2% xuống 2,245 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 7 năm (2,2825 USD/lb) trong phiên trước đó; robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London giảm 1,2% xuống 2.237 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản cũng quay đầu giảm, với cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 0,3 JPY xuống 227,3 JPY/kg. Tuy nhiên, cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 14.695 CNY/tấn do giới đầu tư kỳ vọng tình hình quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được cải thiện sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa