Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động nhẹ trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu dầu chậm lại nhưng nguồn cung cũng đang bị thắt chặt.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 45 US cent, hay 0,4%, lên 106,8 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/22 tăng 19 US cent lên 102,75 USD.
Giá dầu được hỗ trợ bởi nguồn cung dự kiến sẽ bị thắt chặt sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đối với Nga – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp quan trọng của Châu Âu.
Ủy ban Châu Âu đang làm việc để tăng cường các nguồn cung cấp năng lượng thay thế sẵn có nhằm giảm ảnh hưởng của lệnh cấm dầu mỏ Nga và thuyết phục Đức cùng các quốc gia EU chấp thuận biện pháp này.
Ngày càng xuất hiện nhiều dầu hiệu cho thấy nguồn cung dầu trên thị trường đang thắt chặt hơn nữa. Tập đoàn dầu quốc gia Libya cho sản lượng của nước này đã giảm 550.000 thùng/ngày do tình trạng phong tỏa tại các mỏ dầu lớn và cảng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cơ quan Thông Tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 8 triệu thùng do xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn hai năm.
Ngoài ra, sản lượng tháng Ba của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đã thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu, khi sản lượng của Nga bắt đầu giảm xuống sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” cũng đang chịu nhiều áp lực giảm giá từ triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát leo thang. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới gần 1 điểm phần trăm do ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine, đồng thời cảnh báo lạm phát đã trở thành một “mối nguy rõ ràng và hiện hữu” đối với nhiều nước.
Bên cạnh đó, tình trạng phong tỏa kéo dài để phòng dịch COVID-19 tại Trung Quốc cũng làm giảm nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này, từ đó đè nặng lên giá dầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay tăng do USD giảm nhẹ và lo ngại lạm phát và xung đột ở Ukraine làm tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi việc Mỹ dự kiến tăng lãi suất hạn chế đà tăng.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.952,09 USD/ounce, rời bỏ mức thấp nhất gần hai tuần chạm tới lúc đầu phiên; vàng giao sau giảm 0,2% xuống 1.955,6 USD/ounce.
Ngày 19/4, giá vàng đã giảm 1,8% trước bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), làm tăng giá đồng USD và đưa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao của nhiều năm. Mặc dù vàng vốn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” để đối phó với lạm phát, song lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly ngày 20/4 dự báo lạm phát sẽ bắt đầu giảm và ở mức mục tiêu 2% của Fed trong 5 năm. Các nhà giao dịch Fed Fund Futures dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 1,32% trong tháng /2022 và tăng lên 2,8% trong tháng 2/2023 từ mức 0,33% hiện nay.
Giá vàng diễn biến khá tốt tăng khoảng 7% trong năm nay bất chấp lợi suất thực tăng và USD mạnh lên. Lo ngại về tăng trưởng và lạm phát được gia tăng bởi xung đột ở Ukraine kết hợp với biến động trong thị trường chứng khoán và trái phiếu, khiến các nhà đầu tư ngày càng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 25,13 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,6% xuống 984,67 USD/ounce, trong khi palladium tiếp tục biến động và tăng lên 2.476,05 USD/ounce, sau khi tăng tới 4,8% trong phiên này. Thị trường vẫn đang chú ý đến sự sụt giảm nguồn cung kim loại được sử dụng trong sản xuất ô tô nhằm hạn chế khí thải từ nhà sản xuất chính là Nga.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng loạt giảm do lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa có thể làm giảm nhu cầu, trong bối cảnh dự trữ đồng tăng.
Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 10.209 USD/tấn, trong khi kẽm giảm 1,9% xuống 4.415 USD/tấn. Đồng sử dụng trong ngành điện và xây dựng, được xem như một thước đo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Dự trữ đồng của sàn LME tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, tăng 12.275 tấn lên 128.775 tấn. Trong 4 tuần qua dự trữ này tăng 60%.
Giá nhôm phiên này tăng 0,1% lên 3.265 USD/tấn, chì giảm 1% xuống 2.424 USD/tấn, thiếc giảm 0,2% xuống 42.995 USD/tấn, trong khi nickel giảm 0,4% xuống 33.630 USD/tấn.
Sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 3 giảm 1,55% so với năm trước, xuống 5,693 triệu tấn, theo Viện Nhôm Quốc tế.
Lo ngại về nhu cầu kim loại công nghiệp do chính sách tiếp cận zero Covid của Trung Quốc cung như nhận ra rằng chi phí đang tăng phải có ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Trung Quốc bất ngờ giữ lãi suất cho vay ổn định, trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực dịch vụ và các công ty nhỏ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Covid-19.
Giá quặng sắt phiên này cũng giảm do lo lắng về nhu cầu thành phần sản xuất thép này tại Trung Quốc bất chấp các báo cáo hạn chế Covid-19 đang được nới lỏng tại một số khu vực ở quốc gia này. Một số quận tại thành phố Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc – đã bị phong tỏa trở lại trong 3 ngày từ ngày 19/4.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,8% xuống 898 CNY (140,07 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tại Singapore trong phiên cũng biến động giữa tăng và giảm. Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4%. Thép không gỉ giảm 1,7%.
Trong ngày 20/4, Trung Quốc bất ngờ giữ ổn định lãi suất cho vay, do cách tiếp cận thận trọng của Bắc Kinh nhằm tung thêm các biện pháp nới lỏng khi nền kinh tế này chậm lại bởi phong tỏa vì Covid.
Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn còn yếu do Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giảm sản lượng thép trong năm nay so với năm 2021. Sản lượng năm ngoái thấp hơn so với năm 2020, phù hợp với mục tiêu giảm khí thải carbon.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm do thời tiết lạnh và ẩm ướt gây lo ngại làm chậm lại việc gieo trồng vùng Midwest của Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 10-1/4 US cent lên 8,1 USD/bushel.
Đậu tương đóng cửa cũng tăng do lạc quan về nhu cầu xuất khẩu của Mỹ. Giá lúa mì giảm do chốt lời và việc bán ra kỹ thuật, một ngày sau khi hợp đồng kỳ hạn tháng 7 thiết lập mức đỉnh trong 6 tuần; lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 11-1/2 US cent xuống 10,97-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương giao tháng 7 trên sàn giao dịch CBOT đóng cửa tăng 25-1/4 US cent lên 17,17 USD/bushel và đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 24/2. Dầu đậu tương cùng kỳ hạn chốt phiên tăng 0,55 US cent/lb và đã thiết lập một mức cao tại 79,26 US cent trong phiên này.
Trung Quốc nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới đã giảm mua của Mỹ trong tháng 3 so với một năm trước. Sản lượng đậu tương của Trung Quốc có thể tăng 25,8% trong năm 2022, theo quan chức Bộ Nông nghiệp.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên giảm 0,12 US cent hay 0,6% xuống 19,62 US cent/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất hai tuần tại 19,61 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 1 USD hay 0,2% xuống 537 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng xuất khẩu từ Ấn Độ đang cải thiện gây sức ép lên thị trường này trong khi biểu đồ giá cũng cho thấy xu hướng giảm.
Đồng real của Brazil tăng gần 1% so với USD, đã bổ sung thêm yếu tố giảm giá. Diện tích trồng mía tại Brazil giảm 300.000 ha trong niên vụ này theo cơ quan Conab.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên này giảm 2,25 US cent hay 1% xuống 2,1945 USD/lb, mất ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng 2,2 USD; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 0,1% lên 2.090 USD/tấn.
Các thương nhân vẫn đang tiếp nhận tin dự trữ cà phê của Mỹ tăng trong tuần này, tăng lần đầu tiên trong 6 tháng tại nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Giá cao su Nhật Bản giảm sau khi số liệu thương mại trong nước yếu kém gây lo lắng về tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và do tình trạng Covid-19 tại Thượng Hải tiếp tục gây sức ép lên tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,3 JPY hay 1,6% xuống 260,8 JPY (2,03 USD), đánh dấu mức giảm theo phần trăm một ngày lớn nhất kể từ ngày 7/4. Giá cao su ở Thượng Hải giao tháng 9 giảm 115 CNY xuống 13.400 CNY (2.090,48 USD)/tấn, giảm một ngày mạnh nhất tính theo phần trăm kể từ ngày 7/4.
Nhật Bản đã ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng 3, cao hơn 4 lần so với các dự báo của thị trường, do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh trong khi giá năng lượng tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu, bổ sung những thách thức cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)