menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 23/5: Giá dầu và vàng tăng, cà phê giảm

12:40 24/05/2022

Trong phiên giao dịch vừa qua, giá nhiều mặt hàng tăng do USD yếu đi, trong khi yen tăng gây áp lực lên giá cao su.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ do các nhà đầu tư lo ngại về sự suy thoái kinh tế song dự đoán nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng, trong bối cảnh thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) lên kế hoạch mở cửa trở lại sau giai đoạn phong tỏa chống Covid-19.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 1 US cent, tương đương 0,01%, lên 110,29 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 87 US cent, tương đương 0,7%, lên 113,42 USD/thùng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế hàng năm ở Davos, nhiều đại biểu bày tỏ mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Bob Yawger, một quan chức cấp cao thuộc ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng "mây đen" đang kéo đến các thị trường tài chính và bắt đầu tác động đến giá dầu, khi mà tình trạng kinh tế toàn cầu đang không tốt, với nguy cơ về một cuộc suy thoái.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cho biết bà không cho rằng các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó.
Bất chấp mối lo ngại giá nhiên liệu tăng cao có thể làm giảm nhu cầu, các nhà phân tích cho biết dữ liệu di chuyển từ TomTom và Google đã tăng trong những tuần gần đây, cho thấy tại Mỹ đã có nhiều lái xe tham gia giao thông hơn. Dự báo nhu cầu xăng dầu ở Mỹ sẽ tăng khi nước này chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm - bắt đầu vào cuối tuần này. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung lớn và giá cả tăng cao, Nhà Trắng đang cân nhắc "giải phóng" dầu diesel từ một kho dự trữ.
Trong khi đó, Thượng Hải, trung tâm thương mại của Trung Quốc, đặt mục tiêu đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường kể từ ngày 1/6 khi công tác kiểm soát dịch Covid-19 tiến triển khả quan.
Chính sách phong tỏa tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp và xây dựng, thúc đẩy các động thái hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện các biện pháp như mở rộng các khoản giảm thuế, triển khai các dự án đầu tư mới, để hỗ trợ nền kinh tế.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng do USD yếu đi và lo ngại về tăng trưởng trong nền kinh tế đã nâng đỡ giá vàng, song mức tăng bị hạn chế sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.853,7 USD/ounce, trong phiên có lúc giá tăng hơn 1% lên mức cao nhất kể từ ngày 9/5/2022, là 1.865,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai cũng tăng 0,3% lên 1.847,8 USD/ounce.
Đồng USD chạm mức thấp nhất 1 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Phát biểu tại hội nghị Rotary Club of Atlanta cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, cho biết nền kinh tế có thể phản ứng nhanh chóng với việc tăng lãi suất của Fed, từ đó giúp kiềm chế nhu cầu và lạm phát.
Đà tăng của vàng bị hạn chế do ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng điểm mạnh, nhờ triển vọng Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 4,9 US cent (0,23%) lên 21,723 USD/ounce; bạch kim tăng 9,2 USD (0,98%) lên 950,3 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,3% lên 1.988,44 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng loạt đi lên do USD yếu đi, trong đó giá đồng tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần bởi lượng tồn trữ giảm, mặc dù nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – giảm do dịch Covid-19.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.546 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá đồng đạt 9.558 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 5/5/2022. Tồn trữ đồng tại London giảm 3.525 tấn xuống 171.075 tấn.
Giá nhôm trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,4% lên 2.958 USD/tấn, trước đó có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/5/2022, là 2.998 USD/tấn. Tồn trữ nhôm tại London chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2005 (497.250 tấn).
Giá chì phiên này tăng 1,1% lên 2.185 USD/tấn, giảm khỏi mức cao nhất 2 tuần, là 2.195 USD/tấn đạt được vào tuần trước. Tồn trữ chì hiện ở m ức 38.850 tấn, thấp nhất kể từ năm 2007.
Về các kim loại cơ bản khác, giá kẽm tăng 2,1% lên 3.786 USD/tấn, thiếc giảm 0,2% ở 34.595 USD và nickel giảm 1% xuống 27.700 USD.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng khoảng 7% trong phiên vừa qua, mức tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng rưỡi, sau Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu đối với quặng sắt và tinh quặng sắt để kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 4,4% lên 864 CNY (129,65 USD)/tấn, sau khi có lúc tăng mạnh 6,9% lên 884 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 6/5/2022 trong đầu phiên giao dịch. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Singapore tăng 0,6% lên 135 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 0,2% xuống 4.604 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 4.731 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 2,2% xuống 18.535 CNY/tấn.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, vừa quyết định tăng thuế xuất khẩu đối với quặng sắt và tinh quặng sắt, theo đó thuế quặng sắt tăng từ 30% lên 50% và quặng sắt viên tăng từ 0% lên 45%. Nước này cũng loại bỏ thuế nhập khẩu đối với than luyện cốc và than cốc. Ấn Độ là một trong những nước cung cấp quặng cho Trung Quốc, chiếm gần 3% tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021. Tuy nhiên, lượng mua của Trung Quốc từ nước này giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay do nhu cầu ở Ấn Độ tăng và giá quặng sắt giảm.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp và tăng trở lại do hoạt động mua giá hơi, trong bối cảnh các thương nhân chờ đợi đánh giá mới nhất về vụ thu hoạch. Giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Chicago phiên này tăng 21-1/4 US cent lên 11,9 USD/bushel. Ở những thị trường khác, giá lúa mì Nga giảm, trong khi lúa mì tại Paris tăng. Theo đó, lúa mì 12,5% protein FOB cảng Biển Đen ở mức 395-405 USD, tăng 10 USD so với một tuần trước đó.
Giá ngô phiên này cũng tăng theo xu hướng giá lúa mì, trong khi giá đậu tương giảm, sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một tháng. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 7-1/2 US cent lên 7,86-1/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 18-1/4 US cent xuống 16,87 USD/bushel, trước đó trong phiên đạt 17,2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 22/4/2022.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,18 US cent tương đương 0,9% xuống 19,77 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (20,24 US cent/lb) trong tuần trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 6,1 USD tương đương 1,1% xuống 552 USD/tấn.
Ai Cập dự kiến sản xuất 2,8 triệu tấn đường trong niên vụ này, so với 3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE phiên này ở mức 2,1575 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London giảm 15 USD, tương đương 0,7%, xuống 2.041 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản và Thượng Hải đồng loạt giảm trong bối cảnh yen Nhật tăng so với đồng USD cũng gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka giảm 1,4 JPY tương đương 0,6% xuống 244,8 JPY (1,92 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 13.045 CNY (1.954,22 USD)/tấn.
Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 6 giảm 0,5% xuống 162,8 US cent/kg.
Đồng đô la được giao dịch ở mức 127,54 yên JPY, so với 127,73 yên vào chiều thứ Sáu (20/5). Đồng yên tăng giá làm cho tài sản bằng đồng yên trở nên kém hấp dẫn hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa