Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng, hồi phục trở lại mức trên 75 USD/thùng sau khi số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu năng lượng tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,20 USD (1,7%) lên 72,25 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 82 US cent (1,2%) lên 68,36 USD/thùng. Giá xăng Mỹ phiên này cũng tăng 5,5% lên 2,3008 USD/gallon.
Trong ba phiên gần đây, cả dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 10%. Mức tăng này đã gần như "xóa sạch" sự sụt giảm của tuần trước, do số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Nguồn cung của Mexico giảm hơn 400.000 thùng/ngày sau vụ hỏa hoạn hôm 22/8 tại một bệ khai thác dầu. Công ty dầu khí quốc gia của Mexico cho biết công ty này dự kiến sẽ nối lại hoạt động sản xuất vào ngày 30/8.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại ngân hàng UBS Global Wealth Management, cho biết mặc dù tình hình biến động dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra, song giá dầu sẽ tăng thêm khi quá trình bình thường hóa kinh tế toàn cầu tiếp diễn và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn tuân thủ quy định về nguồn cung dầu thô.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tổng sản phẩm trung bình do Mỹ cung cấp trong bốn tuần, thước đo nhu cầu nhiên liệu, đã tăng lên gần 21 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm các chính phủ lần đầu tiên bắt đầu áp dụng rộng rãi các hạn chế liên quan đến đại dịch. Dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3 triệu thùng xuống 432,6 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020; dự trữ xăng đã giảm 2,2 triệu thùng, vượt mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,6 triệu thùng.
Các nhà máy lọc dầu Mỹ đã tăng công suất sản xuất lên 92,4%, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021, giúp đưa lượng dầu dự trữ trong các kho của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Ngân hàng UBS dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 75 USD/thùng vào tháng 12/2021.
Trong một dấu hiệu cho thấy số ca mắc COVID-19 đang giảm xuống ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nước này đã báo cáo chỉ có 20 ca nhiễm mới trong ngày 24/8, giảm so với mức 35 ca một ngày trước đó.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn lây lan nhanh trên khắp thế giới và nhiều khu vực đang phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta, làm dấy lên sự nghi ngờ giữa các nhà đầu tư về nhu cầu dầu mỏ. Các ca mắc COVID-19 ở Sydney đã ghi nhận mức cao kỷ lục tính theo ngày vào hôm 25/8, bất chấp hai tháng thành phố trong tình trạng phong tỏa.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng quay đầu giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và giới đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra thời điểm để rút dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế tại hội nghị kinh tế thường niên của ngân hàng trong tuần này.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.788,90 USD/ounce, vàng kỳ hạn tương lai giảm 1% xuống 1.791 USD/ounce.
Đầu tuần này, giá vàng đã đạt mức cao nhất gần ba tuần qua khi đồng USD yếu đi. Nhưng đồng USD phiên vừa qua đã tăng trở lại, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Giới đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị kinh tế thường niên của ngân hàng ở Jackson Hole, Wyoming, vào ngày 27/8 để xem liệu ông có đưa ra thời điểm rút các biện pháp kích thích hay không. Hội nghị sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến bởi bùng phát trở lại dịch COVID-19 tại Mỹ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,2% xuống 23,79 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm 1,6% xuống 995,59 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tiếp tục duy trì ở mức cao, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh và tồn trữ đồng tại London suy giảm.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,1% xuống 9.369 USD/tấn, song vẫn cao hơn mức thấp (8.740 USD/tấn) trong tuần trước đó. Tồn trữ đồng tại London giảm xuống 178.125 tấn so với 240.000 tấn tuần trước đó.
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng, trong khi giá quặng sắt trên sàn Singapore rời khỏi mức cao nhất 1 tuần do triển vọng nguồn cung được cải thiện, gây áp lực đối với giá quặng sắt bởi nhu cầu Trung Quốc suy yếu. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,9% lên 802,5 CNY (123,9 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 829 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 18/8/2021; giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 147,45 USD/tấn, sau khi tăng 9,1% trong phiên trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,2% và thép không gỉ tăng 1,3%; giá than luyện cốc và than cốc trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 3,3% và 3,1% theo thứ tự lần lượt do lo ngại nguồn cung.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm dự báo năng suất cây trồng, song mưa ở hầu hết khu vực Trung tây Mỹ hỗ trợ cây trồng đã hạn chế đà tăng.
Trên sàn Chicago, giá ngô tăng 6-1/2 US cent lên 5,51-3/4 USD/bushel, giá đậu tương tăng 1 US cent lên 13,32-3/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giảm 6-3/4 US cent xuống 7,25-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,15 US cent tương đương 0,8% lên 19,73 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,3% lên 478,8 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, do năng suất cây trồng tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – suy giảm, trong khi giá cà phê robusta tăng lên mức cao nhất 1 tháng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE tăng 0,6 US cent tương đương 0,3% lên 1,8635 USD/lb, sau khi tăng lên 1,8825 USD/lb – cao nhất hơn 1 tuần; robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,1% lên 1.973 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (1.985 USD/tấn).
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, sau khi chính phủ cho biết sẽ mở rộng các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế sự di chuyển, bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng đe dọa hệ thống y tế của nước này.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Osaka giảm 0,5 JPY tương đương 0,2% xuống 217,3 JPY/kg; giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 14.475 CNY/tấn.
Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg