menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 28/6: Giá cà phê tăng mạnh, vàng vững, dầu giảm sâu

13:01 29/06/2021

Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua một phiên nhiều biến động do lo ngại về việc số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Châu Á và Châu Âu.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất một tuần giữa bối cảnh số ca lây nhiễm dịch Covid-19 tăng cao tại châu Á và châu Âu đã hạn chế đà tăng giá nhiên liệu trước thềm cuộc họp diễn ra vào ngày 1/7 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn được gọi là OPEC+.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,50 USD (2%) xuống 74,68 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,14 USD (1,5%) xuống 72,91 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/6 khi kết thúc phiên giao dịch.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc Rystad Energy cho biết: “Dự báo về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong mùa Hè có thể được đánh giá quá cao, và các nhà đầu tư đang đối mặt với một sự kiểm tra thực sự trong tuần này khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 lan đến châu Âu.
Các nhà đầu tư lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Châu Á. Thành phố Sydney đông dân nhất ở Australia phải đóng cửa sau khi một loạt các ca nhiễm liên quan đến chủng Delta.
Indonesia đang đối mặt với số ca nhiễm kỷ lục trong khi Malaysia tiếp tục phong tỏa toàn quốc. Thái Lan đã công bố những hạn chế mới ở Bangkok và các tỉnh khác.
Giới đầu tư đang đổ dồn sự quan tâm đến các cuộc họp của OPEC+ vào ngày 1/7 tới để thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2021. OPEC+ đã đưa 2,1 triệu thùng dầu trở lại thị trường mỗi ngày từ tháng Năm đến tháng 7/2021, một phần trong kế hoạch rút dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục hồi năm 2020.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/7 và dự kiến có thể tiếp tục nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 8/2021 trong bối cảnh nhu cầu phục hồi đẩy giá “vàng đen” tăng.
Nhiều chuyên gia của ngân hàng ANZ (Australia) và ngân hàng ING (Hà Lan) dự đoán OPEC+ sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2021, qua đó hỗ trợ giá dầu tăng cao hơn.
Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2021, nguồn cung dầu của OPEC+ vào thị trường đã bổ sung thêm 2,1 triệu thùng/ngày sau khi cắt giảm sản lượng trong đại dịch, và có thể quyết định bổ sung thêm trong tháng 8 sau khi giá dầu thô tăng trong tuần trước, tăng tuần thứ 5 liên tiếp do nhu cầu phục hồi.
Dự báo của OPEC chỉ ra nguồn cung dầu thiếu hụt trong tháng 8 và trong những tháng còn lại của năm 2021 do sự phục hồi kinh tế từ đại dịch, cho thấy OPEC+ có dư địa để nâng sản lượng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ Australia và ngân hàng ING Hà Lan cho biết họ dự kiến OPEC+ nâng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Tại Nga, sản lượng dầu đã sụt giảm từ đầu tháng 6 tới nay so với mức trung bình trong tháng 5 bất chấp giá dầu tăng và OPEC+ nâng sản lượng. Trong khi đó Iran và Mỹ dự kiến nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp để khôi phục hiệp ước năm 2015 về hoạt động hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và có thêm dầu thô Iran trên thị trường. Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng sau các cuộc không kích của Mỹ trong ngày 27/6 nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Cả Iraq và Syria đều lên án các cuộc không kích đơn phương của Mỹ là vi phạm chủ quyền của họ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đi ngang trong bối cảnh nhà đầu tư bị “mắc kẹt” giữa những lo ngại về sự gia tăng đột biến của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, có khả năng lây lan nhanh và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.779,7 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 tăng 0,2% lên 1.780,7 USD/ounce. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cao kỷ lục đang hạn chế đà tăng của vàng.
Vàng không sinh lợi, vốn cũng được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm bất ổn, thường không được các nhà đầu tư ưa chuộng khi lãi suất tăng.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, công bố vào ngày 2/7. Theo TD Securities, nếu báo cáo này khả quan, dòng tiền đổ vào vàng sẽ bị hạn chế.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 26,09 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1,4% xuống 1.095,70 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,6% lên 2.679,92 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do tăng trưởng lợi nhuận tại các công ty công nghiệp ở Trung Quốc chậm lại, tồn kho tăng. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giao dịch giảm 0,2% xuống 9.397,5 USD/tấn. Kim loại này đã đạt kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi tháng 5. Theo nhà môi giới Marex, các quỹ cắt giảm vị thế mua đồng LME tuần thứ 6 liên tiếp.
Tăng trưởng lợi nhuận tại các hãng công nghiệp Trung Quốc chậm lại so với trong tháng 5 do giá nguyên liệu thô tăng vọt. Lạm phát tăng cao đã buộc Chính phủ Trung Quốc giải phóng kho dự trữ kim loại của nước này để hạ nhiệt.
Các nhà đầu tư đang theo dõi tiến độ của thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD có thể có lợi cho nhu cầu kim loại.
Giá quặng sắt tại Châu Á tăng trong phiên vừa qua bởi tồn trữ quặng sắt tại các cảng Trung Quốc sụt giảm đều đặn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 2,1% lên 1.196 CNY (185,31 USD)/tấn, tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trong phiên giá đã tăng lên 1.209,5 CNY, mức cao nhất kể từ ngày 21/6; quặng sắt giao tháng 7 tại Singapore tăng 0,8% lên 213,35 USD/tấn. Trong khi đó, quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc giảm tuần thứ 4 liên tiếp xuống 123,95 triệu tấn, tính tới ngày 25/6, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2020, theo số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.
Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giữ trên 200 USD/tấn trong 4 tuần qua, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc hạ nhiệt thị trường này.
Giá thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải tăng 1%; thép cuộn cán nóng tăng 1,1%; thép không gỉ giảm 0,6%.
Mặc dù các nhà máy thép Trung Quốc mua quặng sắt chậm lại do hoạt động sản xuất và xây dựng yếu theo mùa, tồn trữ quặng sắt tại các cảng đã bổ sung thêm lo ngại kéo dài về nguồn cung.
Australia và Brazil là hai nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới. Nguồn cung của Brazil vẫn trì trệ bởi việc hạn chế hoạt động ở các mỏ do lo ngại an toàn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương, lúa mì trên sàn giao dịch Chicago tăng khi các nhà đầu tư tập trung vào dự báo thời tiết nóng tại miền tây của Midwest.
Một số cơ hội mua vào cũng được ghi nhận sau khi thị trường này sụt giảm mạnh trong tuần trước.
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago kỳ hạn tháng 12 tăng 28 US cent lên 5,47-1/4 USD/bushel.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 tăng 42-3/4 US cent lên 13,12-1/2 USD/bushel và vượt mức trung bình trong 10 ngày lần đầu tiên trong 2 tuần. Giá lúa mì vụ đông đỏ mềm tăng 10-3/4 US cent lên 6,51-1/2 USD/bushel.
Mặc dù có mưa lớn cuối tuần qua ở một số khu vực, nhưng các nơi khác chỉ nhận được lượng mưa vừa đủ để bảo vệ mùa vụ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,33 US cent hay 2% lên 17,23 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 5,5 USD hay 1,3% lên 433,3 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý các nhà máy tại trung nam Brazil đang dần bắt đầu giảm khối lượng mía để sản xuất đường, ngày càng ưa chuộng nhiên liệu sinh học ethanol. Các nhà máy ở khu vực này đã sản xuất 2,19 triệu tấn đường trong nửa đầu tháng 6, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn dự đoán của thị trường.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 4,9 US cent hay 3,1% lên 1,627 USD/lb, cao nhất trong hai mươi ngày; robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 32 USD hay 1,9% lên 1.711 USD/tấn.
Các đại lý theo dõi chặt chẽ thời tiết lạnh đang di chuyển đến khu vực trung nam của Brazil với nhiệt độ dự báo giảm trong ngày thứ tư và thứ năm đồng thời có nguy cơ băng giá ở một số khu vực thấp.
Brazil đang thu hoạch vụ cho sản lượng thấp hơn bình thường do thời tiết khô hạn trong năm nay và bất kỳ vấn đề mới đối với vụ mùa năm tới sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung.
Giá cao su Nhật Bản giảm từ mức cao nhất trong gần 3 tuần do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt khắp Châu Á gây lo lắng về sự phục hồi nhu cầu cao su trong khu vực này chậm lại.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,1% hay 2,6 JPY xuống 237,3 JPY (2,1 USD)/kg. Giá đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 7/6 tại 244 JPY/kg trong ngày 25/6. Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải giảm 5 CNY xuống 13.150 CNY (2.036 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 29/6/2021
gia hang hoa the gioi ngay 29/6

Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa