Trên thị trường năng lượng, giá dầu trải qua một phiên biến động mạnh, tăng vào đầu phiên nhưng giảm vào cuối phiên sau khi có thông tin sản lượng của Saudi Arabia sẽ sớm vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Báo cáo trên từ kênh Al Arabiya TV thuộc sở hữu của Chính phủ Saudi Arabia được đưa ra sau khi quốc gia này, cùng với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất lớn ngoài khối (gọi là nhóm OPEC+) thống nhất tuân thủ mức tăng sản lượng đã được thống nhất trước đó.
Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi tăng nguồn cung dầu nhanh hơn từ OPEC+. Nhưng báo cáo của Al Arabiya TV cho biết quốc gia Vùng Vịnh này sẽ đạt sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,45 USD (tương đương 1,8%) xuống 80,54 USD/thùng, trước đó, đầu phiên có lúc giá tăng lên 84,49 USD/thùng vào đầu phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,05 USD (2,5%) xuống 78,81 USD/thùng, trượt khá xa so với mức cao nhất đạt được trước đó cùng phiên là 83,42 USD/thùng.
Từ phiên phiên 2/11 đến nay, giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt khoảng 5% và 6%.
Các nguồn tin cho biết OPEC+ đã nhất trí tuân theo kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày theo mỗi tháng, bất chấp những lời kêu gọi từ Mỹ về việc tăng nguồn cung cho thị trường khi giá năng lượng tăng cao.
Bob Yawger, người phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tại ngân hàng Mizuho cho biết sau khi tăng hơn 2 USD vào đầu phiên, giá dầu giảm dần khi cuộc họp của OPEC bắt đầu diễn ra. Các nhà giao dịch sau đó có xu hướng bán và chốt lời hơn là chịu rủi ro thị trường có thể trượt sâu hơn, khi Nhà Trắng kêu gọi khối này tăng sản lượng.
Ngày 4/11, Nhà Trắng đã chỉ trích quyết định của OPEC+ về duy trì sản lượng dầu ổn định. Phía Mỹ nói rằng OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối dường như "không muốn" sử dụng quyền lực của họ để giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giá than đá Trung Quốc phiên vừa qua giảm do nguồn cung tăng lên. Tính từ mức cao kỷ lục của năm nay đến thời điểm hiện tại, giá than đã giảm khoảng 50%. Sản lượng than đá của Trung Quốc đạt 11,2 triệu tấn trong ngày 3/11/2021, gần mức kỷ lục của năm và tăng khoảng 1 triệu tấn so với đầu tháng 10/2021, trong bối cảnh Chính phủ áp dụng một loạt các biện pháp nhằm tăng sản lượng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phát đi tín hiệu sẽ không vội vàng nâng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.791,71 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 3 tuần trong phiên trước đó; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1,7% lên 1.793,5 USD/ounce. Trong kỳ họp gần nhất, Fed phát đi tín hiệu cho biết ngân hàng này sẽ “kiên nhẫn” trong vấn đề lãi suất và sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình trong tháng này. Ngày 4/11, BoE quyết định giữ nguyên lãi suất, trái ngược với các dự đoán rằng ngân hàng này sẽ là “người tiên phong” trong các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nâng lãi suất sau đại dịch.
Chính sách tiền tệ siêu lỏng của Mỹ đã giúp giá vàng tăng mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 2000. Lãi suất thấp đã làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy nhu cầu với kim loại quý này như một biện pháp phòng trừ rủi ro.
Nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ đang hồi phục nhanh khi lễ hội Ánh sáng Diwali thúc đẩy doanh số kim loại quý này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 23,76 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.026,56 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm mạnh do khi sản lượng than đá Trung Quốc tăng giúp làm dịu lại cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến các nhà máy luyện kim giảm sản lượng.
Giá nhôm trên sàn London giảm 3,7% xuống 2.559 USD/tấn. Tính đến nay, giá nhôm giảm 20% kể từ mức cao nhất 13 năm (3.229 USD/tấn) hồi giữa tháng 10/2021.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng giảm 0,3% còn 9.434 USD/tấn, kẽm giảm 2% còn 3.240 USD/tấn, chì giảm 0,8% còn 2.354,50 USD/tấn, và thiếc giảm 0,3% còn 37.000 USD/tấn.
Giá nickel đảo chiều tăng, thêm 0,3% lên 19.225 USD/tấn.
Giá quặng sắt Trung Quốc phiên này tăng 0,3% lên 583 CNY/tấn, song giá thép đồng loạt giảm. Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,3% xuống 18.130 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 2,6% xuống 18.070 CNY/tấn. Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,4% xuống 4.226 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 2,1% xuống 4.614 CNY/tấn.
Giá thép không gỉ giảm do dự báo sản lượng trong tháng này tăng cao sau khi một số khu vực sản xuất chủ yếu được nới lỏng các hạn chế về công suất sản xuất. Sản lượng thép không gỉ trong tháng 11/2021 dự kiến sẽ tăng 14,39% so với tháng trước đó, nhà phân tích GF Futures thuộc công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc tại Mỹ giảm do khả năng sản lượng vụ thu hoạch trong tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ cứng vụ đông giảm 4-3/4 US cent xuống 7,86 USD/bushel, lúa mì vụ xuân giảm 27 US cent xuống 10,17 USD/bushel, ngô giảm 4-3/4 US cent xuống 5,59-1/4 USD/bushel, đậu tương giảm 21-1/2 US cent xuống 12,22-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,75% lên 19,72 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 0,7% lên 509,7 USD/tấn.
Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,2% lên 2,0965 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 0,1% xuống 2.229 USD/tấn.
Dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng tới việc thu hoạch cà phê ở Việt Nam, gây thiếu nhân lực thu hoạch cà phê.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết sẽ cắt giảm các biện pháp kích thích tiền tệ. Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 5,9 JPY tương đương 2,6% xuống 220,6 JPY/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 4,3% xuống 13.875 CNY/tấn.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters, Bloomberg