Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khi giới đầu tư tỏ ra lo lắng với những diễn biến mới liên quan tới khủng hoảng Ukraine gia tăng áp lực buộc châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 3,14 USD, tương đương 3%, lên 107,53 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,01 USD, tương đương 4%, lên 103,28 USD/thùng, trong bối cảnh giao dịch liên tục biến động, khi giá cả 2 loại dầu ban đầu giảm hơn 1 USD, sau đó đảo chiều tăng nhanh.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày cho biết các đồng minh phương Tây sẽ đồng ý về các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Nga trong những ngày tới, mặc dù thời điểm và phạm vi áp đặt của gói biện pháp mới chưa rõ ràng. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và than đá của Nga. Giới đầu tư đang lo ngại về khả năng nguồn cung dầu sẽ thắt chặt hơn nữa nếu những đề xuất trên trở thành hiện thực.
Giá dầu tăng trong phiên này cũng bởi các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo về phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị tạm dừng. Nếu cuộc đàm phán thành công, nó sẽ cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và giúp tăng nguồn cung dầu từ nước này ra thị trường.
Trong khi đó, công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức vào tháng 5/2022 cho các thị trường châu Á cho loại dầu thô hàng đầu của mình. Ông Phil Flynn, một nhà phân tích tại công ty dịch vụ môi giới, quản lý tài sản Price Futures Group (Mỹ), nhận định điều đó cho thấy nhu cầu về dầu vẫn rất mạnh, đe dọa sẽ làm cạn kiệt nguồn cung dầu từ Mỹ và khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn
Giá dầu thế giới đã giảm khoảng 13% vào tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố giải phóng lượng dự trữ dầu kỷ lục, trong khi các thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cam kết tăng cường mở kho dự trữ.
Giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới biến động không đòng nhất. Tại Mỹ, giá giảm nhẹ do dự báo thời tiết trong 2 tuần tới sẽ ôn hòa, song giá vẫn gần cao nhất trong vòng 9 tuần bởi trước đó đã có dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh trong khoảng thời gian đó.
Giá khí đốt kỳ hạn tương lai của Mỹ đã giảm 0,8 US cent, tương đương 0,1%, xuống còn 5,712 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Sáu, giá đã vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 27/1, sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Trong tháng 3, giá khí đốt Mỹ trung bình đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm, trong khi giá khí đốt trên toàn cầu cũng như nhu cầu khí tự nhiên twang vọt khi một số quốc gia tìm cách cắt giảm lượng khí mua của Nga.
Vào tháng 3 năm 2022, giá khí đốt trung bình là 4,90 USD/mmBtu. Con số đó so với 2,62 USD trong cùng tháng năm 2021 và mức trung bình trong 5 năm (2017-2021) là 2,58 USD. Trong năm 2014, giá gas trung bình là 4,93 USD vào tháng 3.
Trong khi đó, giá trung bình khí đốt tại Châu Âu cao hơn nhiều so với tại Mỹ, là 41,81 USD/mmBtu trong tháng 3 do lo ngại Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu khi các nước Châu Âu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Giá khí đốt ở Châu Âu phiên 4/4 giảm khoảng 4% xuống còn khoảng 35 USD/mmBtu. Từ đầu năm đến nay, thị trường khí đốt Mỹ có nhiều lúc diễn biến tương đồng với giá ở Châu Âu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng do các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn giữa bối cảnh các nước phương Tây có khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine và triển vọng lạm phát cao hơn, mặc dù đà tăng của đồng USD cũng như lợi suất trái phiếu Mỹ đã kìm hãm đà tăng của giá vàng.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.932,78 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,5% lên 1,934 USD.
Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), nhận định có khả năng tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ tăng cao hơn do việc vận chuyển hàng hóa chậm chạp ở Trung Quốc liên quan đến đợt bùng phát mới dịch COVID-19 cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine, tất cả những yếu tố này đều tích cực đối với vàng.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất để tìm kiếm manh mối về việc Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới.
Đồng USD trong phiên vừa qua đã chạm mức cao nhất 1 tuần, hỗ trợ đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tăng mạnh. Điều này đã kìm hãm đà tăng của vàng. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất, vì điều đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý vốn sinh lời này, trong khi lại thúc đẩy đồng USD, vốn là đồng tiền mà vàng được định giá.
Trên thị trường kim loại quý, giá bạc giao ngay hạ 0,4%, xuống 24,52 USD/ounce; bạch kim giảm 0,1%, xuống 984,49 USD/ounce; trong khi palladium tăng 0,3%, lên 2.283,78 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giao sau tăng 0,9% lên 10.441 USD/tấn, giá nhôm giảm 0,4% xuống 3.437 USD/tấn. Sản lượng đồng của Chile giảm trong tháng 2/2022.
Giá kẽm tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần vào hôm thứ Hai do lượng kẽm lưu trữ tại các kho xác nhận của Sở giao dịch kim loại London (LME) giảm nhanh gây lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Hợp đồng kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME phiên vừa qua có lúc đạt 4.435 USD/tấn, cao nhất trong vòng một tháng trở lại đây, trước khi hạ nhiệt vào cuối phiên, để kết thúc ở mức 4.323 USD/tấn, giảm nhẹ 0,4% so với đóng cửa phiên trước.
Kim loại này - dùng để mạ thép - đã tăng giá khoảng 23% trong năm nay, sau khi tăng 28% vào năm 2021 và chạm mức cao kỷ lục vào tháng trước.
Nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho biết: “Các kho dự trữ kẽm ở mức rất thấp, khối lượng giao cũng dịch thấp. Thị trường tài chính Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ cho đến thứ Tư.
Lượng kẽm lưu trữ tại các kho của sàn LME giảm xuống còn 78.125 tấn, thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, và giảm so với khoảng 130.000 tấn vào giữa tháng 3.
Giá năng lượng cao đã buộc một số nhà máy luyện kẽm ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga đã làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, có thể đẩy giá tăng lên.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ANZ cho biết sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc "đã dẫn đến việc giao thông chậm lại ở nước tiêu thụ kim loại cơ bản hàng đầu thế giới” dẫn đến kết quả là cắt giảm sản lượng.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nickel tăng 0,4% lên 33.350 USD, chì giảm 1,3% xuống 2.417,50 USD và thiếc giảm 1,4% xuống 44.150 USD.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì, đậu tương và ngô Mỹ đều tăng trong ngày 4/4 do nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen bị gián đoạn bởi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, khiến người mua chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn hàng của Mỹ.
Giá lúa mì giao dịch trên sàn Chicago phiên này tăng 25-3/4 US cent lên 10,10-1/4 USD/bushel, đậu tương tăng 19-1/2 cent lên 16,02-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 15-1/2 cent lên 7,50-1/2 USD/bushel.
Bộ kinh tế Ukraine cho biết xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong tháng 3 thấp hơn 4 lần so với tháng 2 do cuộc khủng hoảng với nước Nga, trong khi các nhà xuất khẩu phải tìm cách vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt do các cảng biển vẫn bị lực lượng Nga phong tỏa.
Các nhà phân tích cho biết sự kiện khủng hoảng này có thể tác động kéo dài nhiều năm.
Các nhà xuất khẩu tư nhân của Mỹ thông báo đã bán 1,084 triệu tấn ngô cho Trung Quốc - 676.000 tấn để giao trong năm marketing 2021/22 và 408.000 tấn giao trong năm 2022/23.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,24%, tương đương 1,2%, lên 19,61 cent/lb sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tuần là 19,77 cent; giá đường trắng giao tháng 5 tăng 2,20 USD hay 0,4% lên 540,70 USD/tấn.
Các đại lý cà phê lưu ý rằng thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng giá năng lượng. Năm marketing của Brazil đã bắt đầu từ tuần trước, và các nhà máy có khả năng chuyển đổi giữa sản xuất ethanol nhiên liệu sinh học và đường.
Đồng real của Brazil hôm thứ Hai được giao dịch ở mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 3 năm 2020. Một nhà môi giới có trụ sở tại Mỹ ước tính rằng sau khi đồng tiền Brazil tăng giá gần đây, doanh số bán etanol tại thị trường nội địa đã mang lại lợi nhuận cho các nhà máy cao hơn khoảng 10% so với xuất khẩu đường.
Thông tin các nhà máy Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 7,2 triệu tấn đường trong niên vụ 2021/22 cũng hỗ trợ giá đường tăng, bởi nước này ít có khả năng xuất khẩu quá 8 triệu tấn.
Giá cà phê cũng tăng mạnh trong phiên vừa qua, với arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng phiên thứ năm liên tiếp, thêm tăng 2,2 cent vào lúc kết thúc phiên 4/4, tương đương 1%, lên 2,306 USD/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 4 tuần, là 2,3185 USD, theo xu hướng giá tăng chung trên toàn thị trường hàng hóa rộng lớn; robusta giao tháng 5 phiên này giảm 7 USD, tương đương 0,3% xuống 2.132 USD/tấn.
Các đại lý cho biết việc các quỹ gần đây thu hẹp quy mô ở các vị thế mua đã khiến thị trường “chín muồi” cho một đợt giá điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Các công ty môi giới ở Brazil cho biết nông dân bán giảm tốc độ bán cà phê ra khi đồng tiền của nước này tăng giá.
Giá cao su kỳ hạn tương lai giao dịch trên thị trường Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 1 năm, do đồng yen yếu đi và giá nguyên liệu cao su ổn định.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka tăng 8,0 yên, tương đương 3,1%, lên 269,8 yên (2,20 USD)/kg, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/3/2021, là 275,1 yên/
Nguồn cung thắt chặt và giá nguyên liệu thô từ nhà sản xuất hàng đầu là Thái Lan Thái Lan, cũng như đồng yên yếu đi, là những yếu tố chính thúc đẩy giá tăng mạnh.
Giá cao su Thái Lan phiên vừa qua đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/3 , là 53,30 baht (1,59 USD)/kg. Đồng USD giao dịch ở mức 122,64 JPY, so với 122,38 JPY trong phiên liền trước. Giá cao su tấm của Thái Lan đạt 81,15 baht/kg, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2020. Giá cao su trên sàn Singapore kỳ hạn tháng 5 tăng 1% lên 176,5 US cent/kg. Thị trường ở Trung Quốc đại lục đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai và thứ Ba.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)