menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 6/9: Giá dầu, vàng, cao su giảm, nhôm cao nhất 10 năm

10:26 07/09/2021

Phiên giao dịch vừa qua chứng kiến sự biến động mạnh của nhiều thị trường, trong đó có nhôm, quặng sắt, cà phê, cacao và cả dầu mỏ.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do Saudi Arabia cắt giảm mạnh giá đối với các hợp đồng dầu thô bán cho khách hàng Châu Á làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu có thể sẽ tiếp tục yếu đi.
Theo đó, dầu Brent giảm 39 US cent xuống 72,22 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 40 US cent xuống 68,89 USD/thùng.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco mới đây đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ giảm giá bán chính thức tối thiểu 1 USD/thùng trong tháng 10/2021 đối với tất cả các loại dầu thô bán cho châu Á, khu vực khách hàng lớn nhất của họ. Đây là mức giảm lớn hơn so với kết quả cuộc thăm dò các nhà máy lọc dầu châu Á của hãng tin Reuters.
Người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường dầu của công ty môi giới đầu tư Rystad Energy, Bjornar Tonhaugen cho biết, việc Saudi Arabia giảm giá bán sang các thị trường châu Á trong tháng 10 báo hiệu rằng quốc gia Vùng Vịnh nhận thấy mối quan hệ cung cầu đang có những thay đổi. Vì vậy, các nhà giao dịch không thể không đi theo xu hướng đó trong phiên này.
Nguồn cung dầu toàn cầu đang tăng lên khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn được gọi là nhóm OPEC+) đang nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 8 – 12/2021.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty môi giới OANDA, nhận định giá dầu có khả năng vẫn chịu áp lực trong giai đoạn tới do OPEC+ duy trì kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng, bất chấp dữ liệu yếu từ Trung Quốc và Mỹ làm gia tăng lo ngại suy thoái tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn cung dầu thế giới vẫn bị hạn chế bởi ảnh hưởng của cơn bão Ida, khiến cho công suất sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô sản xuất mỗi ngày ở Vịnh Mexico vẫn bị gián đoạn. Cơn bão này còn khiến các công ty năng lượng Mỹ phải cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần đầu tiên trong năm tuần. Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ hồi tuần trước giảm nhiều nhất kể từ tháng 6/2020.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên này tăng 7,7% lên mức cao nhất lịch sử, 2.818 CNY/tấn, trong khi than cốc cũng tăng 4,8%.
Trên thị trường kim lại quý, giá vàng giảm do USD mạnh lên, song dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn kế hoạch rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch đã giữ cho giá không giảm mạnh.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.822,86 USD/ounce. Trong phiên 3/9, vàng giao ngay đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/6 là 1.833,80 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ phiên 6/9 cũng giảm 0,5% xuống 1.825,10 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã tăng lên, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các tiền tệ khác.
Nhà phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa tại công ty dịch vụ ActivTrades nhận định sau khi số liệu việc làm khiến nhiều thị trường thất vọng, các nhà đầu tư nhận thấy sức ép đối với việc rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Chủ tịch Fed Jerome Powell giảm xuống. Động thái này có thể chỉ bắt đầu vào tháng 12/2021 và đây là một trong những yếu tố hỗ trợ giá vàng.
Ông De Casa cho biết thêm vàng sẽ vẫn duy trì trên mức 1.800 USD trong ngắn hạn.
Số liệu của Bộ Lao động công bố ngày 3/9 cho thấy số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm khoảng 235.000 người trong tháng 8/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo 728.000 của các nhà kinh tế.
Chủ tịch Fed hồi tháng trước đã phát tín hiệu rằng thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng trung ương bắt đầu rút dần hoạt động mua tài sản. Một số nhà đầu tư coi vàng là nơi “trú ẩn an toàn” để chống lại lạm phát, mà có thể tăng cao do các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay trong phiên vừa qua không đổi ở mức 24,68 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5% xuống 1.020,46 USD/ounce, trong khi palladium giảm gần 1% xuống 2.402,48 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng vọt đẩy chỉ số giá kim loại trên sàn London (LME) tăng 26,8 điểm, tương đương 0,63% so với phiên trước, lên 4.269, mặc dù một số kim loại cơ bản giảm giá.
Giá nhôm tăng mạnh trong phiên vừa qua do cuộc đảo chính ở Guinea gây lo ngại rằng nguồn cung bauxite – nguyên liệu để sản xuất nhôm – có thể bị gián đoạn.
Các nhà phân tích cho biết Guinea sản xuất khoảng 1/4 lượng bauxite trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguồn cung ở nước này bị gián đoạn. Một phát ngôn viên quân đội hôm 6/9 cho biết nước này đã mở lại biên giới trên bộ và trên không một ngày sau khi các binh sĩ lực lượng đặc biệt cho thông báo đã giải tán chính phủ và đình chỉ hiến pháp.
Theo đó, giá nhôm trên sàn LME kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên tăng 1,6% lên 2.769,50 USD/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2011, là 2,782 USD.Trong khi đó, giá bauxite từ Guinea ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong gần 18 tháng
Giá nhôm đã tăng khoảng 40% trong năm nay.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết các sự kiện ở Guinea đang "đổ thêm dầu vào lửa, vì toàn bộ câu chuyện tăng giá đối với nhôm là về nguồn cung khan hiếm".
Giá nhôm cao kéo dài một phần do tình trạng cắt giảm sản lượng ở Trung Quốc dự kiến sẽ khuyến khích công suất mới ở những nơi khác, cuối cùng sẽ gây áp lực hơn nữa lên giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục trở lại.
Đơn đặt hàng công nghiệp ở Đức tăng đột biến trong tháng 7, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tháng 8 dự kiến giảm do sự tắc nghẽn ở cảng biển.
Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng trên sàn LME tăng 0,3% lên 9.455,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,6% lên 3.014 USD, nickel giảm 0,7% xuống 19,655 USD, chì giảm 1,7% xuống 2.271 USD và thiếc giảm 0,8% xuống 32.800 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giảm mạnh trong khi giá thép tăng. Theo đó, giá quặng sắt Châu Á giảm hơn 5% trong phiên vừa qua, với giá trên sàn Đại Liên chạm mức thấp nhất 7 tháng do lượng tồn trữ ở Trung Quốc tăng mạnh bởi nhập khẩu tăng và nhu cầu trong nước yếu.
Quặng sắt kỳ hạn giao tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 5,6% xuống 731 CNY (113,26 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2. Tương tự, quặng kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore cũng giảm 5,1% xuống 135,7 USD/tấn, thấp nhất kể từ 24/8.
Dữ liệu của công ty tư vấn của SteelHome cho thấy quặng sắt nhập khẩu dự trữ tại các cảng ở Trung Quốc nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã tăng lên 133,40 triệu tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.
Quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay vào Trung Quốc giảm xuống 145,50 USD/tấn trong phiên 3/9, mức thấp nhất kể từ ngày 23/8, so với 156 USD một tuần trước đó, dữ liệu của SteelHome cho thấy.
Theo Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities có trụ sở tại Singapore, giá quặng sắt đã giảm do nhập khẩu quặng sắt Australia vào Trung Quốc tuần cuối tháng 8 tăng “khủng khiếp với 4 triệu tấn”. Ông cho biết, các nhà sản xuất quặng sắt Trung Quốc có kế hoạch tăng sản lượng trong nước thêm hơn 100 triệu tấn từ năm 2021 đến năm 2025 cũng gây thêm một số áp lực giảm giá, và một số dữ liệu trong ngành cho thấy sản lượng thép hàng tuần của Trung Quốc tăng cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy việc tiếp tục bán tháo quặng sắt.
Ông nói: “Sản lượng thép tăng đôi khi có tác động ngược trực tiếp đến giá quặng sắt do các nhà đầu tư bán lẻ bán nguyên liệu thô khi họ dự báo biên lợi nhuận thép sẽ giảm xuống”.
Ngược với quặng sắt, giá thép tăng trong phiên này, khi thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng 1,5%, thép cuộn cán nóng tăng 1,8%, thép không gỉ tăng 6,8% và đạt mức cao nhất 5 tuần.
Trên thị trường nông sản, sàn giao dịch Chicago đóng cửa nghỉ lễ. Giá iá lúa mì Châu Âu biến động trái chiều. Trên sàn Euronext, lúa mì giảm giá sau thông tin sản lượng lúa mì của Australia tăng mạnh, lên mức gần cao kỷ lục, 32,63 triệu tấn.
Hợp đồng lúa mì xay xát kỳ hạn giao tháng 12, hợp đồng giao dịch nhiều nhất trên Euronext - có trụ sở tại Paris, giảm 2,0 euro, tương đương 0,8%, xuống 242,50 euro (287,73 USD)/tấn.
Lúa mì 12% protein tiêu chuẩn kỳ hạn tháng 9 tại Hamburg được chào bán với giá khoảng 9 euro còn với hàng giao ở Paris chào giá 12 euro, nhưng giá trả chỉ khoảng 10 euro.
Tại Nga, giá lúa mì xuất khẩu tăng tuần thứ 8 liên tiếp do thuế xuất khẩu tăng, nhu cầu nội địa cao, sản lượng vụ mùa năm 2021 giảm và tỷ giá đồng RUB mạnh lên.
Lúa mì Nga hàm lượng 12,5% protein FOB Biển Đen kỳ hạn cuối tháng 9 hiện đạt 299,50 USD/tấn, tăng 0,50 USD so với tuần trước. Sovecon, một công ty tư vấn của Nga, báo giá lúa mì tăng 3 USD lên 301 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 7 năm, song giá lúa mạch giảm 2 USD xuống 260 USD/tấn.
Sovecon cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì năm 2021 của Nga 800.000 tấn xuống 75,4 triệu tấn do sản lượng vụ xuân thấp .
Thuế xuất khẩu lúa mì của Nga – được định ra hàng tuần - tăng lên 46,50 USD/tấn trong tuần 8-14/9, so với 39,40 USD một tuần trước đó. Chỉ số giá tính thuế vẫn thấp hơn so với giá FOB thực tế.
Với mặt hàng đường, sàn New York đóng cửa nên không có giá đường thô cập nhật. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 trên sàn London phiên 6/9 tăng 0,5% lên 487,60 USD/tấn. Sản lượng đường tinh luyện từ củ cải đường của Đức trong niên vụ mới 2021/22 được dự báo sẽ tăng lên khoảng 4,38 triệu tấn, so với 4,10 triệu tấn của niên vụ trước.
Nhà môi giới Marex Spectron dự báo triển vọng dài hạn của thị trường đường vẫn là giá sẽ tăng do sản lượng giảm ở Brazil.
Giá dầu cọ Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp theo xu hướng giá giao dịch trên sàn Đại Liên, mặc dù dự báo lượng dự trữ tăng lên.
Theo đó, dầu cọ giao tháng 11 trên sàn Bursa (Malaysia) giữa phiên 6/9 tăng 23 ringgit, tương đương 0,53%, lên 4.333 ringgit (1.045,86 USD)/tấn.
Dự trữ dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia tăng 16,3% so với tháng 7 lên 1,74 triệu tấn, cao nhất trong hơn một năm, theo kết quả khảo sát của Reuters. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sản lượng tháng này cũng tăng 11,2% lên 1,7 triệu tấn, trong khi xuất khẩu giảm 12,3% xuống 1,24 triệu tấn.
Giá cà phê robusta tăng mạnh do nguồn cung bị thắt chặt. Hợp đồng robusta kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên này tăng 1,4% lên 2.087 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm là 2.094 USD. Các đại lý cho biết khoảng chênh lệch lớn giữa giá robusta với arabica đang thu hút các nhà rang xay mua robusta để giảm bớt chi phí vì arabica quá đắt.
Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 là nguyên nhân chính đẩy giá robusta tăng lên.
Sàn giao dịch cà phê Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Giá arabica hôm thứ Sáu (3/9) giảm 0,7% xuống 1,93 USD/lb, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng 0,4%.
Rabobank cho biết thời tiết khô và nóng ở nhà sản xuất arabica hàng đầu – Brazil - có thể khiến vụ ra hoa của cây cà phê bị chậm trễ nghiêm trọng.
Giá cacao kỳ hạn tháng 12 trên sàn London kết thúc phiên vừa qua tăng 0,8% lên 1.815 GBP/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 là 1.818 GBP.
Mức chênh lệch giá của hợp đồng kỳ hạn tháng 12 so với kỳ hạn tháng 3 năm sau đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3, do dự đoán nguồn cung sẽ bị thắt chặt trong niên vụ 2021/22 (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 9).
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 6/9 do dữ liệu việc làm của Mỹ yếu và các chỉ báo kinh tế ở Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới – cũng không khả quan làm gia tăng lo ngại về khả năng nhu cầu cao su trên toàn cầu sẽ chậm lại, mặc dù kỳ vọng tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tăng cường kích thích kinh tế giúp ngăn giá giảm mạnh.
Cao su kỳ hạn tháng 2 trên sàn Osaka phiên này giảm 1,0 yên, tương đương 0,5%, xuống 211,0 yên (1,9 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1 tăng 80 CNY lên 13.820 CNY (2.140 USD)/tấn; kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore vững ở 164,5 US cent/kg.
Kết quả một cuộc thăm dò của tư nhân cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 8 do các hạn chế nhằm hạn chế chống sự lây lan của biến thể Delta đe dọa sẽ làm chệch hướng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, hy vọng về chi tiêu tài chính bổ sung của Thủ tướng mới ở Nhật Bản đã củng cố tâm lý các nhà đầu tư.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa