Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế đi lại và những dấu hiệu khác về sự phục hồi sau đại dịch trên toàn cầu làm gia tăng kỳ vọng về nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung vẫn eo hẹp.
Kết thúc phiên, dầu Brent kỳ hạn tăng 1,35 USD, tương đương 1,6%, lên 84,78 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,22 USD, tương đương 2,7%, lên 84,15 USD. Cả 2 loại dầu đều kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 26/10.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm 2021 đến nay và đã chạm mức cao nhất ba năm là 86,7 USD/thùng hôm 25/10 nhờ nhu cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, hạn chế nguồn cung.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) hôm thứ Ba (9/11) dự báo giá xăng bán lẻ sẽ giảm trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu giá xăng sẽ tăng mạnh thì chính quyền của ông Biden sẽ có động thái can thiệp, khả năng cao nhất là xuất kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia. EIA dự báo giá bán lẻ xăng loại thông thường trung bình sẽ giảm từ 3,32 USD/gallon trong tháng 11 xuống 3,16 USD/gallon vào tháng 12 và xuống còn 3 USD/gallon trong quý đầu tiên của năm 2022.
Chính phủ của Mỹ cho biết sẽ sử dụng các dự báo giá trong báo cáo STEO để xác định xem có nên sử dụng lượng dầu từ các Kho Dự trữ Dầu chiến lược (SPR) của quốc gia hay không. Các nhà phân tích cho biết nếu STEO thể hiện giá xăng dự kiến tăng mạnh, Chính phủ Mỹ có thể sẽ nhanh chóng “giải phóng” nhiều dầu khỏi SPR, qua đó giúp “hạ nhiệt” giá.
OPEC+ đã bổ sung 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày vào nguồn cung toàn cầu tại cuộc họp của OPEC+ hồi tuần trước, song Tổng thống Biden muốn tổ chức này bổ sung nhiều dầu hơn. Theo Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), OPEC+ dự kiến tăng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 6/2022.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho biết việc Mỹ sử dụng lượng dầu của SPR mặc dù có thể có tác động giúp “hạ nhiệt” giá dầu tạm thời, nhưng không phải là giải pháp lâu dài đối với sự mất cân bằng giữa cung và cầu.
Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) cho biết nhu cầu dầu trong tháng 11/2021 đã gần trở lại mức trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày, sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2020.
Tại Ấn Độ, nhu cầu nhiên liệu đã tăng trong tháng 10/2021 lên mức cao nhất trong 7 tháng, trong đó doanh số bán xăng tăng lên mức cao kỷ lục. Mặc dù thị trường toàn cầu thắt chặt, song các nhà phân tích dự báo các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ ba liên tiếp có thể giúp hạn chế đà tăng của giá dầu.
Giá than trên thị trường Trung Quốc giảm do thông tin thời tiết xấu ở các tỉnh, thành miền Bắc nước này cản trở việc vận chuyển than.
Giá than cốc kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên giảm 1,8% xuống 3.012,50 nhân dân tệ (470,85 USD)/tấn. Giá than luyện cốc phiên này cũng giảm 2,6%.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9 do USD yếu đi trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ, dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần. Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 1.828,74 USD/ounce, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 3 tháng 9, là 1.831,10 đô la.Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,2% lên 1.830,80 USD.
Phillip Streible, phụ trách mảng chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết: “Các nhà đầu tư đang thận trọng khi giá vàng ở mức 1.830- 1.835 USD, vì hồi tháng 7 và 8 vàng đã không thể phá vỡ khoảng giá đó”.
Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 sau khi tăng 0,5% trong tháng 9/2021. Trong 12 tháng tính đến tháng 10/2021, PPI tăng 8,6% đã góp phần đẩy giá vàng lên mức cao nhất kể từ ngày 3/9.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ "ôn hòa". Chủ tịch Fed Jerome Powell và Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida đều nhắc lại rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ không xảy ra cho đến cuối năm 2022 hoặc 2023. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard cho biết ông hy vọng Fed sẽ tăng lãi suất hai lần vào năm 2022.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 12/2021 giảm 22,4 US cent (0,91%) xuống 24,318 USD/ounce, giá bạch kim giao tháng 1/2022 tăng 1,4 USD (0,13%) lên 1.061,4 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 24,25 USD / ounce, bạch kim giảm 0,1% xuống 1.054,64 USD và palladium giảm 2,4% xuống 2.021,35 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm khi thị trường lại dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc ngày càng sâu sắc sẽ làm hạn chế nhu cầu kim loại.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 9.556 USD/tấn, đảo ngược hướng tăng 1,3% ở phiên liền trước.
Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa thuộc Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: "Trung Quốc hiện là một ẩn số lớn”. Lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ đồng và Trung Quốc là nước sử dụng kim loại này nhiều nhất thế giới.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá nhôm giảm giảm 1,7% xuống 2.562 USD/tấn, nickel giảm 1,2% xuống 19.410 USD, chì giảm 1% xuống 2.340,50 USD, nhưng kẽm tăng 0,3% lên 3.281,50 USD và thiếc tăng 0,2% ở 37,405 USD.
Giá quặng sắt giảm trong phiên vừa qua do lo ngại giá thép giảm. Cụ thể, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 1, giảm 1% xuống 561 nhân dân tệ/tấn, gần sát mức thấp nhất 12 tháng. Trong khi đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,1% xuống 90,20 USD/tấn.
Sản lượng thép Trung Quốc giảm kỷ lục trong năm nay do nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này tìm cách hạn chế lượng khí thải carbon, khiến giá quặng sắt điều chỉnh đáng kể.
Thép thanh vằn xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên 9/11 cũng giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,1% và thép không gỉ giảm 1,9%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng vọt trong phiên vừa qua sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo về sản lượng đậu tương của nước này, trái với dự đoán của các thương nhân là sản lượng sẽ tăng.
Trong báo cáo vừa công bố, USDA dự báo sản lượng đậu tương Mỹ vụ này sẽ ở mức 4,425 tỷ bushel, trong khi các nhà phân tích dự đoán là 4,484 tỷ bushel. Kết thúc phiên, giá đậu tương trên sàn Chicaogo tăng 23-1/2 cent lên 12,12 USD/bushel. Trong khi đó, giá ngô tăng thêm 3-1/4 cent lên 5,54-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì kết thúc ở mức 10-1/2 cent lên 7,78-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,1% xuống 19,90 cent/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 515,7 USD/tấn.
Dữ liệu về sản lượng mía và đường ở Trung - Nam Brazil, bao gồm nửa cuối tháng 10, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Một cuộc khảo sát do S&P Global Platts thực hiện cho thấy kết quả là các nhà phân tích và các thương gia dự báo sản lượng đường trung bình của khu vực Trung - Nam Brazil trong nửa cuối tháng 10 là 711.200 tấn, giảm 59% so với một năm trước đó.
Nhà môi giới Marex Spectron cho biết nhu cầu đường đang hồi phục sau khi giá đường và cước vận tải giảm gần đây. Giá cà phê robusta giao tháng 1 kết thúc phiên này tăng 0,3% lên 2.172 USD/tấn.Cuối tháng 10, cà phê robusta đã tăng lên mức cao nhất 4,5 năm, là 2.278 USD/tấn
Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 0,25% lên 2,0150 USD/lb vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trước đó cùng phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ 29/10, là 2,0145 USD. Những trận mưa gần đây sẽ giúp phục hồi vụ mùa cua Brazil trong năm tới, sau khi hạn hán và băng giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ mùa hiện tại.
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2021/22 dự báo không đạt mức 29 triệu bao dự kiến trước đây do giá phân bón tăng cao nên nhiều người trồng cà phê giảm chăm bón cho cây. Vụ 2021/22, sản lượng dự kiến đạt 31 triệu bao.
Giá cao su giao dịch trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng do tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ sau khi dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua, giúp át đi tâm lý lo ngại về tăng trưởng giảm ở Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới.
Cao su kỳ hạn tháng 4 trên Sở giao dịch Osaka tăng 0,2 yên lên 221,5 yên (2,0 USD)/kg. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1 phiên này tăng 20 nhân dân tệ lên 13,925 nhân dân tệ (2,176 USD)/tấn. Trong khi đó, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 169,0 US cent/kg.
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg