menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 9/3: Giá đồng loạt giảm mạnh

13:49 10/03/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu đột ngột giảm mạnh trong phiên vừa qua, kết thúc chuỗi ngày tăng mạnh kéo dài, dẫn đầu là dầu giảm hơn 10%; kim loại và nông sản, kể cả vàng, cũng theo xu hướng đi xuống.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đảo chiều đi xuống, ghi nhận mức giảm sâu nhất trong gần hai năm qua, sau khi UAE cho biết thành viên của OPEC sẽ hỗ trợ tăng sản lượng khi nguồn cung bị gián đoạn, bởi các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau xung đột Ukraine.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/3, dầu thô Brent giảm 16,84 USD tương đương 13,2% xuống 111,14 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm mạnh hơn 17% - phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/4/2020, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 15,44 USD tương đương 12,5% xuống 108,7 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.
Đại sứ của Các Tiểu Vương Quốc Arập thống Nhất (UAE) tại Washington (Mỹ) Yousuf Al Otaiba nói: "Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản lượng cao hơn". Thành viên này của Tổ Chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine.
UAE và nước láng giềng Saudi Arabia là một trong số ít thành viên của OPEC có năng lực dự phòng ổn định, có khả năng tăng sản lượng dể bơm vào thị trường. Động thái trên của UAE hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, với đề xuất các nhà sản xuất dầu trên toàn thế giới tăng sản lượng nếu có thể.
Nguồn cung dầu bổ sung từ OPEC có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung do hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn, chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và các chính phủ khác áp đặt. Quan điểm của OPEC đã thay đổi trong tuần này khi Tổng thư ký OPEC Barkindo cho biết nguồn cung ngày càng giảm so với nhu cầu.
Chỉ một tuần trước, nhóm này và các đồng minh, được gọi là OPEC+, đổ lỗi cho giá dầu tăng là do căng thẳng địa chính trị thay vì thiếu nguồn cung và quyết định không đẩy nhanh việc tăng sản lượng. OPEC+, bao gồm Nga, đã đặt mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày cho tới tháng 9/2022, “phớt lờ” các lời kêu gọi từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu khác để bơm thêm dầu.
Iraq cũng cho biết nước này sẵn sàng tăng sản lượng nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, nhà tiếp thị dầu thô thuộc sở hữu nhà nước SOMO cho rằng mức tăng sản lượng hàng tháng của OPEC+ đủ để giải quyết tình trạng thiếu dầu.
Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, dự trữ dầu thô toàn cầu có thể được khai thác thêm. Giám đốc IEA Faith Birol cho biết, quyết định của IEA hồi tuần trước về việc giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược là "phản ứng ban đầu".
Mức dự trữ dầu chiến lược của Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2002, do chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt quyết định giải phóng kho dự trữ này vào tháng 11/2021 như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy nguồn cung cấp nhiên liệu của Mỹ.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục giảm do dự báo nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới của Mỹ giảm, sau khi giá dầu và khí đốt toàn cầu giảm mạnh. Cụ thể, hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York giảm 0,1 US cent xuống 4,526 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 28/2/2022 trong phiên thứ 2 liên tiếp.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 3% xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce do giá dầu giảm giúp các tài sản rủi ro phục hồi sau khi giảm mạnh bởi căng thẳng Nga – Ukraine, trong khi đó giá palladium đảo chiều giảm khoảng 9% trong phiên này. Giới phân tích cho rằng giá vàng đảo chiều giảm còn được thúc đẩy bởi hoạt động bán chốt lời của các nhà đầu tư.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 3,3% xuống 1.983,96 USD/ounce, sau khi đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 8/2020; vàng giao sau giảm 2,7% xuống 1.988,2 USD/ounce.
Ông Bart Melek, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa của Công ty Môi giới tài chính TD Securities, cho biết: “Chúng tôi giảm bớt một chút lo ngại về vàng..., chủ yếu là vì tôi vẫn nghĩ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ rất thận trọng về cách họ giảm thanh khoản”.
Giới phân tích cho rằng giá vàng đảo chiều giảm còn được thúc đẩy bởi hoạt động bán chốt lời của các nhà đầu tư.
Cổ phiếu tăng trở lại khi giá dầu mỏ giảm và giới đầu tư săn lùng cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi lo ngại về các lệnh trừng phạt Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong khi đó, giá palladium, vốn được các hãng sản xuất ô tô dùng trong bộ chuyển đổi xúc tác nhằm hạn chế khí thải, giảm 7,5% xuống 2.940,72 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce vào ngày 7/3 do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới của Nga.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 3% xuống 25,59 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất 9 tháng trong phiên 8/3. Giá bạc cũng giảm 7%, đóng cửa ở mức 1.072,41 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng loạt quay đầu giảm bất chấp lo ngại về nguồn cung từ Nga.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 4,9% xuống 3.326 USD/tấn, trước đó trong phiên có lúc tăng mạnh 5,2%. Mặc dù giảm ở phiên này, song tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng gần 1/5% do lo ngại về tác động xung đột Nga – Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng 6% nguồn cung toàn cầu.
Tương tự, giá đồng giảm 2,3% xuống 9.972 USD/tấn, kẽm giảm 6,3% xuống 3.874 USD/tấn, chì giảm 5,1% xuống 2.370 USD/tấn và thiếc giảm 18% xuống 39.875 USD/tấn. Nga cung cấp gần 10% nhu cầu nickel trên thế giới và cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên chính được sử dụng để tạo ra điện năng sản xuất kim loại như nhôm và kẽm.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng giảm 2,3% xuống 9,972 USD/tấn, kẽm giảm 6,3% xuống 3,874 USD, chì giảm 5,1% xuống 2,370 USD và thiếc giảm 18% xuống 39,875 USD sau khi chạm mức thấp 39,080 USD.
Giá sắt thép phiên này cũng quay đầu giảm, với quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,9% xuống 813 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 2,5 USD xuống 160,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trong khi đó, giá thép không gỉ tại Trung Quốc giảm sau khi tăng hơn 7% trong đầu phiên giao dịch, do các nhà đầu tư thận trọng khi giá nickel nguyên liệu tăng mạnh.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 giảm 4,2% xuống 20.655 CNY (3.270,11 USD)/tấn, sau khi đạt 24.785 CNY/tấn trong đầu phiên giao dịch. Giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1,5% xuống 4.907 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 2,2% xuống 5.121 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹgiảm phiên thứ 2 liên tiếp, khi chính phủ Mỹ cắt giảm xuất khẩu lúa mì trong nước và thị trường toàn cầu tiếp tục bị xáo trộn bởi gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga – Ukraine.
Giá đậu tương kỳ hạn giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung đậu tương trong nước và thế giới sẽ ít hơn so với dự đoán trước đây - nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của dự báo thị trường.
Giá ngô kỳ hạn lúc đóng cửa giảm xuống mức thấp nhất trong phiên khi thị trường dầu giảm mạnh, do USDA nâng triển vọng xuất khẩu ngô của Mỹ trong khi cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến xuất khẩu nhà cung cấp chủ chốt bị đình trệ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 85 US cent xuống 12,01-1/2 USD/bushel. Giá ngô giảm 20 US cent xuống 7,33 USD/bushel và giá đậu tương giảm 18 US cent xuống 16,71-3/4 USD/bushel. 
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tiếp tục leo thang, khi các thương gia và nhà nhập khẩu đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp của Ukraine và Nga, với nhu cầu cụ thể là ngũ cốc của Liên minh châu Âu. Các nhà xuất khẩu ngô của Argentina đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc bán cây trồng của họ cho Tây Ban Nha, với kỳ vọng rằng quốc gia châu Âu sẽ nới lỏng các quy tắc nhập khẩu.
Giá đường phiên này cũng giảm với đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,49 US cent tương đương 2,5% xuống 18,94 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 10,2 USD tương đương 1,9% xuống 526,1 USD/tấn.
Riêng dầu cọ tiếp tục tăng, với giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao kỷ lục, tăng 10% khi nước sản xuất hàng đầu – Indonesia – quyết định hạn chế xuất khẩu hơn nữa. Cụ thể, dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 10% lên 7.060 ringgit (1.686,98 USD)/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 3,6 US cent tương đương 1,5% xuống 2,293 USD/lb, sau khi tăng 3,9% trong phiên ngày 8/3/2022. Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 23 USD tương đương 1,1% lên 2.117 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng và rời khỏi chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Osaka tăng 4,5 JPY tương đương 1,9% lên 247,5 JPY (2,14 USD)/kg. Trước đó trong phiên, giá cao su tăng hơn 3% - mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 19/1/2022; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 520 CNY lên 14.190 CNY (2.246,11 USD)/tấn – phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/11/2021.
Giá hàng hóa thế giới 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa