menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tháng 9/2021: Giá dầu tăng, vàng giảm, nông sản vững

16:14 01/10/2021

Thị trường hàng hóa nguyên liệu tháng 9 có nhiều biến động. Đồng USD mạnh lên, thiếu cung năng lượng, khủng hoảng nợ Evergrande, ngân hàng trung ương Mỹ hé lộ kế hoạch cắt giảm chính sách tiền tệ… là những yếu tố chính tác động lên thị trường.
 
Năng lượng: Giá dầu tăng gần 10% trong tháng 9
Giá dầu tương đối ổn định trong phiên cuối cùng của tháng 9 (30/9) do thông tin Trung Quốc chuẩn bị mua thêm dầu và các nguồn năng lượng khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng có tác dụng đẩy giá tăng nhưng số liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng và đồng USD mạnh lên lại gây áp lực giảm.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giao tháng 11/2021 giảm 12 US cent (0,2%) xuống 78,52 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 20 US cent (0,3%) lên 75,03 USD/thùng. Tính chung trong tháng 9, giá dầu tăng hơn 9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, bởi nguồn cung bị thắt chặt, với OPEC dự báo nhu cầu sẽ vượt cung thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và tăng 0,9 triệu thùng trong tháng 11.
Thông tin cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty năng lượng quốc doanh của Trung Quốc đảm bảo nguồn cung cho mùa đông sắp tới, bù đắp cho sự gia tăng bất ngờ của tồn kho dầu thô của Mỹ và đồng đô la mạnh lên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này và là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng, điện và sẽ giữ các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của trung tâm OANDA nhận định, nếu Trung Quốc sẵn sàng chi trả với bất cứ mức giá nào để mua năng lượng, điều này có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 29/9 cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 4,6 triệu thùng lên 418,5 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm 1,7 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ duy trì mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tại cuộc họp tuần tới.
Các trạm xăng của Anh vẫn đang chứng kiến nhu cầu chưa từng có với hơn một phần tư số trạm bơm, xăng vẫn cạn do cuộc khủng hoảng nhiên liệu, khiến cho lưu lượng giao thông đường bộ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc phong tỏa chống Covid-19, cách đây 2 tháng.
Các nhà phân tích cho biết, một tác nhân có thể làm giảm giá dầu là cuộc khủng hoảng điện và những lo ngại về thị trường nhà đất ở Trung Quốc, vốn đã ảnh hưởng đến tâm lý vì bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 9 do hạn chế sử dụng điện rộng hơn và chi phí đầu vào tăng.
Trong khi đó, tồn trữ dầu thô ở Mỹ tăng. Dữ liệu của chính phủ hôm thứ Tư cho thấy kho dự trữ dầu và nhiên liệu của thị trường xăng dầu lớn nhất thế giới này đã tăng 4,6 triệu thùng lên 418,5 triệu thùng trong tuần trước. Lý do bởi sản xuất ở Bờ viển vùng Vịnh Mexico đã hoạt động trở lạ gần mức trước khi cơn bão Ida tấn công, khoảng một tháng trước.
Trong một diễn biến giảm giá khác, đồng đô la Mỹ đã chạm mốc cao nhất 1 năm lúc đầu phiên vừa qua, khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, dự báo nguồn cung dầu thô tiếp tục thấp hơn nhu cầu vẫn đang hỗ trợ giá.
Các cuộc đàm phán đang bị đình trệ giữa Iran và các cường quốc trên thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ sớm được nối lại ", người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết hôm thứ Năm. Một thỏa thuận hạt nhân sẽ cho phép Iran xuất khẩu nhiều dầu thô hơn.
Sự tập trung của các nhà đầu tư chuyển sang cuộc họp của các nước sản xuất dầu chủ chốt vào tuần tới. Các thị trường mong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi là OPEC +, dự kiến sẽ giữ thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên này tăng mạnh, thêm 9%, trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ, trong khi than cốc tăng 4,4%. Nguyên nhân do nguồn cung suy giảm.
Kim loại quý: Giá vàng giảm 3,2%
Giá vàng tăng hơn 2% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 do USD quay đầu giảm sau khi số liệu về việc làm hàng tuần ở Mỹ giảm sút. Tuy nhiên, do giá vàng gần đây có xu hướng giảm do dự báo Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm bắt đầu cắt giảm hỗ trợ kinh tế khiến giá vàng tính chung trong quý 2 giảm 3,2%.
Theo đó, giá vàng giao ngay phiên này tăng 1,7% lên 1.755,56 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm tăng 2,2% lên mức cao nhất một tuần; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 cũng tăng 2% kết thúc phiên ở mức 1.757 USD.
Số liệu thống kê cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước gia tăng. Điều này có thể làm dấy lên lo ngại thị trường lao động đang suy yếu.
Nhà tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: "Điều này cũng dẫn đến sự không chắc chắn về việc Fed cắt giảm các chương trình hỗ trợ kinh tế vì họ muốn một thị trường việc làm mạnh mẽ trước khi thông báo về việc cắt giảm đó". Theo ông: "Vàng cũng đang" bước vào một số đợt mua hàng thực mới, với một số nhà đầu tư đang tìm cách phòng ngừa trước sự bất ổn kinh tế, lạm phát gia tăng ".
Nhưng triển vọng ngày càng cao về việc Fed sẽ giảm dần kích thích kinh tế, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11 và khả năng lợi tức trái phiếu kho bạc tiếp tục tăng, dự kiến sẽ tạo thêm áp lực lên vàng - có lợi suất bằng 0.
Việc các ngân hàng trung ương giảm kích thích kinh tế và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
"Đồng đô la Mỹ tăng vững vàng và lợi suất tăng là một sự kết hợp độc hại đối với vàng", ngân hàng Commerzbank cho biết trong một thông báo. Theo ngân hàng này: "Trong ngắn hạn, rủi ro giá vàng giảm hơn nữa là rất cao, có nghĩa là mốc 1.700 USD có thể sắp đến".
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên cuối tháng tăng gần 2,5% lên 22,04 USD/ounce, nhưng tính chung cả tháng 9 giảm tháng thứ 3 liên tiếp, bạch kim tăng 1,3% lên 962,61 USD, trong khi palladium tăng 2,4% ở mức 1.901,41 đô la.
Kim loại công nghiệp: Giá hầu hết tăng
Trong tháng 9, giá đồng giảm, các kim loại cơ bản còn lại đồng loạt tăng.
Phiên cuối tháng, giá đồng và các kim loại cơ bản khác giảm do USD mạnh lên và những hạn chế về nguồn cung điện ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – gây lo lắng về triển vọng nhu cầu.
Cuộc đàm phán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ đã thúc đẩy đồng đô la tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 1 năm, khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 2,4% xuống 8.934 USD/tấn.
Kim loại này - được nhiều người coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu –tính trong quý 3 đã giảm quý đầu tiên trong vòng sáu quý trở lại đây.
James Willoughby, nhà phân tích tại Hiệp hội Thiếc Quốc tế, cho biết giá thiếc trên sàn LME - thị trường nhỏ nhất và kém thanh khoản nhất trên sàn giao dịch này - có lúc giảm tới 12% do tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng kim loại này.
Ông nói: “Tình trạng thiếu điện đã làm thay đổi triển vọng về thiếc trong ngắn hạn. Kết thúc phiên, giá thiếc giảm 4,1% xuống 34.000 đô la.
Tuy nhiên, tồn trữ đồng giảm đã giúp hạn chế đà giảm giá. Theo đó, lượng đồng lưu kho tại
Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009, hiện ở mức 43.525 tấn, giảm 2,5% so với thứ Sáu tuần trước. Tại các kho chứa hàng của sàn LME, lượng đồng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6, là 124.200 tấn.
Sản lượng đồng của nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Chile - giảm 4,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 466.928 tấn.
Về các kim loại cơ bản kahcs, giá nhôm giảm 1,7% xuống 2,861 USD/tấn, kẽm giảm 1,3% xuống 3,014 USD, chì giảm 1,1% xuống 2,114,50 USD và nickel giảm 2,13% ở 17,995 USD.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt Trung Quốc kết thúc phiên cuối tháng đạt mức cao nhất 3 tuần, tuy nhiên tính trong tháng 9 đã giảm tháng đầu tiên trong vòng 8 tháng.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tại sàn gia dịch Đại Liên (Trung Quốc) phiên 30/9 đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần vào thứ Năm (30/9) sau khi Tập đoàn Fortescue Metals tạm dừng hoạt động khai thác tại một dự án ở Pilbara, trong khi hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc được cải thiện trong quý 4 góp phần hỗ trợ giá tăng thêm nữa.
Công ty khai thác quặng sắt Fortescue cho biết một nhân viên đã thiệt mạng sau sự cố sụt lún trên mặt đất tại khu vực Solomon Hub ở vùng Pilbara của Australia.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 5,4% lên 721,50 CNY (111,58 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 758 CNY, cao nhất kể từ ngày 8 tháng 9.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch Singapore phiên này tăng 3,4% lên 118,45 USD/tấn, sau khi có lúc cũng lên mức cao nhất trong hai tuần là 127,80 USD.
Mức tăng giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trong tuần này cũng phản ánh việc giá giao ngay hồi phục tại Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, được củng cố phần lớn bởi nhu cầu muc tích trữ trước kỳ nghỉ Tuần lễ vàng quốc gia, từ ngày 1 tháng 10.
Tuy nhiên, giá quặng sắt Đại Liên quý III giảm quý đầu tiên trong vòng 2 năm và giảm tháng thứ ba liên tiếp, thấp hơn 42% so với mức kỷ lục vào giữa tháng Năm.
Tâm lý thận trọng đang bao trùm chiếm ưu thế trên thị trường kim loại Trung Quốc do tình trạng thiếu điện dẫn tới nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng và lo ngại về sự vỡ nợ của China Evergrande.
Giá thép phiên này cũng tăng. Theo đó, thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,2% so với mức 5.657 CNY (874,86 USD)/tấn của phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4% từ mức 5.697 CNY/tấn của phiên liền trước, riêng thép không gỉ giảm 2,4% từ mức 19.690 CNY (3.045,06 USD)/tấn của phiên liền trước.
Chiến lược gia hàng hóa cao cấp của ANZ, Daniel Hynes, cho biết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng đang dẫn đến việc nhiều nhà máy thép phải cắt giảm sản lượng”, Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ cho biết, trích dẫn dữ liệu ngành cho thấy sản lượng sụt giảm 7,2% so với tháng trong hai tuần đầu tháng 9.
Tình trạng thiếu điện đã làm giảm nhu cầu quặng sắt, vốn đã giảm khi Trung Quốc tìm cách hạn chế sản lượng thép để giảm lượng khí thải carbon.
Nông sản: Giá trong tháng 9 gần như không thay đổi
Phiên 30/9, giá lúa mì tăng do nguồn cung của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm, sau khi chính quyền liên bang Mỹ báo cáo rằng nguồn cung lúa mì của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 - và sản lượng lúa mì thu hoạch thấp nhất trong vòng 19 năm.
Trong khi đó, nước này đã kết thúc niên vụ vào ngày 1 tháng 9 với sản lượng lượng đậu tương nhiều hơn một chút so với dự kiến của các thương nhân, điều này đã gây áp lực mạnh lên giá đậu tương kỳ hạn tương lai.
Nguồn cung lúa mì thắt chặt ở Mỹ, nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba thế giới, đã giúp nâng giá lúa mì kỳ hạn giao sau của Hội đồng Thương mại Chicago lên mức cao nhất trong ba tuần và báo hiệu chi phí cao hơn cho các nhà xay xát và làm bánh. Tin tức từ các nơi khác công bố cũng cho thấy nguồn cung toàn cầu đã bị thu hẹp do thời tiết mùa vụ căng thẳng ở Canada và Nga.
Kết thúc phiên, lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 15-1/4 cent lên 7,25-1/2/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 27-3/4 cent xuống 12,56 USD/bushel, trong khi ngô giao tháng 12 giảm 2-1/4 cent xuống 5,36-3/4 USD/bushel.
Cũng trong phiên này, giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE tăng trở lại, sau khi giảm mạnh ơ phiên trước đó do dự báo Brazil có thể sẽ có mưa trong vài ngày tới.
Cà phê arabica giao tháng 12 phiên này tăng 1,2% lên 1,9575 USD/lb, sau khi giảm 2,6% trong phiên liền trước. Cà phê robusta giao tháng 11 cũng tăng 0,8% lên 2.132 USD/tấn.
Tại Châu Á, giá cà phê robusta ở Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – tuần này giảm nhẹ so với tuần trước bởi những hạn chế chống Covid-19 đang dần được dỡ bỏ.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 ước tính tăng 20,3% so với một năm trước đó, mặc dù xuất khẩu trong chín tháng đầu năm giảm 4,2%, số liệu chính thức cho thấy.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,4% lên 19,02 cent/lb; đường trắng giao tháng 12 tăng 0,5% lên 507,40 USD/tấn.
Giá lợn nạc giao dịch trên sàn Chicago Mercantile Exchange (CME) tăng, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 10 0,800 cent lên 91,600 cent/lb, trong khi hợp đồng giao dịch tháng 12- giao dịch sôi động nhất - tăng 1,800 cent lên 85,400 cent, cao nhất kể từ ngày 27/7. Trong khi đó, giá bò kết thúc phiên này giảm, với hợp đồng giao tháng 10 1.200 cent xuống 120,575 cent/lb và giao tháng 12 giảm 1,325 cent xuống còn 125,725 cent.
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn đạt mức cao kỷ lục trong phiên 30/9, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp, sau khi xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tăng mạnh và giá các loại dầu khác cũng tăng.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, hợp đồng dầu cọ giao tháng 12 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 142 ringgit, tương đương 3,2%, lên 4,597 ringgit/tấn, cao nhất kể từ khi hợp đồng tương lai được giao dịch lần đầu vào năm 1980.
Hợp đồng cũng tăng 8% trong tháng 9, đảo ngược mức giảm của tháng trước, do những khó khăn trong sản xuất, bao gồm cả tình trạng lao động căng thẳng do các hạn chế về đại dịch địa phương được áp dụng trước đó.
Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn ICE tăng hơn 3,5% vào phiên 30/9 và tính chung quý 3 tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2011 do doanh số xuất khẩu tăng mạnh và lo ngại về thiệt hại mùa màng do mưa lớn ở Texas. Theo đó, giá bông giao tháng 12 tăng 3,86 cent, tương đương 3,79%, lên 105,8 cent/lb.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng sau khi đảng cầm quyền của Nhật Bản bầu ra lãnh đạo mới – người sẽ đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng và có khả năng sẽ duy trì các chính sách kích thích để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế từ COVID-19.
Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Osaka tăng 4,2 yên, tương đương 2%, lên 211,8 yên.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2,9% lên 14.190 CNY/tấn.

Giá hàng hóa thế giới

tong ket gia hang hoa the gioi

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa