menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tuần tới 17/12/2021: Nhiều biến động

14:00 19/12/2021

Thị trường hàng hóa nguyên liệu trải qua một tuần nhiều biến động do số ca nhiễm virus Omicron tăng nhanh.
 
Năng lượng: Giá dầu giảm
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần do số ca nhiễm virus biến thể Omicron tăng vọt làm dấy lên lo ngại rằng những hạn chế mới có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ.
Kết thúc phiên thứ Sáu (17/12), giá dầu brent giảm 1,5 USD hay 2% xuống 73,52 USD/thùng, trong khi dầu WIT giảm 1,52 USD hay 2,1% xuống 70,86 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, dầu Brent mất 2,6% giá trị, trong khi dầu WTI giảm 1,3%.
Chuyên gia Edward Meir của công ty tài chính ED&F Man Capital Markets (Mỹ) cho biết những lo ngại về biến thể Omicron đang làm gia tăng khả năng hoạt động đi chuyển và đi lại sụt giảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã được báo cáo tại hơn 60 quốc gia và có nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu. Hiện đã có một số bằng chứng cho thấy nó có thể tránh né sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19.
Số ca nhiễm Omicron ở Đan Mạch, Nam Phi và Anh cứ 2 ngày lại tăng gấp đôi. Thủ tướng Đan Mạch cho biết chính phủ sẽ áp đặt những hạn chế mới để kiềm chế sự lây lan. Các chính phủ trên khắp thế giới, như Vương quốc Anh và Na Uy, đã thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Pháp ngày 16/12 đã ban hành các quy định hạn chế mới đối với người từ Vương Quốc Anh. Tại Mỹ sự lây lan nhanh chóng của virus Omicron khiến một số công ty dừng kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng. Mỹ đang ghi nhận hơn 120.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, tăng hơn 40% so với hai tuần trước.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022. Song tổ chức này vẫn giữ nguyên ước tính tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động "nhẹ" khi thế giới quen với việc xử lý đại dịch COVID-19. OPEC và các nhà sản xuất lớn (còn gọi là nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 4/1/2022 để quyết định về chính sách sản lượng.
Kim loại quý: Giá vàng tăng vượt 1.800 USD/ounce
Giá vàng tăng vượt ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần do lo lắng về số ca nhiễm Omicron tăng vọt và lạm phát cao.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.802,12 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng 1,1%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2022 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.804,9 USD/ounce.
Colin Cieszynski, trưởng chiến lược gia thị trường của công ty quản lý tài sản SIA Wealth Management (Canada), cho biết giá vàng tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce là do dòng vốn đang dịch chuyển từ các tài sản rủi ro sang các loại tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng hỗ trợ giá vàng là sụ không chắc chắn trong tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những lo ngại về lạm phát đang ngày càng gia tăng. Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) đã phải nâng lãi suất thêm 15 điểm cơ bản lên 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất, nhưng nhấn mạnh rằng chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong thời gian đại dịch sẽ kết thúc vào tháng Ba như dự kiến.
Cả hai động thái này được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021. Các quan chức Fed cũng dự kiến ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, đẩy nhanh thời gian dự kiến để tăng chi phí đi vay
Trong các dự báo kinh tế mới của mình, Fed dự báo lạm phát của Mỹ sẽ ở mức 2,6% trong năm tới, so với mức 2,2% được dự báo vào tháng 9/2021. Áp lực lạm phát tăng đã thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng khi một số nhà đầu tư coi kim loại quý này như một "hàng rào" chống lại lạm phát cao hơn. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý rằng, nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện nhanh chóng, nhưng cảnh báo rằng ông không nghĩ đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Kim loại công nghiệp: Giá nhôm tăng mạnh, quặng sắt đi lên tuần thứ 4 liên tiếp
Trong phiên cuối tuần, giá nhôm chạm mức cao nhất trong hơn 6 tuần sau khi sản lượng ôxít nhôm nguyên liệu thô của Trung Quốc sụt giảm trong tháng trước, làm tăng nguy cơ nguồn cung khan hiếm bởi tình trạng thiếu điện.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME đã tăng khoảng 3,1% lên 2.749 USD/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 1/11, trước khi đóng cửa tăng 2,5%, đạt 2.733 USD/tấn.
Sản lượng ôxít nhôm của Trung Quốc (được luyện thành nhôm) đã giảm 4,5% trong tháng 11 so với một năm trước xuống mức thấp nhất 18 tháng.
Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phát thải carbon bằng cách hạn chế tiêu thụ điện và sản xuất của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như tinh luyện ôxít nhôm và nhôm.
Giá kẽm phiên này giảm 1,4% xuống 3.373,50 USD/tấn, làm xói mòn mức tăng 4,6% một ngày trước đó khi kim loại này chạm mức cao nhất trong hai tháng sau khi Nyrstar cho biết họ có kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Pháp do giá điện ở châu Âu cao.
Theo đó, giá kẽm tại Thượng Hải kết thúc ngày 17/12 tăng trên 4% so với phiên trước đó, đạt mức cao nhất hơn một tháng.
Giá đồng trên sàn LME cũng giảm trong phiên này, với mức giảm 0,6% xuống 9.450 USD/tấn, chì giảm 0,1% xuống 2.305,50 USD, thiếc giảm 0,6% xuống 38.475 USD, nhưng nickel tăng 0,2% lên 19.670 USD.
Giá quặng sắt của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 7 tuần, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 4 liên tiếp nhờ kỳ vọng ngày càng tăng về sự phục hồi nhu cầu thép của nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, xu hướng tăng bị kiềm chế bởi tồn kho của quặng sắt nhập khẩu ở Trung Quốc đang tăng, đạt 156 triệu tấn trong tuần trước, cao nhất kể từ tháng 7/2018.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,9% lên 676,5 CNY (106,21 USD)/tấn, sau khi chạm mức 696,5 CNY/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 28/10. Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 1/2022 tăng 3% lên 120,45 USD/tấn.
Quặng sắt trên thị trường giao ngay của Trung Quốc loại hàm lượng 62% Fe ở mức 117,5 USD/tấn trong ngày 16/12, cao nhất kể từ ngày 27/10, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Nông sản: Giá ngũ cốc tăng
Phiên cuối tuần, giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng do việc mua vào theo yếu tố kỹ thuật và tình trạng không rõ ràng về thời tiết tại các khu vực trồng trọt Nam Mỹ.
Theo đó, giá ngô Mỹ kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa tăng 2 US cent lên 5,93-1/4 USD/bushel sau khi tăng lên 5,98-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 12/8. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng 3-1/4 US cent/bushel hay 0,55%, tăng tuần thứ 2 liên tiếp.
Giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 4-1/2 US cent lên 7,75 USD/bushel, tuy nhiên trong tuần này lúa mì giảm 10-1/4 US cent/bushel hay 1,3%, giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ đã giúp tạo điều kiện cho đà lên giá của các mặt hàng nông sản tại Mỹ. CBOT sẽ thêm phí bảo hiểm thời tiết vào giá nếu dự báo trên là chính xác. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng, mức đóng cửa trung bình hàng tuần của giá ngô là trên 5,92 USD/bushel và giá đậu tương là 12,95 USD/bushel sẽ giúp biểu đồ giá nông sản diễn biến theo hướng tích cực.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, Trung Quốc đã mua 133.000 tấn đậu tương Mỹ và bán 33.000 tấn dầu đậu nành cho Ấn Độ. AgResource dự báo rằng, Trung Quốc sẽ tiêu thụ 29-31 triệu tấn đậu tương Mỹ trong giai đoạn 2021-2022.
Thiệt hại từ trận siêu bão diễn ra trên khắp vùng đồng bằng và khu vực Trung Tây nước Mỹ vẫn đang được tính toán. Thời tiết trong 2-3 tuần tới sẽ giúp xác định khả năng "sinh tồn" của một số loại lúa mỳ.
Các khu vực trồng trọt ở phía Nam Brazil và Argentina trong 10 ngày tới sẽ chứng kiến lượng mưa hạn chế. Trong khi đó, miền Bắc Brazil vẫn nhận được lượng mưa đầy đủ. Rủi ro về năng suất cây trồng ở Nam Mỹ đang tăng lên do mưa quá nhiều ở miền Bắc Brazil và hạn hán nặng ở miền Nam Brazil và miền Bắc Argentina.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,29 US cent hay 1,5% xuống 19,11 US cent/lb, trong phiên giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 6/12 tại 19,01 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 6,4 USD hay 1,3% xuống 498 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường dao động trong phạm vi 18,5 tới 20,5 US cent, với những lo ngại về thời tiết khô hạn tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil và xuất khẩu đang chậm lại từ Ấn Độ củng cố giá, nhưng lo sợ về Omicron đã hạn chế đà tăng.
Kỳ vọng về sự cải thiện trong mùa vụ tới tại khu vực trung nam Brazil cũng ảnh hưởng tới thị trường. Unica dự báo sản lượng nông nghiệp sẽ tăng 8,5% trong niên vụ tới, sản lượng mía khoảng 570 triệu tấn, gần mức cao nhất của ước tính gần đây.
Giá cà phê biến động trái chiều. Trong phiên 17/12, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa giảm 2,1 US cent hay 0,9% xuống 2,3475 USD/lb; cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 34 USD hay 1,5% lên 2.333 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý Brazil đã có những trận mưa cần thiết trên khắp khu vực trồng cà phê trong tháng này. Dự báo sẽ có những trận mưa nữa trong tháng.
Thời tiết trở nên khô hơn tại Việt Nam, thuận lợi cho việc thu hoạch, nhưng nếu bão Rai được dự báo đổ bộ tới khu vực trồng chính có thể làm gián đoạn việc sấy và ảnh hưởng tới chất lượng cà phê.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, xuất khẩu cà phê Robusta từ Việt Nam trong niên vụ 2021/2022 sẽ tăng nhẹ so với niên vụ trước đó, có thể do hàng tồn vụ cũ vì dịch COVID-19 và những vấn đề về logistics nên chưa xuất được chứ không phải do sản lượng tăng.
Tại thị trường Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 200 – 300 đồng, lên dao dộng trong khoảng 42.500 – 42.800 đồng/kg. Trong tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 20,9% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng kể từ đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 10,7% so với ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Giá cà phê cuối năm nay được dự báo có thể lên 43,5 triệu đồng/tấn.
Giá cao su Nhật Bản tăng do nhà đầu tư hoan nghênh việc tiếp tục chính sách cực kỳ nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản để hỗ trợ phục hồi kinh tế mặc dù lo lắng kéo dài về sự lây nhiễm của biến chủng Omicron ở nước ngoài đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,7 JPY hay 0,3% lên 233,6 JPY (2,1 USD)/kg. Tính cả tuần giá cao su tăng 2% sau hai tuần giảm liên tiếp. Giá cao su tại Thượng Hải cùng kỳ hạn giảm 50 CNY xuống 14.605 CNY (2.289 USD)/tấn.
Dự trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,5% so với một tuần trước.
Giá hàng hóa thế giới
 

Nguồn:Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa