menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới tuần tới 5/11: Xu hường giảm bao trùm thị trường

09:00 06/11/2021

Giá dầu, kim loại công nghiệp và ngũ cốc đồng loạt giảm trong tuần qua. Chỉ có một số ít mặt hàng như vàng, đường, cà phê tăng.
 
Dầu mỏ: Giá dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Giá dầu thế giới đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 5/11, trước những lo ngại về nguồn cung sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, đã từ chối lời kêu gọi gia tăng sản lượng hơn nữa từ Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu vẫn ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Một tăng 2,2 USD, hay 2,7%, lên 82,74 USD/ounce, khép lại tuần vừa qua với mức giảm 1,2%.
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, OPEC+ đã nhất trí sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc bơm thêm dầu ra thị trường nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Cụ thể, OPEC+ quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày theo thỏa thuận đạt được trước đó ba tháng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2021 tăng 2,46 USD, hay 3,1%, lên 81,27 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm gần 2,8%, đánh dấu tuần giảm giá thứ hai liên tiếp sau chuỗi chín tuần tăng giá.
Giám đống phụ trách giao dịch năng lượng kỳ hạn của ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), Bob Yawger cho rằng quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng của OPEC+ và việc thiếu phản ứng đáng kể từ chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp sức cho đà tăng của giá dầu.
Nhà Trắng cho biết sẽ cân nhắc mọi công cụ để đảm bảo bình ổn giá năng lượng, trong đó có cả khả năng cung cấp dầu từ kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, ông Bjornar Tonhaugen, người phụ trách các thị trường dầu của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho rằng thị trường biết rằng việc “mở” kho dự trữ chiến lược chỉ có thể có tác động kiềm chế giá dầu tạm thời, chứ không phải là một giải pháp lâu dài cho tình trạng mất cân bằng cung cầu. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường phiên này cũng phấn chấn hơn trước số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự đoán trong tháng Mười.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy giá dầu dự kiến sẽ giữ ở mức gần 80 USD/thùng khi kết thúc năm nay, do nguồn cung thắt chặt và chi phí khí đốt cao hơn khuyến khích việc chuyển sang sử dụng dầu thô để làm nhiên liệu phát điện.
Giá than luyện cốc giảm 0,8% xuống 2.390 CNY/tấn và giá than cốc giảm 1,9% xuống 3.046 CNY/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá than luyện cốc tăng 5,4% và giá than cốc tăng 2,3%. Sản lượng than đá ngày tại Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – đạt gần mức cao kỷ lục (11,2 triệu tấn) hôm 3/11/2021, nhờ các biện pháp tăng cường sản xuất.
Kim loại quý: Giá vàng thế giới tăng gần 2% trong tuần qua
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce lên mức đóng phiên cao nhất gần 2 tháng, khi các ngân hàng trung ương lớn giữ thái độ ôn hòa đối với lãi suất trong tuần này, thúc đẩy nhu cầu vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,2% lên 1.813,36 USD/ounce, đầu phiên có lúc giá giảm 0,3% bởi số liệu cho thấy việc làm của Mỹ trong tháng 10/2021 tăng nhanh hơn so với dự kiến. Trong khhi đó, giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 1,3% lên 1.816,80 USD/ounce trên sàn Comex (Mỹ), mức chốt phiên cao nhất kêt từ ngày 3/9, theo số liệu của công ty dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ). Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,8%, mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 1,524% trong phiên 4/11 xuống 1,458%, từ đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo thêm 531.000 việc làm trong tháng Mười và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,6%. Đây là số liệu khả quan hơn dự kiến, đồng thời cho thấy hoạt động tuyển dụng đang hồi sinh khi số ca mắc COVID-19 giảm.
Giới giao dịch đang chú ý đến lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất, dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới, được dự đoán sẽ ở mức rất cao. Vàng thường được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro từ lạm phát.
Trong một lưu ý, Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại công ty môi giới dịch vụ tài chính FXTM (CH Cyprus), cho hay tuần tới có thể sẽ là một tuần biến động đối với vàng. Kim loại quý này có thể bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của đồng USD, lợi suất trái phiếu chính phủ, những đồn đoán về lạm phát và tâm lý rủi ro trên toàn cầu.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng, nhôm, sắt thép giảm
Giá nhôm trong phiên 5/11 giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng, do sản lượng than đá tại Trung Quốc tăng, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung kim loại này từ các lò luyện bằng nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, hợp đồng nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm xuống 2.510 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tính đến nay, giá nhôm giảm 20% kể từ mức cao nhất 13 năm hồi giữa tháng 10/2021.
Tình trạng thiếu than đá đã đẩy giá lên mức cao chưa từng có, làm tăng giá thành điện năng, trong đó điện chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất nhôm.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, khi nhu cầu ngành công nghiệp vẫn chậm chạp do các hạn chế sản lượng thép tại nước này. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 561 CNY (87,65 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 12,1%. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,6% xuống 4.247 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 2,2% xuống 4.569 CNY/tấn, giá thép không gỉ giảm 0,6% xuống 18.270 CNY/tấn.
Công suất sản xuất tại 163 lò cao tại các nhà máy thép Trung Quốc tính đến ngày 5/11/2021 đạt 62,39%, giảm so với 66,17% tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Nông sản: Giá ngũ cốc giảm trong tuần, đường và cà phê tăng
Giá đậu tương Mỹ giảm liên tiếp 3 phiên cuối tuần do vụ thu hoạch bội thu và triển vọng trồng trọt tại Nam Mỹ tăng mạnh, làm gia tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào giữa tháng 1/2022.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 17-1/4 US cent xuống 12,05-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 3,52% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 20/8/2021.
Tại Brazil, hoạt động trồng đậu tương tại bang Mato Grosso trong tuần này có thể hoàn thành 92-94% kế hoạch đề ra, tăng so với mức 83% của cùng kỳ năm trước và 92% của năm 2019.
Đậu tương từ miền Trung Brazil sẽ chuyển đến các cảng vào cuối tháng 1/2022 và đầu tháng 2/2022. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu đậu tương của Mỹ từ nay cho đến cuối tháng 12/2021.
Giá lúa mì phiên 5/11 giảm 7-1/4 US cent xuống 7,66-1/2 USD/bushel; giá ngô giảm 6-1/4 US cent xuống 5,53 USD/bushel.
Ở Châu Âu, giá lúa mì Nga tiếp tục tăng theo xu hướng giá trên Sàn giao dịch Paris do nhu cầu mạnh từ Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Lúa mì Nga hàm lượng 12,5% protein FOB Biển Đen kỳ hạn giao nửa cuối tháng 11 hiện là 326 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với tuần trước. Doanh nghiệp quốc doanh GASC của Ai Cập đã mua 180.000 tấn lúa mì của Nga trong cuộc đấu thầu vào tuần trước để giao hàng vào tháng 12. Xuất khẩu lúa mì của Nga giảm 32% kể từ khi bắt đầu năm marketing 2021/22, ngày 1 tháng 7, do sản lượng giảm.
Tính chung cả tuần, giá ngô, lúa mì và đậu tương đều giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1% lên 19,83 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 0,4% lên 508,7 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường tăng.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica duy trì mức giảm nhẹ, còn giá cà phê Robusta cũng giảm theo biến động thị trường. Còn tại Việt Nam, giá cà phê giảm thêm 400 đồng/kg. Tính chung cả tuần, giá cà phê tăng.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London giảm 1% xuống 2.182 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm (2.278 USD/tấn) trong tuần trước đó, do lo ngại về vụ thu hoạch tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu – Việt Nam; arabica kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn ICE giảm 1,9% xuống 2,0465 USD/lb, song có tuần tăng 0,3%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm tuần đầu tiên trong 6 tuần do cuộc thăm dò cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có khả năng suy giảm trong quý gần đây nhất do đại dịch Covid-19.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 1 JPY tương đương 0,5% xuống 219,6 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 5,7%; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 1,4% xuống 13.395 CNY/tấn.
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm trong quý 3/2021, do nguồn cung giảm và các hạn chế nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm Covid-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ và sản lượng.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters, Bloomberg

Tags: hàng hóa