Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đàn hơn 2,5 triệu con. Từ đầu tháng 5/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan tại 8 xã thuộc 4 huyện gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành và Vĩnh Cửu với tổng số lợn tiêu hủy 5.000 con.
Chính quyền và người dân Đồng Nai đang triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch; trong đó, có cả phương án cấp đông để bảo đảm nguồn cung thịt lợn sau dịch.
Ông Vũ Đức Côn, cộng tác viên thú y xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, với mức hỗ trợ đối với cộng tác viên tham gia vào ngăn ngừa dịch thú y như hiện nay 100.000 đồng người/ngày là quá thấp.
“Hiện nay, một lao động nông thôn bình thường, đi làm cỏ đồng cũng được 250.000 - 300.000 đồng/ngày.
Trong khi những người làm chuyên môn ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ và phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ mỗi ngày nhưng mức trợ cấp chỉ được 100.000 đồng.
Tôi mong cơ quan chức năng cần tính toán lại mức trợ cấp, ít ra cũng phải bằng với công lao động bình thường đối với người dân địa phương như hiện nay.
Nếu được như vậy thì việc huy động anh em tham gia phòng chống dịch dễ dàng hơn”, ông Côn nói.
Ông Lê Đình Thông, Trưởng Trạm thú y Long Thành cho hay, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan, huyện Long Thành đã thành lập 5 chốt kiểm dịch.
Tuy nhiên, vì khối lượng công việc nhiều, do đó trạm thú y Long Thành luôn trong tình trạng quá tải.
Nói về kinh phí hỗ trợ đối với các cộng tác viên thú y tham gia kiểm soát dịch bệnh hiện nay, ông Thông cho rằng, với 100.000 đồng/ngày đối với những vùng khác thì lớn, nhưng đối với khu vực Long Thành thì chưa tương xứng.
Ông Thông lo ngại nếu dịch lây lan mạnh sẽ khó khăn trong việc huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống dịch mức 100.000 đồng/ngày là quá ít so với một ngày công tại thị trường lao động là 250.000 - 300.000 đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã đề xuất phương án thu mua lợn sạch, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.
Theo đó, Đồng Nai đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đặc biệt cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm thông qua việc tham gia thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông.
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, việc giết mổ, cấp đông thịt lợn sẽ giúp giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, việc cấp đông thịt lợn tại thời điểm hiện nay là việc cần thiết, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, vì nếu không cấp đông, lượng lớn lợn sẽ bị ùn ứ, ảnh hưởng đến nguồn cung sau này và giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết cái khó của việc cấp đông thịt lợn hiện nay là phải sử dụng kho cấp đông lớn và có nhiệt độ âm sâu. Tuy nhiên, hiện Đồng Nai vẫn chưa có kho cấp đông lớn và đảm bảo nhiệt độ âm sâu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nếu thực hiện cấp đông thịt lợn sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề khó khăn; trong đó, có vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với thịt cấp đông.
Ông Đoán phân tích, năm 2017, 2018 do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng, tai xanh và đặc biệt là “bão giá” khiến người dân không dám tái đàn, nên thực tế hiện nay lượng lợn trên thị trường không còn nhiều để có thể cấp đông.
“Điều quan trọng nhất là tất cả lượng lợn đem cấp đông thì chúng ta có bảo đảm 100% không bị nhiễm bệnh hay không, vì một mẫu xét nghiệm có giá khoảng từ 500.000 đồng đến 1,1 triệu đồng.
Trong khi đó, mẫu lợn xét nghiệm chỉ làm theo lô. Vì vậy, nếu trong lô đó không may dính một con nhiễm bệnh thì sẽ lây hết cho toàn lô”, ông Đoán lo lắng.
Theo ông Đoán, việc thực hiện cấp đông thịt lợn sẽ có lợi cho người chăn nuôi vì ổn định được giá cả.
Nhưng vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các lò mổ và công tác giám sát giết mổ, rồi kinh phí của quá trình cấp đông và kho cấp đông có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Đó là những vấn đề ông Đoán cho rằng cần phải tính toán kỹ.