Ngày 29/6/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng Đoàn đám phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Lãnh đạo các Hiệp hội gồm Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), và Hiệp hội Da-giày-túi xách Việt Nam (Lefaso). Gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã tham dự Hội nghị này.
Đây là một trong chuỗi Hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định này vào ngày 8/6/2020 và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 18/6. Hội nghị được tổ chức theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với lãnh đạo các Hiệp hội và các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Về thương mại, tính đến hết tháng 5 năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4 năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
“Điều này càng nâng cao kỳ vọng của cả hai bên vào Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - EU phát triển, từ đó giảm bớt phần nào tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế”, Thứ trưởng chia sẻ.
Tuy nhiên, để hiện thức hóa các cơ hội như vậy, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
Liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), ông Mai Xuân Thành – Phó Cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho rằng, với những vướng mắc liên quan đến C/O, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin cấp C/O cần tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho rằng, việc tham gia Hiệp định EVFTA là ra “biển lớn”. Tuy nhiên, cách chơi trên thế giới hiện nay đã khác hơn so với trước đây, tức chuyển đổi sang hợp tác thông qua hiệp định mang tính song phương, với tiêu chuẩn cao. Việt Nam là một trong những nước đi đầu, đón xu hướng này. “EVFTA được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như “đường cao tốc” kết nối với EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới. Đây là điều buộc phải làm vì thế giới bắt đầu chuyển đổi về chuỗi cung ứng” – ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Theo quy định tại Điều 17.6 của Hiệp định thì EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực hoặc một thời điểm mà hai bên thống nhất với nhau. Phía Việt Nam hiện đang tiến hành các thủ tục pháp lý đối ngoại theo quy định để đưa Hiệp định vào thực thi trước ngày 1/8/2020.
Về phía Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan liên quan, cũng đang gấp rút hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp giấy C/O ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cung cấp thông tin về việc thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA.
Liên quan tới vấn đề thuế, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng danh mục và lộ trình các cam kết được nội luật hóa và xây dựng pháp luật thể chế để nghiệp có thể hiểu, thực thi đúng, có hiệu quả.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, cho biết Nghị định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2022, đã được hoàn thiện để sớm trình Chính phủ xem xét thông qua.
Nghị định này có điều khoản để đảm bảo dù thời điểm ban hành sau để tuân thủ Luật ban hành quy phạm pháp luật, thì hiệu lực áp dụng đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hay xuất khẩu ưu đãi với các hàng hóa đủ điều kiện thì cũng được áp dụng cùng ngày hiệp định có hiệu lực. Nên chúng tôi đảm bảo doanh nghiệp áp dụng ưu đãi đặc biệt thuế nhập khẩu hay thuế nhập khẩu ưu đãi, sẽ đảm bảo quyền lợi theo đúng Hiệp định EVFTA.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp về định hướng giải pháp tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức của Hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào 05 nhóm giải pháp gồm: thuế quan; hải quan; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường EU; công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA; và các biện pháp khác nằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19.
Hội nghị đã giúp giới doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về các cam kết liên quan đến thuế quan của Hiệp định EVFTA, cũng như tình hình chuẩn bị của Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nói riêng trong việc thực thi Hiệp định một cách đầy đủ và hiệu quả.
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương