menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN

08:27 07/01/2020

Vinanet - Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN, điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan
 
Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Thời gian kí kết: 2/2009
Có hiệu lực từ ngày: 17/5/2010
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) kí năm 1992.
Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995, bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA.
ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN, điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Mức cắt giảm thuế quan của ATIGA
Theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, các nước ASEAN đã gần đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan.
Đối với các nước ASEAN-6, 99,2% số dòng thuế đã được xóa, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã được loại bỏ tính tới năm 2017.
Đến năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN là 98%.
Thực thi của Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện cam kết ATIGA, tính đến ngày 1/1/2014, Việt Nam đã cắt giảm về 0% đối với 6.897 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế nhập khẩu).
Đến ngày 1/1/2015, Việt Nam cắt giảm về 0% thêm 1.706 dòng thuế nữa. Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, bao gồm: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Các sản phẩm không phải xóa bỏ thuế nhập khẩu (duy trì thuế suất MFN) gồm Thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ...
Thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo ATIGA giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.
Cam kết về Quy tắc xuất xứ và Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Quy tắc xuất xứ
Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA nếu có xuất xứ từ khu vực ASEAN. Một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu:
1) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN, hoặc
2) Hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định (Phụ lục 3 - Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng). Có ba loại quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng:
+ Hàng hóa phải có hàm lượng nguyên liệu nội khối (RVC) ít nhất là 40%, hoặc
+ Hàng hóa phải trải qua chuyển đổi HS 4 số, hoặc Hàng hóa phải trải qua một quy trình sản xuất nhất định. Các quy tắc này được áp dụng riêng hoặc kết hợp. Đa số các sản phẩm có quy tắc xuất xứ kết hợp, cho phép áp dụng đồng thời cả RVC và Chuyển đổi HS/Quy trình sản xuất.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi thuế quan, theo ATIGA, nhà xuất khẩu phải xin Chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu - ở Việt Nam là 18 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thuộc Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương và 37 Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Bộ Công Thương ủy quyền.
Tuy nhiên, hiện tại các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Hiện đã có hai dự án thí điểm về Tự chứng nhận xuất xứ đang được các nước ASEAN thực hiện, theo đó các nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng xuất khẩu.
+ Dự án thí điểm 1: Kí ngày 30/8/2010 bởi ba nước Brunei, Malaysia và Singapore, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/11/2010. Thái Lan tham gia vào tháng 10/2011.
+ Dự án thí điểm 2: Kí ngày 29/8/2012 bởi ba nước Lào, Indonesia và Philippines, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2014. Việt Nam tham gia vào tháng 9/2014.
Thực thi của Việt Nam
Để hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong ATIGA, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện cho doanh nghiệp. Hai thông tư mới nhất về quy tắc xuất xứ trong ATIGA là:
+ Thông tư số 42/2014/TT-BCT ngày 18/11/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN
+ Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 về việc quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
Ảnh hưởng đến ngành mía đường
Ngay từ năm 2017, những tác động tiêu cực từ Hiệp định ATIGA lên ngành đường đã rất rõ nét.
Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực Điều 20 tại Hiệp định ATIGA hai năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.
Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập đường từ các nước ASEAN theo cam kết khi tham gia ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.
Đó là thời điểm mặt hàng đường từ các nước ASEAN tự do đi vào thị trường Việt Nam với mức thuế chỉ từ 0 - 5%.
Tuy nhiên, đến nay, khi thời điểm các cam kết trong ATIGA liên quan đến ngành mía đường chính thức có hiệu lực, nhưng dường như các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước vẫn còn thụ động, không có kế hoạch cụ thể để thích ứng với những thay đổi thị trường từ các cam kết trong ATIGA.
Chi tiết về Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN

Nguồn:Phùng Nguyệt/Vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng