menu search
Đóng menu
Đóng

Ký hàng loạt FTA và những hiệu quả xuất khẩu

08:53 24/10/2019

Vinanet - Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Các FTA này được đánh giá đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tận dụng hiệu quả các FTA
Theo Bộ Công Thương, việc tận dụng, khai thác các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là khá tốt. Cụ thể, tất cả các thị trường có FTA của ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định như Chi-lê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm).
Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu. Năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,85 tỷ USD, tăng 14,4%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,8 tỷ USD, tăng 11,7%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 23,1%.
Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA, cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,4%.
Để có được kết quả này, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA. Trong đó, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu như chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) càng ngày càng được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; tổ chức thực hiện việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet, đẩy mạnh tự chứng nhận xuất xứ.
Khai thác tối đa lợi thế từ CPTPP
Hiểu được tầm quan trọng của Hiệp định CPTPP, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện CPTPP. Bộ Công Thương đã chủ trì việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Hiệp định CPTPP, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định các đầu mối thực thi Hiệp định CPTPP và Quyết định của Bộ Công Thương về ban hành Kế hoạch thực thi CPTPP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trình Thủ tướng về tình hình xây dựng Kế hoạch thực thi CPTPP của các Bộ, ngành và địa phương.
Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ, ban ngành để hoàn thiện bộ hồ sơ dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019. Bộ Công Thương cũng đã ban hành 2 Thông tư quan trọng liên quan đến quy tắc xuất xứ trong CPTPP và xuất khẩu dệt may sang Mê-hi-cô để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp Nghị định và Thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh và phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện Hiệp định CPTPP.
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng C/O CPTPP được cấp là 8.265 bộ với trị giá 188,4 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 18,93 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,44% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Bộ Công Thương đã tổ chức một loạt các hội nghị, hội thảo phổ biến về Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tại một số cụm tỉnh, thành địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng và Hải Phòng. Đồng thời, nâng cấp toàn bộ cấu trúc và nội dung của chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/ để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước.
Riêng với thị trường Australia, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Australia về một số nội dung liên quan đến Hiệp định CPTPP. Phía Australia đã đồng ý hỗ trợ một số hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, trong đó có việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal). Đây là một cổng thông tin điện tử chính thức từ phía Bộ Công Thương để cung cấp thông tin về các FTA mà trước mắt là Hiệp định CPTPP một cách chính thống, hiệu quả và kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tiếp tục phát huy lợi thế từ các FTA
Để tận dụng tốt được các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập và các FTA này, Bộ Công Thương đã và đang tham mưu với Chính phủ và chủ động cùng các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP. Trong thời gian tới, cần tiếp tục làm sao đồng bộ hóa khung pháp luật, tức là bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa toàn bộ hệ thống pháp luật kinh tế của ta ngày càng phù hợp hơn với triết lý "mở" của hội nhập, từ đó đem lại tác động cùng chiều và giúp ta gia tăng năng lực để nắm bắt các cơ hội do hội nhập đem lại.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyên truyền phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng dưới nhiều hình thức khác nhau như hội nghị, hội thảo, tập huấn, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí… Nội dung thông tin tuyên truyền cần sâu hơn và thực chất hơn nữa, không chỉ tập trung vào các cam kết trong các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư... mà cả cam kết về các biện pháp phi thuế quan, phòng vệ thương mại.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, nhằm sớm hiệu thực hóa những lợi ích mà Hiệp định mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tiếp tục đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp C/O: tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet.
Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài củng cố, tăng cường công tác thông tin, cung cấp cho doanh nghiệp các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông, thủy sản xuất khẩu; lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…
Nguồn: Baocongthuong.vn