Mặc dù tiêu chí xuất xứ cụ thể có thể khác nhau giữa các mặt hàng, có những quy định chung về xuất xứ hàng hoá và quy trình chứng nhận xuất xứ tại Hiệp định mà hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ khi tham gia vào sân chơi EVFTA. Trong Hiệp định EVFTA, thuỷ sản là một trong những mặt hàng có tiêu chí xuất xứ không phức tạp, nhưng được xem là chặt hơn so với các Hiệp định ASEAN và ASEAN+.
Tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản Tiêu chí xuất xứ đối với thuỷ sản trong Hiệp định EVFTA là xuất xứ thuần tuý (Wholly obtained - WO). Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định. Mặc dù việc chứng minh tiêu chí xuất xứ thuần tuý là tương đối đơn giản hơn so với các tiêu chí như Chuyển đổi mã số hàng hóa hay Hạn mức tối đa nguyên liệu không có xuất xứ, tiêu chí xuất xứ này đối với thủy sản trong EVFTA thực chất lại chặt chẽ hơn so với các Hiệp định ASEAN và ASEAN+ khác khi các Hiệp định này cho phép nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản không có xuất xứ để chế biến sản phẩm xuất khẩu. Cộng gộp xuất xứ trong EVFTA Ngoài sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam, nhà sản xuất, chế biến thủy sản có thể nhập khẩu nguyên liệu thủy sản có xuất xứ từ EU để sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Việc sử dụng nguyên liệu thủy sản của EU trong trường hợp này đáp ứng quy tắc về cộng gộp xuất xứ theo Hiệp định EVFTA.
Hiệp định EVFTA cũng cho phép Việt Nam sử dụng nguyên liệu mực và bạch tuộc từ một nước ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại với EU để sản xuất một số sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa áp dụng cơ chế cộng gộp này do ngoài Việt Nam, Xinh-ga-po là nước ASEAN duy nhất đã ký kết Hiệp định thương mại với EU. Trong khi đó, đây không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu mực và bạch tuộc của Việt Nam.
Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA Đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng từ Việt Nam sang EU, Việt Nam áp dụng hai cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 EUR, nhà xuất khẩu Việt Nam được phép tự chứng nhận xuất xứ mà không cần đăng ký. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, nhà xuất khẩu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 tại các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền.
Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể là hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác (như phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói) có đủ thông tin về hàng hóa và phải thể hiện nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa. Khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần lưu ý chế độ báo cáo.
Theo đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và các chứng từ liên quan trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (eCoSys). Với lô hàng không vượt quá 6.000 EUR, thay vì tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp vẫn có thể để nghị được cấp C/O mẫu EUR.1 cho lô hàng. C/O mẫu EUR.1 được cấp tại thời điểm xuất khẩu hàng hóa hoặc không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày này. Nếu được cấp sau thời gian này, C/O mẫu EUR.1 được coi là cấp sau và phải thể hiện dòng chữ “Issued Retrospectively” trên C/O. Trong trường hợp C/O bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu có thể đề nghị cấp lại C/O mẫu EUR.1 và thể hiện cụm từ “Duplicate” trên C/O.
Đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và thủy sản nói riêng từ EU và Việt Nam, EU áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, không áp dụng cơ chế cấp C/O. Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 EUR, nhà xuất khẩu EU được phép tự chứng nhận xuất xứ mà không cần đăng ký. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, nhà xuất khẩu EU tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX của EU (được cấp mã số tự chứng nhận xuất xứ REX). Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (bao gồm chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và C/O mẫu EUR.1) có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành và phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1
Hiện nay, Việt Nam có 20 cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1, bao gồm Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước. Doanh nghiệp thủy sản có thể đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 tại cơ quan, tổ chức cấp gần nhất. Để được cấp C/O mẫu EUR.1, trước hết doanh nghiệp cần đăng ký hồ sơ thương nhân (nếu chưa có hồ sơ thương nhân tại cơ quan, tổ chức cấp). Hồ sơ thương nhân bao gồm: Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp C/O và C/O và mẫu con dấu của thương nhân; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Danh mục cơ sở sản xuất hàng hóa. Hồ sơ thương nhân có thể được nộp điện tử tại địa chỉ www.ecosy.gov.vn hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1.
Về quy trình khai báo và đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1, doanh nghiệp cần khai báo hồ sơ đề nghị cấp C/O trên eCoSys tại địa chỉ www.ecosy.gov.vn. Hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 có thể nộp qua ba hình thức: hồ sơ điện tử đăng tải tại Hệ thống eCoSys; hồ sơ giấy nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp hoặc hồ sơ giấy gửi qua đường bưu điện. Với cả ba hình thức nộp hồ sơ, trả kết quả cấp C/O mẫu EUR.1 đều dưới dạng bản giấy. Thời gian trả kết quả cấp C/O mẫu EUR.1 từ 8 đến 24 giờ làm việc tùy vào hình thức nộp hồ sơ.
Để hiểu thêm về quy trình và thủ tục cấp C/O nói chung cũng như C/O mẫu EUR.1 nói riêng, doanh nghiệp có thể tham khảo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Hàng hóa không thay đổi xuất xứ Thông thường, hàng hóa được coi là không thay đổi xuất xứ khi được vận chuyển trực tiếp và liên tục từ Việt Nam sang EU hoặc ngược lại. Nếu hàng hóa có xuất xứ được xuất khẩu từ Việt Nam sang một nước thứ ba ngoài Hiệp định EVFTA sau đó được tái xuất sang EU thì sẽ không được coi là có xuất xứ trừ khi chứng minh được hàng hóa tái xuất đó chính là hàng hóa đã được xuất khẩu từ Việt Nam đi và không trải qua công đoạn vượt quá công đoạn cần thiết để bảo quan hàng hóa trong điều kiện tốt khi lưu kho tại nước không phải thành viên EVFTA.
Trong quá trình quá cảnh tại nước thứ ba ngoài Hiệp định, hàng hóa được phép lưu kho hoặc được phép chia nhỏ lô hàng với điều kiện nằm trong sự giám sát của cơ quan hải quan nước quá cảnh. Ngoài CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-lê, EVFTA là Hiệp định thứ ba của Việt Nam có điều khoản cho phép chia nhỏ lô hàng ở nước thứ ba không phải là thành viên Hiệp định.
Hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU Theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu.
Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1 hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sẽ được phát hành sau theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 (5), Nghị định thư 1, Hiệp định EVFTA. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A, đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định.
Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp sau C/O mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại công văn số 1056/XNK-XXHH ngày 22 tháng 9 năm 2020, đối với lô hàng xuất khẩu tối đa 24 tháng trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 01 tháng 8 năm 2020), các cơ quan, tổ chức cấp C/O vẫn có thể xem xét cấp sau C/O mẫu EUR.1 dựa trên đề nghị của doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần kê khai đầy đủ và có chứng từ để chứng minh các thông tin sau: tên phương tiện vận chuyển, số chuyến hoặc số hiệu chuyến bay và ngày khởi hành; số hiệu công-te-nơ và niêm phong (nếu có).
Hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa nhập khẩu từ EU vào Việt Nam
Đối với hàng hóa từ EU nhập khẩu vào Việt Nam, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan được quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải được nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP Theo quy định tại Phụ lục 2-A, Phần A, điểm 3 của Hiệp định EVFTA, ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam theo cơ chế GSP sẽ được cố định và duy trì trong 7 năm đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó.
Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả thủy sản, xuất khẩu sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Để hiểu rõ hơn các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp có thể tham khảo Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
Tác giả: An Bình tổng hợp
Cục Xuất nhập khẩu
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương