Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong số ít Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng, tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine…, những động thái tích cực trên càng cho thấy rõ hơn những đóng góp của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cơ quan hữu quan, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng. Xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống; cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan, bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện...
Do đó, hội thảo nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện Hiệp định đối với Việt Nam, nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; đồng thời đề xuất những khuyến nghị để thực thi có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1- "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU), quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu"; Phiên 2- "Thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội".
Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam, Tiến sỹ Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, sau hai năm thực hiện, nhiều cam kết của Hiệp định đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn lại 2 năm thực thi, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó những thách thức về khả năng tận dụng các ưu đãi trong cam kết mở cửa thị trường của EU, về gia tăng lừa đảo thương mại trong môi trường kinh tế số, về các biện pháp phòng vệ thương mại EU áp đặt đối với Việt Nam cũng như môi trường an ninh thế giới đang có những biến động khó lường.
"Nhìn chung, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam", Tiến sỹ Hoàng Xuân Trung nhấn mạnh.
Phân tích tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đối với quan hệ kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Tiến sĩ, Luật gia, Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu cho rằng, hơn hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp những thách thức do: Trình độ phát triển về khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp hơn Cộng hòa Séc; những tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn có những khác biệt so với tiêu chuẩn của Cộng hòa Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm mới để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung như: quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên; kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương hay những vấn đề xã hội phát sinh; đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong thời gian tới...
Nguồn:Diệu Thúy (TTXVN)