menu search
Đóng menu
Đóng

EUDR và những vấn đề đặt ra cho cà phê Việt Nam

10:54 26/08/2024

Những năm gần đây, trong 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam có đến 5 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)- thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Việc tuân thủ quy định chống phá rừng (The European Union Deforestation Regulation - EUDR) là rất quan trọng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với các hộ nông dân nhỏ.
 
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi EUDR có hiệu lực từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong chuỗi cung ứng cà phê. Các chuỗi cung ứng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt là vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.
Thách thức về truy xuất nguồn gốc với ngành hàng cà phê Việt Nam khi áp dụng EUDR
Quy định EUDR yêu cầu 100% sản phẩm cà phê vào châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, phải có tọa độ/polygon GPS của từng vườn sản xuất. Dựa trên các công cụ giám sát, nếu phát hiện có tình trạng mất/suy thoái rừng, thì lô hàng đó sẽ phải đối mặt với việc thu hồi, hoàn trả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc. Song việc truy xuất nguồn gốc đến tận vườn nhỏ của từng nông hộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. EU là thị trường lớn, nếu không thực hiện tốt EUDR sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Ngoài ra, để đáp ứng các quy định của EUDR, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam cần phải gia tăng mức đầu tư để thực hiện các phương pháp sản xuất bền vững, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất, quản lý dữ liệu vườn trồng, cũng như thực hiện các hoạt động giám sát và giảm thiểu rủi ro... Điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường xuất khẩu, ông Bùi Đức Hào- Điều phối viên Chương trình Cảnh quan và Cà phê tại khu vực Tây Nguyên (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IDH) chia sẻ thêm.
Cơ hội nâng cao thị phần cà phê tại EU khi áp dụng quy định EUDR
Để xuất khẩu cà phê sang thị trường EU, thì việc áp dụng quy định EUDR là điều kiện bắt buộc, cà phê vào thị trường EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Dựa trên đó xác nhận về quy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám, không có trường hợp miễn trừ. Nếu thực hiện tốt quy định thì đây là cơ hội để nâng thị phần cà phê và giá trị tại EU, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê Việt Nam với môi trường.
Nếu thực hiện theo quy định EUDR thì đây là cơ hội lớn để mở rộng vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ, đây là bước đệm quan trọng để nâng cao chất lượng cà phê và mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Hộ nông dân đơn lẻ chỉ có thể tham gia các HTX thì sẽ thuận lợi trong đáp ứng các quy định khắt khe trong EUDR
Một điều có thể nhận ra là đối với quy định EUDR, để có thể truy xuất được nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt khi sản xuất trên đất rừng, bắt buộc người sản xuất phải sản xuất theo quy trình có chứng nhận và theo chuỗi giá trị hàng hóa. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng hộ nông dân đơn lẻ chỉ có thể tham gia các hợp tác xã (HTX) thì mới thuận lợi trong đáp ứng các quy định khắt khe trong EUDR và tuân thủ pháp luật của chính quốc gia đó.
Đây là phương án tối ưu để phát huy vai trò của nông dân trong liên kết để xây dựng và thực hiện chuỗi giá trị hàng hóa, qua đó họ có thể tham gia trực tiếp hơn vào chuỗi cung ứng. Điều này bảo đảm sự công bằng về giá cả cho họ vì khi làm thành viên HTX và thực hiện đóng góp vốn, chắc chắn họ sẽ được hưởng những lợi thế trong thu mua so với những nông hộ nằm ngoài HTX.
Và HTX là một đơn vị kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân, có nội quy, quy định rõ ràng trong sản xuất. Điều này sẽ giúp phát triển một chuỗi giá trị có khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch hơn, từ đó có thể hỗ trợ chính những nông dân này tiếp cận những thị trường mới và tập trung hơn vào sản xuất sản phẩm theo hướng bền vững.
Khi hộ cá thể vào HTX và chú trọng vào sản xuất bền vững, họ có thể hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực thông qua quá trình làm việc và trao đổi thông tin với các đối tác kinh doanh.

Nguồn:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số