Về phía nguồn cung, sản lượng từ các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới nhờ việc mở rộng hoặc khai thác các mỏ mới và hiện có. Bên cạnh đó, nguồn cung mới từ các khu vực biên giới cũng sẽ góp phần duy trì lượng tồn kho hiện có trên thị trường toàn cầu.
Moody’s nhận định rằng nếu giá giảm xuống dưới 80 USD/tấn, các nhà sản xuất lớn vẫn sẽ duy trì hoạt động có lãi nhờ chi phí sản xuất thấp, qua đó giữ cho nguồn cung ổn định và hạn chế biến động mạnh về giá.
Trong khi đó, các nhà sản xuất có chi phí cao hơn sẽ buộc phải rút lui khỏi thị trường, khiến nguồn cung suy giảm. Tuy nhiên, điều này có thể được bù đắp bởi nguồn cung mới với từ Châu Phi với chi phí cạnh tranh, làm giảm áp lực giá trên thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án khai thác ở Châu Phi, như mỏ Simandou tại Guinea – dự kiến cung cấp thêm khoảng 120 triệu tấn quặng chất lượng cao mỗi năm – được đánh giá là yếu tố có thể làm thay đổi cục diện thương mại quặng sắt toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu vẫn còn yếu, chủ yếu do hoạt động sản xuất toàn cầu tiếp tục trì trệ. Moody’s lưu ý rằng lĩnh vực bất động sản tại nhiều thị trường lớn vẫn trầm lắng, ảnh hưởng đến nhu cầu thép tại các khu vực trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.
Báo cáo cảnh báo rằng xu hướng suy giảm trong sản xuất thép sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu quặng sắt, nhất là khi Trung Quốc chiếm tới hơn hai phần ba lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.
Sự kết hợp của các yếu tố – nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào – sẽ khiến giá quặng sắt khó có biến động mạnh. Do đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các nhà sản xuất lớn sẽ bị hạn chế trong giai đoạn dự báo.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Africaleader