menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng chiều ngày 14/12/2022 tăng trở lại

16:12 14/12/2022

Giá vàng thế giới hôm nay tăng mạnh khi lạm phát của Mỹ hạ nhiệt; giá vàng trong nước cũng tăng, SJC lên mức 67,02 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 16h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 66,90 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,05 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng) - bán ra 66,90 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,20 triệu đồng/lượng - bán ra 67,02 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.809 – 1.811 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 14/12 giao dịch quanh ngưỡng 1.809 – 1.811 USD/ounce, tăng 29 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay tăng mạnh khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát “hạ nhiệt”. Cụ thể, theo báo cáo của bộ này, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,1% trong tháng trước sau khi tăng 0,4% trong tháng 10. Dữ liệu này yếu hơn đáng kể so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,3%.
Cũng theo báo cáo, lạm phát đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 7,3%. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 12/2021. Nếu loại bỏ giá năng lượng và lương thực dễ biến động, CPI cốt lõi đã tăng 0,2%, so với mức tăng 0,3% của tháng 10. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng 0,3%.
Vàng đang được hưởng lợi khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm khi phản ứng với dữ liệu lạm phát. Các nhà kinh tế lưu ý rằng việc giảm giá tiêu dùng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, các nhà giao dịch và nhà đầu tư sẽ phải vượt qua hàng loạt cuộc họp về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.
Hiện tại, mọi sự tập trung đều đổ dồn vào cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2022 của Fed. Theo dự báo, Fed có khả năng sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất của mình với động thái 50 điểm cơ bản, đẩy lãi suất Quỹ Fed từ 4,25% lên 4,5%. Tuy nhiên, các nhà phân tích hàng hóa đã nói rằng vàng sẽ rất nhạy cảm với các dự báo lãi suất của ngân hàng trung ương. Vào tháng 9, ngân hàng đã dự báo lãi suất cuối cùng ở khoảng 4,6%, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng cao hơn trong bản cập nhật mới nhất này.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Avery Shenfeld tại CIBC nói rằng ông dự báo lãi suất cuối của Quỹ Fed sẽ ở mức 5%. Đồng thời, Shenfeld cảnh báo rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng có thể sẽ duy trì giọng điệu “diều hâu” tại cuộc họp này. Ông nói rằng, ông Powell có thể sẽ nhấn mạnh trước báo chí rằng, trái ngược với những gì thị trường đang định giá, các ngân hàng trung ương sẽ cần duy trì lập trường chặt chẽ hơn trong suốt năm 2023 để đạt được mục tiêu “hạ nhiệt” lạm phát trong năm 2024.
Đối với thị trường vàng, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng lãi suất cuối trên 5% có thể tạo ra một số áp lực. Công cụ CME FedWatch cho thấy các thị trường dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh từ 5 % đến 5,25% trong nửa đầu năm tới. Mặc dù vàng có thể gặp một số áp lực bán, nhưng một ý kiến cho rằng bất kỳ sự sụt giảm nào cũng có thể là cơ hội mua. Mặc dù Fed có khả năng tăng lãi suất, nhưng các đợt tăng lãi suất sẽ kết thúc khi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.
Sau cuộc họp của Fed, trọng tâm sẽ nhanh chóng chuyển sang cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng BOE và ECB sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên lần lượt 3,5% và 2,5%.
Ngoài Fed, quyết định của ECB dự báo cũng sẽ có tác động đến giá vàng. Các nhà phân tích đã nói rằng có khả năng Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ có giọng điệu diều hâu hơn dự kiến, điều này sẽ làm suy yếu đồng USD so với đồng euro. Đồng USD yếu hơn sẽ hỗ trợ giá vàng.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA nói với Kitco News, giá vàng có thể giảm trong ngắn hạn và sớm quay trở lại mức giá cao. Nhiều nhà phân tích khác thì cho biết việc giảm tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa hẳn sẽ khiến cơ quan này xoay trục khỏi kế hoạch của mình. Thêm vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo, lãi suất có thể phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài.
Xu hướng giá vàng: Ngân hàng ANZ nhận định Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, dù các quan chức Fed nói rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng. Lạm phát giảm có thể rút ngắn thời gian tăng lãi suất hơn so với dự kiến. Lãi suất giảm có xu hướng thúc đẩy giá vàng, khi làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, chuyên gia này nói rằng, các nhà đầu tư có vàng trong danh mục đầu tư của họ trong năm 2022 sẽ nhận được lợi nhuận tốt hơn, ít thua lỗ hơn và ít biến động hơn". Còn Hội đồng Vàng thế giới kỳ vọng giá vàng sẽ tương đối ổn định vào năm 2023 trước những bất ổn kinh tế nghiêm trọng.
Mặc dù tâm lý đang thay đổi trên thị trường vàng, nhưng vẫn còn một trở ngại cuối cùng mà kim loại quý này cần vượt qua là cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed trong năm 2022. Nhiều ý kiến dự báo, Fed sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách tiền tệ với mức tăng 50 điểm cơ bản.
Vào tháng 9, Fed đã dự báo lãi suất Quỹ Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 4,6% vào năm 2023. Tuy nhiên, những dự báo đó dự kiến sẽ tiến gần hơn, nếu không muốn nói là cao hơn mức 5%. Nếu lãi suất cuối kỳ thực sự vượt quá 5%, thì giá vàng có thể gặp một số trở ngại mới khi đồng USD tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng hành động tích cực hơn nữa từ Fed sẽ chỉ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái kéo dài sâu hơn và điều này sẽ hỗ trợ vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng cũng làm gia tăng sự quan tâm đối với kim loại quý này. Thứ 4 tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo đã mua 32 tấn vàng trong tháng 11, lần đầu tiên họ tăng dự trữ chính thức kể từ tháng 9/2019.

Nguồn:Vinanet/VITIC