Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 61,80 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 62,42 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 61,65 triệu đồng/lượng - bán ra 62,25 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 61,73 triệu đồng/lượng (giảm 120.000 đồng/lượng) - bán ra 62,40 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 61,70 triệu đồng/lượng - bán ra 62,30 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng thế giới 1.815 – 1.821 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 27/1 giao dịch quanh ngưỡng 1.815 - 1.821 USD/ounce, giảm 29- 30 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng đã giảm sau tuyên bố của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2022 vào ngày 26/1/2022 theo giờ địa phương. Khép lại cuộc họp, FOMC đã giữ nguyên lãi suất cơ bản từ 0%-0,25%, mức được thiết lập vào tháng 3/2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Fed cũng dự kiến sẽ sớm tăng lãi suất phù hợp với thực tế, đồng thời sẽ giảm mua tài sản như kế hoạch. Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed ông Powell cho rằng đà phục hồi của kinh tế Mỹ đủ mạnh để “gồng gánh” chi phí đi vay cao hơn. Theo ông Powell, có nhiều dư địa để tăng lãi suất mà không đe dọa đến thị trường lao động, đồng thời lưu ý Fed cũng có kế hoạch sớm bắt đầu giảm lượng nắm giữ trái phiếu của cơ quan này.
Giá vàng thế giới đi ngang trong khoảng 1.845-1.850 USD/ounce. Lúc 22h15 đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới là 1.847,50 USD, giảm nhẹ 1,40 USD (0,08%).
Thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế mới khá tích cực của Mỹ với doanh số bán nhà mới tháng 1 của nước này đã tăng 11,9%, mạnh hơn dự kiến.Tuy nhiên thị trường vàng gần như không phản ứng với dữ liệu này khi đón chờ thông tin từ cuộc họp hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc vào chiều thứ Tư theo giờ địa phương với một tuyên bố và cuộc họp báo từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Theo Kitco News, giá vàng hôm nay giảm khi đồng USD mạnh hơn và lợi tức kho bạc tăng trở lại sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell với việc ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất vào tháng 3/2022.
Tại cuộc họp báo sau khi công bố chính sách mới nhất của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả tình hình lạm phát hiện tại là "tồi tệ hơn một chút" so với tháng 12/2021, nói rằng có nhiều dư địa để tăng lãi suất mà không làm ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Fed sẽ tăng lãi suất vào ngày 15-16/3.
Ông Tai Wong - nhà kinh doanh kim loại quý độc lập có trụ sở tại New York nói: “Các bình luận ‘diều hâu’ của Powell nhấn mạnh sức mạnh của nền kinh tế và lưu ý rằng bảng cân đối kế toán của Fed quá lớn và cần được thu hẹp, đã gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu và đồng USD cao hơn, điều này đã gây áp lực cho vàng xuống mức thấp”. Việc tăng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lãi. Trong khi nhu cầu vàng vật chất vẫn mạnh, các bình luận diều hâu của Powell dường như đã đặt giới hạn vàng vào khoảng 1.850 USD trong ngắn hạn.
Trước khi cuộc họp của Fed kết thúc, cũng trong phiên giao dịch 26/1, giá vàng giữ gần mức cao nhất trong 10 tuần khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn ở kim loại quý trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Đồng USD mạnh hơn cũng đã đè nặng lên vàng trước các tín hiệu tăng lãi suất từ Fed.
Nhà phân tích Han Tan của Extinity cho biết: “Khả năng phục hồi muộn của vàng được thiết lập bởi các tín hiệu chính sách mới nhất của Ủy ban Thị trường mở của Fed ngày 26/1”.
Các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Nhiều chuyên gia theo dõi thị trường tin rằng Fed sẽ thực hiện tới 5 lần tăng lãi suất trong năm nay.
Theo Ông Han Tan, nếu Fed thắt chặt chính sách nhanh hơn dự đoán để kiềm chế lạm phát, bất kỳ sự gia tăng nào sau đó của lợi tức trái phiếu kho bạc có thể buộc vàng quay đầu giảm, thậm chí trở lại mức 1.800 USD/ounce”.
Việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời, nhưng vàng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn do căng thẳng đang diễn ra trên biên giới Nga-Ukraine và sự biến động của thị trường.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis cho biết, việc vàng không có sự bứt phá bền vững hơn có thể là do hai yếu tố: Khả năng tăng lãi suất và mức quan trọng về mặt tâm lý là 1.850 USD/ounce.
Phản ánh tâm lý của nhà đầu tư đối với kim loại quý, lượng vàng trong quỹ giao dịch lớn nhất thế giới SPDR Gold Trustn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng, với mức tăng khoảng 0,5% lên 1.013,10 tấn tính đến ngày 25/1.
Các thị trường hiện khá mong đợi một thông điệp “diều hâu” từ Fed: 4 lần tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ có thể gây bất ngờ với một thông điệp ôn hòa hơn. Nhìn chung, lãi suất thấp hơn và tiền được bơm ra nhiều hơn là điều tốt cho vàng – nhưng thời điểm này có thể khác. Nguyên nhân là do tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Nếu Fed ôn hòa, các nhà đầu tư có thể đổ xô vào cổ phiếu và bán trái phiếu. Điều đó có nghĩa là lợi suất trái phiếu cao hơn, và do đó vàng giảm.
Kim loại quý có thể giảm xuống đường hỗ trợ đầu tiên ở mức 1.830 USD và sau đó là 1.806 USD. Áp lực bán sẽ dễ xuất hiện tại vùng kháng cự 1.854 USD và 1.870 USD. Trước đó, chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX nhận định giá vàng sẽ được hỗ trợ nếu Fed không tung ra thị trường bất cứ thông tin gì mới.
Mặc dù vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát và rủi ro địa chính trị, song việc Fed tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này.
Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng việc Fed tăng lãi suất có thể làm trì hoãn đà phục hồi của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách đề phòng rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài.
Đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đã chạm mức thấp nhất trong bảy tháng. Tâm điểm thị trường thời điểm này vẫn là căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine. Các đồng minh NATO đã gửi vũ khí đến Ukraine và đặt quân đội NATO, bao gồm 8.500 lính Mỹ, trong tình trạng báo động cao hơn. Với đà diễn biến này, nhiều người cho rằng vấn đề đang diễn ra theo hướng khó có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) hôm thứ Tư theo giờ địa phương đã giữ lãi suất ổn định 0,25%, thay vì đồn đoán sẽ tăng lãi suất vào tháng Giêng như trước đó. Vàng được định giá bằng đô la Canada đã đảo chiều tăng mạnh. Tuy nhiên, BoC cũng dọn đường cho một đợt tăng lãi suất tiềm năng vào tháng Ba tới.
Khi thảo luận về lạm phát, BoC cho biết họ dự kiến áp lực giá cả sẽ tiếp tục tăng ở mức khoảng 5% trong nửa đầu năm nay nhưng sau đó sẽ quay trở lại 3% vào nửa cuối năm 2022.
Trước đó, tháng 12, tỷ lệ lạm phát của Canada đã lên cao nhất trong 30 năm với chỉ số giá tiêu dùng tăng lên 4,8%.
Nhận định xu hướng: Phiên đêm qua, các thị trường đều nhích nhẹ: Giá dầu thô tăng lên 86,50 USD/thùng; Chỉ số đô la Mỹ cao hơn và lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 tăng nhẹ lên 1,785%. Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 2 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn vững chắc trong bối cảnh xu hướng tăng giá kéo dài 5 tuần trên biểu đồ ngày.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc cũng là mức giá cao nhất của tháng 11 là 1.881,90 USD. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.800 USD.
Nguồn:Vinanet/VITIC