Ngày 03/12, chính quyền tỉnh Sơn Tây đã dự tính kế hoạch cung cấp than trong dịp cận Tết Dương lịch và Lễ hội mùa Xuân. Theo đó, sản lượng than trung bình ngày dự kiến ở mức 3,3 triệu tấn. Sản lượng than hàng tháng của tỉnh Sơn Tây vẫn đạt trên 100 triệu tấn từ tháng 7 và dự kiến sẽ vượt 1,2 tỷ tấn trong năm 2021.
Kể từ tháng 9, giá than của Trung Quốc đã liên tục tăng, nhiều lần đạt mức cao kỷ lục. Là khu vực sản xuất than lớn, tỉnh Sơn Tây đã tích cực thực hiện các chính sách quốc gia liên quan để thúc đẩy thị trường than và đưa giá than giảm về mức hợp lý. Gần đây, giá than nhiệt 5.500 kcal ở tỉnh Sơn Tây đã hạ xuống dưới 900 NDT/tấn.
Tỉnh Sơn Tây coi năng lực sản xuất than là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy sản lượng và đảm bảo nguồn cung. Từ đầu năm tới nay, 104 mỏ than của tỉnh đã thực hiện nâng công suất. Trong đó, 35 mỏ than được phê duyệt với công suất thực tăng là 47 triệu tấn mỗi năm; 33 mỏ than khác đã được kiểm tra và đang trong thời gian điều chỉnh, dự kiến, công suất sẽ tăng thêm 27,8 triệu tấn/năm sau khi được phê duyệt. Số mỏ than còn lại đang trong quá trình kiểm tra.
Trong tháng 11, nước này đã nhập khẩu hơn 35 triệu tấn than, tăng 23,3 triệu tấn (200%) so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá nhập khẩu trung bình khoảng 109 USD/tấn, tăng 35 USD so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 292 triệu tấn than, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, 10 tháng đầu năm, doanh thu của 4334 doanh nghiệp than trong phạm vi được chỉ định đạt 2.525 tỷ NDT, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tăng hơn 210% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 543 tỷ NDT.
Tuần này, giá than cốc luyện kim của Trung Quốc vẫn ổn định. Giá than cốc xuất xưởng ở Sơn Đông ổn định ở mức 2.920 – 3.020 NDT/tấn. Lợi nhuận của các nhà máy thép cũng phục hồi tốt hơn khi giá thép hồi phục. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá than luyện kim của Trung Quốc sẽ tiếp tục ổn định trong nửa đầu tháng 12 và điều này sẽ giúp các thị trường liên quan bình ổn trở lại sau giai đoạn biến động lớn hồi giữa năm.
Thị trường sắt thép phục hồi trong nhiều nỗi lo
Cùng diễn biến với giá than, quặng sắt cũng duy trì diễn biến tích cực từ tuần trước và đặc biệt tăng mạnh vào tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4% vào ngày 06/12. Đồng thời, chính phủ cũng đề xuất việc thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại.
Chỉ số MXV-Index Kim loại (một trong 4 bộ chỉ số hàng hóa của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam) cũng tăng gần 1% lên mức 1.843 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch các mặt hàng kim loại đã tăng gấp đôi trong quý IV lên mức 1.300 tỷ đồng/ngày, theo số liệu từ Trung tâm Thanh toán Bù trừ của MXV.
rên Sở Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng kỳ hạn tháng 5/2022 đang được giao dịch nhiều nhất cũng tăng gần 10% từ đầu tháng, hiện ở mức 606 NDT, tương đương 95,5 USD/tấn.
Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá thị trường hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng việc tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ phục hồi ở một mức độ nào đó, với diễn biến tích cực về nhu cầu quặng sắt. Tuy nhiên, các lô hàng quặng sắt ở Brazil và Australia đang tăng lên, do đó giá quặng nhập khẩu giai đoạn cuối năm và cận Tết có thể điều chỉnh đáng kể. Và mặc dù tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhưng các nhà máy thép vẫn thận trọng với việc thu mua quặng sắt trong bối cảnh sản lượng thép thô bị hạn chế.
Tuần trước, tổng khối lượng quặng sắt từ Australia và Brazil cập cảng Trung Quốc là 26 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với tuần trước nữa. Tháng 11, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 104,9 triệu tấn. Giá nhập khẩu trung bình là 114,5 USD/tấn, giảm 23 USD so với tháng 10, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan.
Tính đến ngày 02/12, tồn kho quặng sắt đạt 155,4 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với ngày 25/11 và cao hơn 36% so với mức thấp nhất hồi giữa năm. Theo MXV, dự trữ quặng sắt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và triển vọng quặng sắt nhập khẩu Fe 62% ngắn hạn ở mức 95-110 USD/tấn.
Ngày 07/12, Hiệp hội thép Trung Quốc nhận định quốc gia này sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất thép trong năm tới và điều này có thể khiến nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc giảm khoảng 100 triệu tấn. Do đó, MXV cho rằng thị trường sẽ khó quan sát thấy những đợt tăng giá mạnh của quặng sắt như trước đây vào năm sau.
Trên thị trường thép thành phẩm, giá tạm ngừng giảm và hồi phục nhẹ từ tuần cuối tháng 11. Đặc biệt, mảng thép xây dựng có triển vọng tăng giá tốt hơn khi nhu cầu từ các ngành công nghiệp hạ nguồn đang phục hồi dần, chính phủ đẩy mạnh phát hành trái phiếu đặc biệt và bất động sản được tạo điều kiện phát triển.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 4,3 triệu tấn thép trong tháng 11, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Chiều ngược lại, nhập khẩu thép khoảng 1,4 triệu tấn, thấp hơn 23% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thép lên tới gần 62 triệu tấn, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhập khẩu thép thấp hơn 29,6%, đạt hơn 13,2 triệu tấn.
Nguồn:Thương Nguyễn/Nhịp sống kinh tế