Trong thông điệp gửi tới các nhà xuất khẩu thép, CISA nói rằng các thương nhân nên "tích cực điều chỉnh chiến lược xuất khẩu của mình và có ý thức giảm tổng sản lượng xuất khẩu" để đảm bảo nguồn cung trong nước và giảm tiêu thụ năng lượng.
Trong một thông báo trên trang web của mình, Hiệp hội viết rằng các công ty xuất khẩu phải chống lại sự cám dỗ về lợi nhuận dựa vào khối lượng xuất khẩu và giá quốc tế cao để tập trung vào các sản phẩm cao cấp, ít xuất khẩu hoặc không xuất khẩu các sản phẩm thông thường.
Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu 43,05 triệu tấn các sản phẩm thép, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá trên thị trường quốc tế tăng cao và nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài đã thúc đẩy các nhà sản xuất thép Trung Quốc tăng sản lượng và tăng xuất khẩu mặc dù Bắc Kinh đã điều chỉnh thuế thép hai lần trong năm nay và loại bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu đối với khoảng 170 sản phẩm thép.
|
Hình ảnh minh họa |
Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục các nhà máy thép hạn chế sản xuất để giảm ô nhiễm, với sản lượng giảm trong tháng 7, báo hiệu rằng các biện pháp này bắt đầu có hiệu lực. Một số nhà sản xuất lớn đã thu xếp để cắt giảm nguồn cung, trong khi công ty khai thác quặng khổng lồ BHP tuần này cho biết có thể xu hướng “thắt lưng buộc bụng” sẽ ngày càng chặt chẽ hơn nữa trong những tháng còn lại của năm nay.
Fitch Solutions cho biết: “Giá thép trên toàn cầu đã bắt đầu hạ nhiệt như chúng tôi dự đoán và chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều đợt giảm giá hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2021 và 2022 khi nhu cầu của Trung Quốc từ lĩnh vực xây dựng suy yếu”.
Được biết, Bắc Kinh tuyên bố sẽ giữ sản lượng thép thô năm nay bằng hoặc thấp hơn mức kỷ lục 1,065 tỷ tấn của năm 2020 để thực hiện lộ trình giảm phát thải carbon từ lĩnh vực sắt thép.
Sản lượng thép và tiêu thụ quặng sắt của Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự báo sẽ giảm do Chính phủ nước này nỗ lực hạn chế ô nhiễm mỗi trường.
Tiêu thụ thép của nước này dự báo cũng sẽ chậm lại, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, thông tin từ Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc và các nhà phân tích cho biết.
Theo CITIC Securities: “Về logic, khi nhu cầu yếu đi thì việc hạn chế sản xuất thép sẽ chặt chẽ hơn”, và "Với giả định nhu cầu hạ nhiệt, việc tăng giá thép sẽ được hạn chế ... nhưng áp lực lên quặng sắt là rất lớn."
Trong khi đó, nhà phân tích của Tianfeng Futures, Li Wentao, cho rằng nguồn cung quặng sắt dự kiến sẽ tăng từ tất cả các nguồn: các công ty khai thác trong nước, Brazil và nhiều quốc gia khác. Ông Li cho rằng, với tình trạng tồn kho quặng sắt ở các nhà máy thép hiện tương đối thấp, có thể các nhà máy sẽ có nhu cầu mua dự trữ trong những tháng tới.
So với mức cao kỷ lục lịch sử cách đây chỉ ba tháng, giá quặng sắt hiện đã mất khoảng 40%.
Ole Hansen, giám đốc điều hành phụ trách chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo cho biết: “Quặng sắt vẫn là mặt hàng có liên quan nhiều tới Trung Quốc, do đó khi hoạt động kinh tế của nước này chậm lại, virus lây lan nhanh và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, quặng sắt sẽ bị tác động đầu tiên”.
Nguồn:VITIC / Reuters, Bloomberg