Chốt phiên giao dịch ngày 11/2, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn giao dịch Đại Liên Trung giảm mạnh 3,7% xuống còn 1.163 CNY (tương đương 179,25 USD)/tấn. Tính chung cả tuần này, giá quặng sắt giao sau trên sàn DCE đã giảm 1,6%, xác lập tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp.
Giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 9/7 đạt 214,77 USD/tấn, giảm 1,8% so với phiên giao dịch liền trước.
Giá quặng sắt giao sau được xem là mức giá chuẩn đối với quặng sắt trên thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc; trong khi đó, giá quặng sắt CFR tại cảng Thanh Đảo là mức giá chuẩn đối với quặng sắt trên thị trường giao ngay của nước này.
Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất thép trên sàn DCE cũng tiếp tục giảm. Trong đó, giá than luyện cốc giảm 1,1% xuống còn 1.857 CNY/tấn; giá than cốc giảm 1,6% xuống mức 2.495 CNY/tấn.
Thị trường quặng sắt tại Trung Quốc đang chịu áp lực giảm mạnh do lo ngại nhu cầu sử dụng sẽ giảm xuống khi Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động kiểm soát sản xuất thép trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính. Một số nhà máy sản xuất thép lớn tại phía Đông Trung Quốc đã buộc phải ngưng hoạt động một phần sau khi các cơ quan chính quyền nước này tiến hành kiểm tra.
Theo nhận định của hãng tư vấn tài chính SP Angel (Anh), Trung Quốc sẽ cần phải cắt giảm sản lượng ít nhất 50 triệu tấn thép thô trong 6 tháng cuối năm nay nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải carbon của năm 2021.
Dữ liệu của hẫng tư vấn thị trường thép Mysteel (Trung Quốc) cho thấy công suất hoạt động lò cao của 247 nhà máy sản xuất thép trên khắp Trung Quốc tính đến ngày 9/7 đã đạt 86%, cao hơn mức 81% ghi nhận cuối tuần trước; tuy nhiên, mức công suất này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt của 4 hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Vale, Rio Tinto, BHP và Fortescue được dự báo sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay khi các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng quặng sắt được tháo gỡ.
Một số hãng phân tích dự báo thị trường quặng sắt có thể rơi vào tình trạng dư cung trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu sử dụng quặng sắt tại Trung Quốc suy yếu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt hoạt động sản xuất thép có thể khiến giá sản phẩm thép tại nước này tăng lên trong thời gian tới, trái ngược với mục tiêu kiềm chế giá nguyên liệu thô tăng.
Dữ liệu mới nhất cho thấy đà tăng của chỉ số giá xuất xưởng tại Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã chậm lại khi nước này đẩy mạnh việc kiềm chế đà tăng giá hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, giá thép thanh xây dựng giao tháng 10/2021 đã tăng 0,3% lên 5.428 CNY/tấn trong ngày 9/7; giá thép cuộn cán nóng cũng tăng 0,4% lên 5.795 CNY/tấn. Tính chung cả tuần này, giá thép thanh xây dựng và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc đã tăng lần lượt 5,9% và 7%.
Nguồn:VITIC/Reuters