Đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (AFTA) với những thị trường lớn như khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Đặc biệt, tới đây Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Theo đó, hàng ngàn dòng thuế các sản phẩm từ tiêu dùng đến nông, lâm thủy sản sẽ áp thuế suất 0%-5%.
Như vậy hội nhập đã gõ cửa từng doanh nghiệp (DN). Thế nhưng các DN Việt Nam đã sẵn sàng tham gia sân chơi này?
Thua nông dân Thái Lan
“Nói về độ am hiểu thông tin các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà cộng đồng ASEAN ký kết thì DN Việt còn thua cả nông dân Thái Lan” - ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, nhận xét.
Lý do, theo ông Bình, ngay từ khi bắt đầu đàm phán các hiệp định, nông dân Thái đã được thông tin về cơ hội và những tiêu chuẩn khi hội nhập; cách thức nuôi trồng chuyên nghiệp để sản phẩm có thể cạnh tranh. Đồng thời nông dân Thái cũng liên kết chặt chẽ với DN để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngược lại, DN Việt thì rất lơ mơ, mù mờ thông tin.
Bổ sung cho nhận định này, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhìn nhận chưa nói DN, ngay cả nông dân Thái Lan cũng làm ăn rất bài bản, biết quảng bá nông sản, cập nhật những tiêu chuẩn hội nhập để về làm cho đúng.
Ông Xuân dẫn chứng: “Một số hội chợ nông sản thế giới tổ chức ở Thái Lan luôn có nông dân đến tìm hiểu thông tin, khách hàng trong khi DN Việt Nam có khi không thấy tham gia”.
Không biết phải làm gì
Nhiều DN khi được hỏi đều nói họ được tuyên truyền thông tin hội nhập chủ yếu qua các hội nghị, hội thảo và đọc trên báo chí.
Tuy vậy, ông Phạm Đức Bình chia sẻ: “Các DN thường đến nghe diễn giả nói về các vấn đề vĩ mô chung chung khi hội nhập. Thậm chí có chuyên gia khi tôi hỏi có nắm nội dung cụ thể hiệp định mà hai bên đàm phán ký kết không, người này trả lời ông chỉ biết… đại khái và nắm thông tin qua báo chí nước ngoài kết hợp với việc tự tìm thông tin”.
Nhiều DN khác cũng than thở ở đâu cũng nghe mọi người bàn đến hội nhập thông qua hàng loạt hiệp định thương mại nhưng cụ thể như thế nào thì ít người biết nên họ không biết phải làm gì. Hệ quả là DN đứng trước khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản. Ngành chăn nuôi là một ví dụ. Hiện tại các trang trại, DN chăn nuôi đang đuối sức trong việc cạnh tranh với thịt ngoại giá rẻ nhập vào ồ ạt.
Ngay cả những ngành được hưởng nhiều ưu đãi, lợi thế xuất khẩu khi Việt Nam hội nhập các FTA song nhiều DN thủy sản vẫn bức xúc vì không được cung cấp thông tin hiệp định sớm khiến lỡ mất nhiều cơ hội làm ăn.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, dẫn chứng: Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết FTA. Theo đó, đối với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong năm năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế. Đáng tiếc là hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng hạn ngạch nhập khẩu 5.000 tấn tôm/năm mà Hàn Quốc dành cho 10 nước ASEAN.
“Đây thực sự là cơ hội xuất khẩu cho con tôm, vậy mà đến khi hiệp định được ký kết DN mới biết rõ nội dung trên. Nắm thông tin muộn gây bất lợi cho DN Việt. Trong khi Thái Lan với sự chuyên nghiệp trong nuôi trồng, chế biến đã nhanh chân hơn DN Việt Nam một bước, chiếm lĩnh thị trường trước” - ông Lĩnh nói.
Đừng ngồi chờ… sung rụng
Thực tế bản thân các DN cũng thiếu chủ động nắm bắt thông tin về hội nhập. Chẳng hạn như cử người nghiên cứu, học hỏi để chuẩn bị các “hành trang” cần thiết tiếp cận với các hiệp định thương mại.
Đại diện một DN xuất khẩu rau quả thừa nhận: “Cách đây hơn một năm, DN tính xuất khẩu tỏi, ớt, gừng… sang Hàn Quốc nhưng thuế cao nên chuyển sang xuất rau quả khác. Lúc đó có người bạn khuyên nên tìm hiểu về hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc, song tôi lại không quan tâm và cho rằng nó chỉ mang tính ngoại giao. Giờ mới biết là họ ưu đãi rất lớn cho những mặt hàng trên thì mới… tiếc” - vị DN chia sẻ.
Trước thực trạng trên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cần phải đưa đến cho DN những thông tin chính thống, hiệu quả, qua đó giúp DN tìm được những thị trường tin cậy. Ngược lại, các DN cũng phải phát huy vai trò chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay có hàng ngàn đại diện DN từ các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia… đến thăm dò, tìm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
“Họ không chờ Nhà nước mà từ lâu đã chủ động các phương án bán hàng cạnh tranh với các DN Việt” - ông Xuân thông tin.
Khéo léo bảo vệ hàng nội địa
Hội nhập nhưng rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại của các nước đang tạo ra rất lớn để bảo vệ sản xuất lẫn người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, hàng nhập khẩu vẫn đang tràn vào Việt Nam ồ ạt. Do vậy các hàng rào kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ an toàn an ninh quốc gia nên được quan tâm chú trọng.
Tham khảo các vụ kiện chống bán phá giá của các quốc gia phát triển áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể thấy các nước đều vận dụng khá khéo léo công cụ này. Cần tham khảo ý kiến nhiều DN trong nước để hoàn chỉnh và hàng rào cần được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp thực tế.
TS VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế
Theo điều tra của Hội DN Hà Nội, 80% số DN được hỏi đến đều rất thờ ơ, không hề quan tâm tới hội nhập. Hầu hết DN thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập.
Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thực hiện khảo sát gần 700 DN vừa và nhỏ ở năm tỉnh, TP là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Kết quả cho thấy có 65% DN Việt không biết gì về những nội dung cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM
Nguồn:Pháp luật TPHCM