Từ gạo đến chè, cà phê, hạt tiêu... về khối lượng, ta xuất khẩu thuộc loại nhất, nhì thế giới nhưng đều dưới dạng nguyên liệu thô để các nước nhập khẩu chế biến thành sản phẩm mang thương hiệu của họ. Cũng vì vậy, giá các sản phẩm nông sản xuất khẩu của nước ta, nói chung, thuộc loại thấp so với nông sản Thái Lan hay các nước khác.
Trong một thế giới hội nhập sâu sắc và liên kết chặt chẽ như hiện nay, các nông sản xuất khẩu của nước ta phần lớn chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn hay hợp đồng giao sau (forward contract), nên chúng ta xuất khẩu khối lượng lớn nhưng rất bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầy may rủi là Trung Quốc.
Mỗi năm cảnh “được mùa mất giá” lặp đi lặp lại, từ dưa hấu đến thanh long, vải thiều. Đã xuất hiện phong trào xã hội vận động “tiêu thụ giúp” cho nông dân. Song, phong trào không thay thế được thị trường. Nhược điểm sản xuất không theo yêu cầu thị trường, chạy theo số lượng, không coi trọng chất lượng, sản xuất không kết nối với thị trường đã phải trả giá.
Những nhược điểm ấy đã bộc lộ rõ trong tám tháng đầu năm 2015 khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 19,31 tỉ đô la Mỹ, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều giảm sút.Chỉ có vải thiều, lần đầu tiên được chiếu xạ tiệt trùng, xuất được sang Mỹ, Úc, EU đạt giá trị 2.900 tỉ đồng là một bước tiến mới đáng ghi nhận. Còn tại thị trường trong nước, việc giá gà nhập khẩu từ Mỹ rẻ hơn gà ta, trái cây Thái Lan tràn vào Việt Nam đạt tới 54 triệu đô la Mỹ là chỉ dấu cho thấy nông sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.
Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm ở hầu hết các thị trường chủ yếu. Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, con tôm bị bơm nước hay tạp chất để tăng trọng, kể cả nhét... đinh vào đầu tôm. Ở đây, “con sâu không chỉ làm rầu nồi canh” mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Trong năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kết thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 1-1-2016. Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản.
Từ ngày 1-1-2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Hệ thống siêu thị Metro đã được người Thái mua lại, siêu thị Parkson của Malaysia sẽ đưa vào thị trường Việt Nam những nông sản có năng lực cạnh tranh mạnh hơn nông sản Việt Nam.
Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard, SPS) như dư lượng kháng sinh trong thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra.
Nếu như về trồng trọt, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều có cơ hội xuất khẩu nhất định thì bắp, đậu nành và mía đường sẽ khó có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà do năng suất và chất lượng các sản phẩm này đều kém xa so với các sản phẩm quốc tế. Việc tái cấu trúc các sản phẩm này là không thể tránh khỏi.
Tình hình đối với 10 triệu hộ chăn nuôi gà, heo, bò thịt và bò sữa khó khăn đến mức một quan chức của Tổng cục Chăn nuôi đã phải thốt lên “Ngành chăn nuôi đã được hy sinh là vật tế thần để gia nhập TPP”! Thực vậy, gà lông đỏ của Việt Nam chỉ có thể tồn tại ở những chợ truyền thống, dựa vào thói quen “ăn gà vặt lông cả con” chứ không thể cạnh tranh với gà lông trắng đông lạnh trong siêu thị.
Nông nghiệp nước ta đang đứng trước tình trạng không còn chỗ để lùi, phải gấp rút tái cơ cấu, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động theo truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường. Vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này.
Cơ hội to lớn đang mở ra là hợp tác sâu rộng giữa nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản để trở thành hai nền nông nghiệp “cộng sinh” với nhau. Việt Nam sẽ tiếp thu công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản để cung cấp rau quả, hoa tươi, cá ngừ, tôm sang thị trường Nhật Bản và cùng nhau xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Những ví dụ thành công đầu tiên mở ra khả năng hiện thực to lớn cho hiện đại hóa nông nghiệp nước ta.
Lê Đăng Doanh
Kinh tế Sài Gòn Online
Nguồn:TheSaigonTimes