Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của chuyên gia tài chính-ngân hàng Phạm Nam Kim, cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ.
Trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế thế giới đã được vực dậy ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Duy có châu Phi và Nam Mỹ vẫn trong tình trạng kinh tế rất khó khăn vì họ sống nhờ khai thác nguyên vật liệu, trong khi trên thị trường thế giới, giá dầu thô cũng như mỏ kim loại, v.v vẫn ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, mọi chuyên gia đều nghĩ rằng những thành quả kinh tế của năm 2017 chỉ có tính nhất thời vì không dựa vào sự phát triển căn bản và bền vững của nền kinh tế.
Tóm lại, năm 2017 là một năm bản lề, năm chuyển tiếp cho những thay đổi sắp tới. Rất khó dự đoán được diễn tiến của những thay đôi trên, nhưng dựa trên những chương trình nghiên cứu và những thực hiện mới nhất, có thể nói 2018 cũng sẽ còn trong giai đoạn chuyển tiếp của những xu hướng lớn nêu trên.
Chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi
“Make America great again” là khẩu hiệu của Chính quyền Trump, giúp ông đắc cử. Vì vậy, ông Trump đã cương quyết thực hiện những gì đã hứa hẹn. Như vậy, bất chấp trào lưu toàn cầu hóa nền kinh tế, Mỹ sẽ áp dụng trước tiên chính sách bảo hộ nền kinh tế của mình. Chuyến công du châu Á và tham dự APEC vừa rồi của Donald Trump, cũng chứng tỏ rõ ràng điều này.
Chính sách này sẽ như vết dầu loang ảnh hưởng trực tiếp tới những quốc gia có xu hướng dân túy, và ngay cả những quốc gia đối lập với xu hướng này cũng “mềm mại” hơn trong chính sách của mình. Rốt cuộc, kinh tế thế giới sẽ bị chững lại trong công cuộc hội nhập, toàn cầu hóa nền kinh tế.
Hội nhập quốc tế lại trở về với nguyên lý từ ngàn xưa: “sống với nhau, giao thương với nhau nhưng quyền lợi của tôi trên hết và đừng đụng đến chủ quyền của tôi.”
Bên cạnh đó, Brexit cũng đang đặt một vấn đề lớn cho khối EU và những khối muốn đi theo con đương hội nhập chính trị. Bài học ở đây là : “hội nhập thì được, nhưng đừng đụng tới chủ quyền và quyền lợi kinh tế của tôi”. Rốt cuộc, hội nhập quốc tế lại trở về với nguyên lý từ ngàn xưa: “sống với nhau, giao thương với nhau nhưng quyền lợi của tôi trên hết và đừng đụng đến chủ quyền của tôi.”
Ngoài ra, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng lợi thế “nhân công rẻ và không bảo vệ môi trường” không còn nữa. Ý thức được điều này, Bắc Kinh dự tính chuyển hướng phát triển. Nước này không gia công cho các hãng sản xuất trên thế giới, mà tự sản xuất sản phẩm của mình và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vì vậy, Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đại dự án “Vành đai và Con Đường” cũng là để phục vụ cho mục đích trên.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều muốn duy trì vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu trở nên gay gắt hơn (Nguồn: AFP)
Trong bối cảnh mọi quốc gia chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình và tìm mọi phương cách để lấn át lợi ích quốc gia khác, con đường duy nhất của Việt Nam là như đường lối đã được đề cập tại hội nghị APEC vừa qua, là đa phương hóa về thương mại.
Nhưng ta phải đi xa hơn nữa, đặt tiêu chí độc lập và tự chủ kinh tế lên hàng đầu, đặt trung lập kinh tế lên hàng chính sách quốc gia rồi đa phương hóa tối đa các liên hệ kinh tế và ngăn chặn sự chi phối, dưới mọi hình thức của một quốc gia hay Khối kinh tế lên nền kinh tế Việt Nam.
Cách mạng 4.0
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cơ xưởng sản xuất, với những robot và những dây chuyền tự động. Trong những cơ xưởng này máy móc sẽ thay thế một lượng lớn người lao động. Thay đổi sẽ tương tự như thời cách mạng công nghiệp lần thứ nhất hồi thế kỷ 18, khi máy móc thay thế lao động của công nhân.
Thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình phân chia công việc hiện tại trên Thế giới: Nước phát triển sáng chế, nước mới nổi lắp ráp để phục vụ ưu tiên thị trường nước phát triển. Mô hình sản xuất ở nước nhân công giá rẻ không còn ý nghĩa của nó. Ưu tiên sẽ là cơ xưởng lắp ráp ở gần thị trường tiêu thụ để có thể cung ứng nhanh những sản phẩm hợp với đòi hỏi của từng khách hàng. Vấn đề là xu hướng này hoàn toàn phù hợp với chính sách bảo hộ của những chính quyền dân túy, tuy rằng những cơ xưởng này sẽ không mang đến công ăn việc làm cho người dân như họ mong muốn.
Cách mạng 4.0 không chỉ đem lại thay đổi ở cơ xưởng mà ngay tại văn phòng, trong ngành dịch vụ và hành chính cũng có sự thay đổi lớn với những ứng dụng thông minh nhân tạo. Tới nay, công nghệ thông tin chỉ tự động hóa quy trình, ngày mai trí tuệ nhân tạo sẽ tự động hóa suy luận. Rõ ràng thay đổi này sẽ làm mất đi việc làm của một số lao động như tại văn phòng và các ngành dịch vụ.
Ngay bây giờ, ở một số công ty, robot đã đảm nhận công việc trực điện thoại, tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Trong lĩnh vực ngân hàng, một số ngân hàng tại các nước phát triển, đang lên kế hoạch sa thải hàng ngàn nhân viên vì những ứng dụng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Ngân hàng bán lẻ sẽ kinh doanh theo một mô hình mới không còn tùy thuộc vào mạng lưới chi nhánh.
Chủ tịch Alibaba Jack Ma biểu diễn Thái cực quyền trong chuyến công tác tại Việt Nam năm 2017 (Nguồn: TTXVN)
Cùng với cách mạng 4.0, hoạt động thương mại điện tử cũng sẽ có những bước phát triển tột bậc. Phân phối, bán lẻ qua mạng, không biên giới (kiểu Amazon hay Alibaba) sẽ dần thay thế những trung tâm thương mại. Ngay bây giờ, các trung tâm thương mại nội hay ngoại thành trên thế giới đang ngày càng vắng khách, và đang phải chuyển thành những trung tâm giải trí. Cũng theo chiều hướng này, các công ty đa quốc gia về thương mại điện tử và phân phối trên mạng đang phát triển rất mạnh tại thị trường các nước mới nổi, vì người dân của những nước đó đã có mức thu nhập đáng kể.
Công nghệ số cũng đưa tới sự ra đời và sự phát triển cực nhanh của nền “kinh tế chia sẻ”. Chỉ trong vòng vài năm những công ty như Uber, Grab, Airbnb,…đã bao trùm cả thế giới và biến hàng triệu nhân công thành những tiểu thương, những hộ kinh doanh cá thể. Hình thức kinh doanh này tuy không mới nhưng với quy mô phát triển đang và sẽ làm điêu đứng vô số ngành kinh doanh truyền thống như khách sạn, hay ngay ngành ngân hàng cũng đang lo sợ sự bành trướng của cho vay trực tiếp và huy động vốn trực tiếp trên mạng. Sự bành trướng của kinh doanh cá thể cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về thuế và bảo hiểm xã hội.
Cách mạng Xanh
Phong trào bảo vệ môi trường cũng sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nền kinh tế thế giới và ta có thể gọi nó là cuộc “Cách mạng Xanh”. Có ba lĩnh vực sẽ có những thay đổi cự kỳ quan trọng.
Thứ nhất là lĩnh vực sản xuất năng lượng, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng, than, dầu khí sẽ dần bị loại bỏ, các nhà máy hạt nhân trong tương lai cũng sẽ bị đóng cửa. EU hiện đang thảo luận dự luật cấm triệt để sản xuất năng lượng từ than. Những quốc gia khai thác mỏ quặng liên quan sẽ bị ảnh hưởng mạnh ngược lại những quốc gia có khả năng sản xuất điện “sạch” sẽ có cơ hội xuất khẩu điện trên thị trường.
Bên cạnh sản xuất năng lượng, những cơ xưởng, sử dụng những nguyên liệu gây ô nhiễm nói trên và thải khí “độc” vào bầu khí quyển cũng sẽ bị hạn chế hay đóng cửa. Hiện đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, thành phố Bắc kinh dự kiến đóng của tạm thời hết mùa đông này những nhà máy thải khí độc ra môi trường.
Thứ hai là liên quan tới phương tiện vận tải, trong tương lai gần, ở một vài quốc gia sẽ đưa ra quy định ô tô đều phải chạy bằng điện hoặc bằng nguyên liệu sạch. EU và Trung Quốc đang dự tính cấm xe chạy bằng xăng, dầu bắt đầu từ 2030 và hiện tại, ở những thành phố bị ô nhiễm trầm trọng, đã hạn chế xe chạy xăng.
Như vậy, ngành sản xuất ôtô sẽ hoàn toàn thay đổi, những công ty không có công nghệ sản xuất xe điện hay sử dụng nhiên liệu sạch, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, những công ty còn lại cũng phải đầu tư rất nhiều để có thể sản xuất được sản phẩm phù hợp với thị trường, vì xu hướng sẽ không chỉ là xe điện mà còn là xe “thông minh” có khả năng tự lái.
Lĩnh vực thứ 3 là nông nghiệp. Chỉ vài năm nữa, người tiêu thụ sẽ chỉ chấp nhận sản phẩm nông nghiệp “sạch”, theo tiêu chuẩn “bio”, có nghĩa là không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không có dư lượng kháng sinh…
Như vậy là cách trồng trọt, khai thác nông sản, chăn nuôi sẽ thay đổi hẳn. Sẽ có những phương cách để thay thế phần nào những chất hóa học nhưng phần còn lại sẽ là bàn tay và cơ bắp của người nông dân trước khi giao được công việc này cho rô bốt, trong tương lai. Kết quả là chất lượng sản phẩm sạch, nhưng năng suất sẽ kém đi rất nhiều.
Những tác động tới kinh tế Việt Nam
Với những thay đổi mang tính cách mạng nói trên, bộ mặt kinh tế thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn. Ta có thể dự đoán được những xu hướng lớn như đã đề cập ở trên. Theo đó, mô hình phân chia công việc theo vùng miền trên thế giới sẽ không còn tồn tại như hiện nay và rất khó dự đoán trước.
Nhưng có lẽ Cách mạng 4.0 và Cách mạng Xanh sẽ không tạo ra những thay đổi to lớn như cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất, nhưng nó sẽ đến rất nhanh và sức lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển tiếp của các cuộc cách mạng này và giai đoạn đó sẽ còn kéo dài vài năm nữa. Vì vậy cần phải tận dụng thời gian để chuẩn bị tốt cho những thay đổi quyết định.
Về phương diện kinh tế, những thay đổi trên sẽ ảnh hường rất mạnh đến Việt Nam. Có thể nói mô hình phát triển kinh tế Việt Nam được xây dựng trên ba nền tảng, đó là nông nghiệp và hai “đòn bảy tăng trưởng” là khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ. Cả ba lợi thế này sẽ hoàn toàn bị những thay đổi nói trên tác động mạnh.
Nông dân Việt Nam quá quen sử dụng hóa chất để canh tác, làm sao thay đổi được thói quen này? Tài nguyên như than đá và dầu hỏa sẽ bị hạn chế tiêu dùng và giá sẽ đi xuống không ngừng. Nhân công giá rẻ không thể cạnh tranh được với các robot năng xuất cao, làm việc 24 tiếng mỗi ngày, theo đó, các nhà máy chuyên lắp ráp của nước ngoài sẽ rời khỏi Việt Nam.
Ngay từ 2018, các nhà máy lắp ráp của nước ngoài có thể sẽ rời Việt Nam. Họ rời Việt Nam không phải vì làn sóng robot đã đến mà là vì chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Các nhà máy lắp ráp của nước ngoài ở Việt Nam sẽ dự kiến được chuyển sang Mỹ và trang bị thêm hệ thống tự động và rôbốt, như vậy họ sẽ tránh được các khoản thuế nhập khẩu cao và củng cố thương hiệu trên thị trường này. Muốn tránh nạn thất nghiệp cho nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải tạo công ăn việc làm cho số nhân viên bị sa thải vì các nhà máy lắp ráp của nước ngoài đóng cửa, thêm vào đó hàng năm có tới 1 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động.
Báo cáo vừa rồi của Ban kinh tế Trung Ương đã đưa ra con số 74% lao động ngành chế biến, chế tạo, 6 triệu người sẽ mất việc. Bộ Khoa học và Công nghệ, trong một báo cáo khác cũng nêu thêm là sự suy giảm sẽ xẩy ra từ nay đến năm 2020. Nếu ta cộng thêm vào mỗi năm 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động thì thách thức lớn nhất của nền kinh tế quốc gia là làm sao tạo ra đươc 9 triệu công ăn việc làm từ nay đến năm 2020.
Thách thức lớn nhất của nền kinh tế quốc gia là làm sao tạo ra đươc 9 triệu công ăn việc làm từ nay đến năm 2020.
Vậy, đâu là giải pháp cho Việt Nam? Tất cả các chuyên gia, khi bàn đến cách mạng 4.0, vốn lấy đi nhiều việc làm của người lao động, đã trấn an dư luận bằng việc quả quyết cuộc cách mạng này sẽ tạo ra công việc mới. Nhưng hiển nhiên những công việc mới được tạo ra cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi và còn đòi hỏi lao động phải được đào tạo thật kỹ lưỡng.
Ở Việt Nam, tại những cơ xưởng mới, có lẽ sẽ cần thêm vài trăm nghìn kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật và rất khó tuyển dụng được trong số 6 triệu lao động chân tay bị xa thải, nêu ở trên. Ta nên quên đi thói quen khi có khó khăn tạo công ăn việc làm thì lại xuất khẩu lao động, vì nạn thất nghiệp sẽ tràn lan trên toàn thế giới và nhất là ở những nước mới nổi.
Vì vậy, phương án “chuyển tiếp”, tạo công ăn việc làm cho người dân – vì đó là mục tiêu đích thực của một nền kinh tế, chứ không phải mức tăng trưởng GDP – sẽ theo ba hướng đi sau đây:
Thứ nhất, cải tạo nền nông, ngư nghiệp hiện tại theo chiều hướng ‘sạch’, ‘bio’, ngăn cấm sử dụng những hóa chất làm hại cho sức khỏe con người và cho môi trường. Xu hướng này không những là cơ cơ hội tốt để xuất khẩu nông, thủy sản mà còn tạo vô số công ăn việc làm, như đã nêu ở trên.
Thứ hai, phát triển công nghiệp dựa trên tay nghề tinh xảo của nghệ nhân. Điển hình là công nghiệp đồng hồ của Thụy Sỹ, trải qua 3 thế kỷ và những thay đổi khoa học, kỹ thuật, nay các ‘nghệ nhân’ vẫn sản xuất đồng hồ bằng tay, thu được tiền tỷ phục vụ khách hàng trên toàn thế giới. Ta cũng nên biết là nhà thiết kế thời trang Louis Vuitton của Pháp hiện vẫn đặt các nghệ nhân Việt Nam dệt bằng tay tơ sợi khăn choàng của công ty này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam tháng 2/2017 (Nguồn: TTXVN)
Dù cách mạng 4.0 có tiến hóa như thế nào đi nữa thì Vuitton cũng không từ bỏ được đặc trưng “làm bằng tay” (hand-made) gắn liền với thương hiệu của công ty. Hướng phát triển này là công nghiệp hóa thủ công Việt Nam theo mô hình công xưởng đồng hồ Thụy Sỹ đễ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên thị trường ngách của những sản phẩm làm bằng tay và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thứ ba là phát triển lĩnh vực dịch vụ. Dù robot có đạt mức thông minh như thế nào đi nữa thì cũng rất khó thay thế hoàn toàn con người trong những kỹ năng sáng tạo, giao tiếp và cảm xúc. Như vậy những ngành nghề dịch vụ ta nên phát triển là những ngành nghề côt lõi dựa trên những kỹ năng này. Đầu tiên là ngành du lịch, rồi đến ngành nghỉ dưỡng, dưỡng lão, y tế, giáo dục, tư vấn, tài chính (cấp cao),… bên cạnh đó là những ngành dịch vụ được phát triển từ cách mạng 4.0 đó là chuỗi cung ứng (logistics) và vận chuyển.
Phát triển những ngành nghề này tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân, nhưng người lao động cần được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực sự tại môi trường làm việc. Mô hình “đào tạo kép” vừa đi học vừa thực tập tại doanh nghiệp của Thụy Sỹ, được rất nhiều quốc gia sao chép và áp dụng không những giới học sinh, sinh viên mà cả cho những lao động mất việc muốn đổi nghề. Sửa đổi mô hình đào tạo quả thật là căn bản cần thiết cho Việt Nam trên con đường xây dựng nền kinh tế tương lai.
Bên cạnh ba hướng đi này Việt Nam cũng cần cải tiến toàn bộ bộ máy sản xuất hiện có cho phù hợp với những kỹ thuật mới và phù hợp với đòi hỏi bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển.
Chương trình cải tiến này sẽ nhất định tạo công ăn viêc làm cho người dân. Nhưng nó cũng sẽ cần một nguồn vốn khổng lồ. Vậy tiền ở đâu ra? Một trong những phương án là lại trông cậy vào vốn đầu tư FDI từ nước ngoài. Vậy triển vọng FDI những năm tới sẽ ra sao?
Đầu tư sản xuất trên thế giới
Thực tế, các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đa phần vẫn chưa đươc áp dụng. Đối với vấn đề Brexit, người ta biết là Anh sẽ rút ra khỏi khối EU, đó là quyết định của cuộc bầu cử, nhưng bao giờ rút, điều kiện để rút thì vẫn chưa rõ.
Nguồn vốn FDI vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam (Nguồn: AFP)
Về cuộc Cách mạng 4.0, hiện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, hiếm có một phát minh nào đươc áp dụng một cách đại trà ngay lập tức. Vì vậy các nhà đầu tư vẫn chưa đổ vốn vào những dự án theo chiều hướng của những thay đổi, nhưng cũng rất e ngại đi theo trào lưu cũ.
Cụ thể, trào lưu xây dựng các nhà máy lắp ráp ở các quốc gia mới nổi để hưởng nhân công giá rẻ, có thể nói đang bị gián đoạn, chỉ còn những đầu tư để mở rộng những cơ xưởng hiện có để gia tăng sản xuất đáp ứng những nhu cầu của thị trường.
Đầu tư sản xuất là về dài hạn và rất khó rút lui nửa chừng nên cần có tầm nhìn xa vững chắc. Trong tình hình hiện nay, như đã trình bày ở trên tương lai vẫn còn mù mịt, và các nhà đầu tư đều ở cái thế chờ đợi. Trong tình thế này họ sẽ chỉ đổ vốn vào những nơi mà họ tin đã nắm bắt đươc tình hình thị trường. Và cái mà họ tin chắc là người dân ở các nước mới nổi, đặc biệt là ở Trung Quốc đã đạt được mức thu nhập có thể tiêu thụ những sản phẩm và dịch vụ tương tự ở những nước phát triển.
Việt Nam, với gần 100 triệu dân, đã được liệt vào hạng những quốc gia có thu nhập trung bình, nhất định là có một thị trường nội địa đáng quan tâm cho những nhà đầu tư sản xuất trên thế giới.
Do vậy, thay vì lập những cơ xưởng để hưởng lao động giá rẻ, thì nay họ lập cơ xưởng để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa của những nước này. Việt Nam, với gần 100 triệu dân, đã được liệt vào hạng những quốc gia có thu nhập trung bình, nhất định là có một thị trường nội địa đáng quan tâm cho những nhà đầu tư sản xuất trên thế giới.
Những nước mới nổi còn thu hút những nhà đầu tư trên một điểm nữa là ở chỗ, hai cuộc cách mạng nói ở trên cần rất nhiều sáng kiến, ý tưởng mới. Tại những quốc gia phát triển, các công ty khởi nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn vì họ phải vượt qua hàng loạt những luật lệ và tiêu chí rất khắt khe.
Tại những nước mới nổi luật lệ còn đơn giản, các công ty khởi nghiệp dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao Thẩm Quyến từ một khu công nghiệp đơn thuần nay đã trở thành một “Silicon valley” thu hút start-up đến từ khắp thế giới, đặc biệt từ Bắc Mỹ và châu Âu.
Việt Nam có thể đi theo hướng này để thu hút đầu tư và đặc biệt là các công ty khởi nghiệp (nhưng phải gỡ bỏ các hàng rào hành chính vì nó còn khó khăn hơn cả các rào cản luật lệ ở phương Tây).
Kết luận, Việt Nam không còn sử dụng được lợi thế nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư FDI và phải tìm kiếm và tạo ra những lợi thế khác để kêu gọi nguồn vốn này.
Trong giai đoạn “chuyển tiếp” lợi thế đang thu hút các nguồn vốn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chính là thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam. Những nhà đầu tư từ những nước khác cũng sẽ bị thu hút bởi thị trường này và sẽ đổ vốn vào Việt Nam nếu ta cởi mở hơn trong đón nhận vốn nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 lần thứ 3 với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/11/2017. (Ảnh: Quang Quyết - TTXVN)
Sự mở rộng cửa là điều hiển nhiên trong không khí hội nhập và trong ý tưởng xây dựng một nền kinh tế thị trường. Nhưng với tiêu chí hàng đầu là gìn giữ độc lập và tự chủ, Việt Nam sẽ không để một quốc gia nào có thể chi phối thị trường. Và tiêu chí này cũng dẫn tới việc nên đa phương hóa tối đa những nhà đầu tư vào nền kinh tế nước nhà.
Một trong những phương án để giảm thiểu sự chi phối của các nhà đầu tư FDI là ta kêu gọi vốn đầu tư tài chính nước ngoài. Vậy thị trường đầu tư tài chính phát triển ra sao trong năm 2017 và sẽ ra sao trong những năm sau?
Đầu tư tài chính
Từ đầu năm đến nay có 3 yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Thứ nhất là lãi suất cơ bản do các Ngân hàng Trung ương điều phối, vẫn giữ ở mức thấp không tưởng. Ở một vài quốc gia có đồng tiền mạnh, lãi suất trái phiếu và tiền gửi ngân hàng bị âm. Nếu lãi suất thấp là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư sản xuất, thì ngược lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính.
Thứ hai là phong trào chống trốn thuế càng ngày phổ biến, các chính phủ ý thức đây là một phương cách để giải quyết phần nào ngân sách bị bội chi. Thêm vào đó, những tiết lộ trên thông tin đại chúng về những thiên đường thuế cũng phần nào ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư tài chính. Thứ ba là những thông tin về thay đổi chính sách và các xu hướng lớn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới nhữ đã trình bày ở trên, cũng tác động rất nhiều đến đầu tư tài chính thế giới.
Việc bán cổ phần thành công tại Sabeco được coi là một tín hiệu đáng mừng trong kế hoạch thoái vốn của nhà nước (Nguồn: AFP)
Xuất phát từ ba yếu tố này, các nhà đầu tư tài chính đổ dồn vốn vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là vào lĩnh vực cổ phiếu, lĩnh vực trái phiếu bị né tránh vì lãi suất quá thấp và trái phiếu chính phủ của một vài quốc gia thì nợ công quá cao và quá rủi ro.
Chính vì sự đổ dồn vốn từ mọi nơi vào thị trường chứng khoán mà chỉ số của những thị trường này đạt những kỷ lực chưa từng thấy. Hiện tượng này bắt đầu từ Mỹ, khi Donald Trump nắm quyền với những hứa hẹn giảm thuế, bảo vệ doanh nghiệp Mỹ, cộng với những yếu tố nêu ở trên. Nó cũng ảnh hưởng tới châu Âu và sau đó lan tràn khắp thế giới ở những mức độ tùy theo từng khu vực.
Về cơ bản, sự tăng trưởng của các thị trường chứng khoản chỉ là kết quả của chênh lệch cung cầu, không dựa vào sự phát triển hay mức lợi nhuận của các công ty. Về ngành nghề thì dòng vốn chảy nhiều vào những công ty hoạt động trong lĩnh vực của 2 cuộc cách mạng nêu trên.
Về đầu tư tài chính theo vùng miền trên thế giới, qua những phân tích ở trên, các nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào các nước phát triển và bỏ qua những nước mới nổi. Những nước lớn mới nổi, thường được mệnh danh là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hiện có thể gọi là nhóm “mới chìm” trong lĩnh vực đầu tư tài chính vì tình hình kinh tế không được khả quan. Ngược lại dòng vốn của những quốc gia này, đặc biệt là Trung Quốc đang dồn vào thị trường đầu tư ở những nước phát triển.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là một thị trường thuần đầu cơ, không phải là một kênh đầu tư lâu dài, như vậy chỉ có dân sống về đầu cơ tái chính, những quỹ mạo hiểm, những “hedge funds” có thể quan tâm.
Những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam, đại đa số là thuộc lĩnh vực bất động sản, nếu không thì là doanh nghiệp nhà nước, trong đó chính phủ chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài một phần vốn rất nhỏ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến dự Khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh (Ảnh: TTXVN)
Tóm lại, nếu Việt Nam mở rộng cửa hội nhập cho thương mại, thì trong lĩnh vực tài chính, chỉ hé mở cho những nhà đầu cơ, do vậy mặc dù chứng khoán Việt Nam từ 500 điểm lên hơn 900 điểm, nhưng cũng không thu hút được vốn nước ngoài, nhất là dòng vốn đầu tư lâu dài, dòng vốn độc nhất góp sức cho phát triển kinh tế của đất nước.
Trong tương lai, dù kinh tế Việt Nam phát triển vững vàng, tăng trưởng vượt bậc, nhưng nếu không sửa sai được bốn điểm nhận xét của các nhà đầu tư nêu trên, thì vẫn khó lòng thu hút được vốn đầu tư tài chính từ nước ngoài.
Nguồn: Phạm Nam Kim/VietnamPlus