menu search
Đóng menu
Đóng

Lô gạo thơm đầu tiên của Lộc Trời Group xuất sang EU theo EVFTA

09:15 29/09/2020

126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.
 
Sáng nay 22/9, tại Nhà máy lương thực Thoại Sơn (thuộc Lộc Trời Group) đã diễn ra Lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm của Lộc Trời sang EU theo hiệp định EVFTA.
Tháng 8, xuất khẩu nông sản vào EU tăng trưởng 17% so với tháng 7
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu tấn, với trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm từ 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3,0 triệu tấn.
Sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Cụ thể: ngày 11/9 đã diễn ra các lễ xuất khẩu tôm nước lợ tại Ninh thuận; cà phê, chanh leo tại Gia Lai ngày 16/9; trái cây tại Bến Tre ngày 17/9. Ước tính sơ bộ, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vào EU trong tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.
Hàng năm EU nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Tuy nhiên, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU chỉ đạt 50 nghìn tấn, với kim ngạch 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.
Với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn ( 2020) và 125 Euro/tấn ( 2021). Như vậy, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch.
Thống kê sơ bộ cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15,8 nghìn tấn gạo, xấp xỉ 8,5 triệu USD, và từ ngày 4/9 – 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm. Dự báo, từ nay đến hết năm, xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang thị trường EU dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, EVFTA chính là “chìa khóa” để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường EU đầy tiềm năng với 27 quốc gia thành viên và hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD.
“Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU”, ông Cường nhấn mạnh.
Mặt hàng gạo hứa hẹn phát huy thế mạnh tại thị trường EU
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với các chính sách phát triển thị trường, các đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt chính là nền tảng của những hiệp định như EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên cả nước xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường cao cấp.
Tập đoàn Lộc Trời ý thức rõ việc hàng hóa muốn xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Lộc Trời sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Nhà nước đã mang lại, đưa hạt gạo nói riêng và nông sản nói chung đến các thị trường trên khắp thế giới.
Ông Thòn thông tin thêm về một số thành tựu nổi bật của đơn vị trong thời gian qua, tiêu biểu là Lộc Trời đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP vào đầu năm 2020. Đặc biệt, Lộc Trời đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 HTX liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.
Đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan – Văn phòng Đại diện tại TP.HCM cho biết, mặc dù gạo Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường EU nhưng vẫn gặp phải sự cạnh tranh khá lớn so với các sản phẩm gạo đến từ Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Lượng gạo Việt Nam xuất sang EU chỉ chiếm 0,38%/ tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU là 2,5 triệu tấn / năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong khuôn khổ EVFTA, EU cam kết cung cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm cho Việt Nam và tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo tấm. Sau 3-5 năm, thuế suất đối với các sản phẩm gạo sẽ được cắt giảm xuống 0%, mặt hàng gạo hứa hẹn phát huy thế mạnh và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cường bán gạo sang EU và Ba Lan.

Nguồn:nhipsongkinhte

Link gốc