menu search
Đóng menu
Đóng

Năm nay, thu hút vốn nước ngoài sẽ vượt mốc 30 tỉ đô la

15:59 27/10/2017

Vinanet - Trong tháng 10, ước có thêm 2,86 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 28,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm nay đến ngày 20-10, cả nước có 2.070 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái; và hơn 1.000 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,27 tỉ đô la Mỹ, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoài. Ngoài ra, cùng thời gian trên có đến 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được 28,24 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Với đà tăng trưởng này, nguồn vốn đầu tư nước ngoài của năm nay có thể vượt 30 tỉ đô la Mỹ.
Đáng chú ý, theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam có sự thay đổi rất rõ. Cụ thể là nguồn vốn khu vực này đăng ký đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 13,75 tỉ đô la Mỹ, chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Dù vẫn đứng đầu về số vốn cam kết, nhưng so với những tháng đầu năm và nhiều năm qua vốn nắm trên dưới 70% tổng vốn đăng ký, cho thấy nguồn vốn rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang có xu hướng giảm.
 Theo đối tác đầu tư, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7,62 tỉ đô la, chiếm 27% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,07 tỉ đô la, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỉ đô la, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,63 tỉ đô la Mỹ, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, chủ yếu dựa vào 3 dự án lớn được cấp phép trước đó gồm hai dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhà máy nhiệt điện được cấp phép ở Thanh Hóa và Nam Định với tổng vốn đăng ký lên đến 4,863 tỉ đô la Mỹ.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,04 tỉ đô la Mỹ, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc triển khai đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này trong cùng thời gian trên cũng tăng khá, như các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,49 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 72,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 123,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 70,9% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 107,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 62,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 10 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỉ đô la Mỹ (kể cả dầu thô) và xuất siêu 15,24 tỉ đô la Mỹ (không kể dầu thô).
10 tháng, Bình Dương thu hút vốn nước ngoài vượt 55% kế hoạch cả năm
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản năm 2017 của tỉnh Bình Dương vào ngày 25-10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết tổng vốn nước ngoài vào tỉnh trong 10 tháng đầu năm nay đạt 2,171 tỉ đô la Mỹ, vượt 55% kế hoạch cả năm, tăng 131% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó gồm 160 dự án mới có tổng vốn đầu tư 1,203 tỉ đô la Mỹ, 99 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 906 triệu đô la Mỹ và 57 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 61,4 triệu đô la Mỹ.
Tỷ trọng đầu tư vào các khu công nghiệp chiếm 89% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh với 120 dự án mới và 61 dự án điều chỉnh vốn.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đã cấp phép 3.009 dự án FDI từ các nhà đầu tư đến từ hơn 62 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 28 tỉ đô la Mỹ. Bình Dương hiện đứng thứ 2 và chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước, chỉ sau TPHCM.
Về đầu tư Nhật Bản, Bình Dương hiện có 249 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 5,218 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 2 và chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Hùng Lê/TBKTSG online