menu search
Đóng menu
Đóng

Rủi ro từ nợ rình rập nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm Goldilocks

21:35 19/12/2017

Kinh tế toàn cầu đang trong thời điểm Goldilocks, tức là tăng trưởng và lạm phát không quá nóng cũng không quá lạnh
Nhưng một thập niên sau khi sự lao dốc của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có những cảnh báo rằng nợ đang trở thành một rủi ro lớn.
Triển vọng kinh tế toàn cầu dường như sáng sủa hơn trong thời điểm hiện tại, nhờ tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn ổn định, ngược lại hoàn toàn với sự bi quan chỉ một năm trước, khi Anh trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên minh châu Âu và chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ gây ra những e ngại.
Kinh tế Mỹ đang trong chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, còn kinh tế Trung Quốc là động lực tăng trưởng toàn cầu trong những thập niên gần đây vẫn đang trong xu hướng đóng góp nhiều hơn. Trong khi đó, kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cuối cùng cũng tăng trưởng với tốc độ trung bình sau nhiều năm yếu ớt và các quốc gia mới nổi như Brazil được cho là sẽ phục hồi sau suy thoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 với sự lạc quan chưa từng có trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chính phủ có thể tự mãn. Tổng Giám đốc IMF Christine Largade đã trích dẫn lời của cựu Tổng thống Mỹ John Kenedy rằng khi nền kinh tế phục hồi sau suy thoái là lúc cần giải quyết các vấn đề của hiện tại.
Những rủi ro vào lúc này có thể đến từ việc các doanh nghiệp tư đang chật vật với số nợ lớn. IMF, OECD và các nhà kinh tế cảnh báo các công ty đã tăng cường vay mượn khi lãi suất cho vay siêu thấp hiện đang đối mặt với khả năng lãi suất tăng. Tổng thư ký OECD Angel Gurria gần đây nói tình trạng nợ nần của các gia đình và các doanh nghiệp đã lên đến mức kỷ lục ở nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp đang "ngắc ngoải" (hay doanh nghiệp zombie) đang đối mặt với rủi ro lớn nhất.
Lãi suất siêu thấp cho phép các doanh nghiệp với lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận tiếp tục hoạt động cầm chừng với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, khi lãi suất bị thắt chặt như đang diễn ra tại Mỹ và có thể là ở Eurozone trong vài năm tới, chi phí trả lãi vay có thể nhanh chóng vượt lợi nhuận, buộc những doanh nghiệp này phải tái cơ cấu hoặc đóng cửa. Một làn sóng phá sản và vỡ nợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc hiện đang được đặc biệt chú ý. IMF hồi đầu tháng này cảnh báo hàng chục ngân hàng lớn của nước này cần tăng cường dự phòng trước bất kỳ tác động nào trước sự phá sản của các doanh nghiệp zombie. Trung Quốc đã dựa vào đầu tư từ tiền đi vay và xuất khẩu trong tăng trưởng kinh tế và một số ngân hàng đã đối mặt với sức ép cho vay khi các chính quyền địa phương muốn duy trì việc làm cao.
Tuy nhiên, ông Gurria lại tin tưởng rằng các nhà chức trách Trung Quốc có thể giải quyết được vấn đề. Ông thừa nhận đó là một mối lo ngại nhưng đã được nhận diện và các nhà quản lý nước này có thể hành động nhanh chóng để kiểm soát tình hình.
Nguồn: BNEWS/TTXVN