Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin cho rằng việc các công trình thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và phá rừng là tác nhân gây ra lũ lụt nặng nề ở miền Trung. Từ đó, nhiều ý kiến đặt ra cần loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ. Để làm rõ vấn đề này, ngày 30/10, tại Hà Nội Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức đã tổ chức tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt”.
*Thủy điện giúp giữ nước
Theo ông Vũ Thanh Ca, Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, báo cáo của Nhóm công tác châu Âu về đập và lũ lụt cho thấy, các đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt rất lớn. Các hồ lớn, dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du. Thủy điện ở Việt Nam mới chiếm tỷ lệ còn ít, như Na Uy, thủy điện tới hơn 90%, New Zealand tới 75%...
Tại Việt Nam, hiện đã có quy định vận hành hồ chứa. Khi mưa về, các hồ sẽ xả nước tới mức đón lũ. Nhưng khi mưa lớn, lượng nước về hồ lớn, nước trong hồ dâng lên tới ngưỡng xả, hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Các hồ thủy điện này xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước đổ về hồ.
“Thủy điện không thể xả quá lượng nước đổ về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản, là tiền nên không có chuyện các nhà quản lý nhà máy xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du. Do vậy, nói các hồ xả lũ gây ngập lụt trong thời gian vừa qua là hoàn toàn không đúng”, ông Ca nói.
Ngoài ra, ông Ca cũng cho rằng, các hồ thủy điện có tác dụng trữ nước khi lũ về tốt hơn rừng. Rừng ở Việt Nam là rừng nguyện sinh, giữ được lượng nước trên cây, các tầng đất... Tổng lượng nước đánh giá mà rừng có thể chứa được cũng không phải quá lớn, tạm tính nhỏ hơn 200 ml (tương đương 0,2m) có thể chứa được. Hồ thủy điện với mức đón lũ 4m nước, trong khi rừng chỉ tích được tối đa 0,2m. Như vậy, 4m nước so với 0,2m thì gấp rất nhiều lần tích nước.
Tuy nhiên, ông Ca cũng không phủ nhận có thực tế phá rừng để làm thủy điện, làm đường bao quanh công trình, nhà máy một cách trái quy định.
Thuỷ điện nhỏ miền Trung với các hồ chứa nhỏ tích được rất ít nước, không phát điện được lâu. Nhưng khi điện gió, điện mặt trời không phát điện được thì thuỷ điện có thể phát bù, hoà lưới. Đây là loại điện giúp ổn định an ninh năng lượng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thuỷ điện nhỏ có thể điều hoà những trận lũ nhỏ, cục bộ nhưng hầu như không có tác động với lũ xảy ra trên diện rộng, cực đoan, như những trận mưa lũ xảy ra tại miền Trung vừa qua.
Theo ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia tư vấn xây dựng các công trình thủy điện, nhìn chung các hồ thủy điện nhỏ đều có rất ít, hoặc không có khả năng điều tiết lũ, tích nước. Dù vậy, tại miền Trung, các hồ thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị cắt 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày hôm qua, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%...
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho rằng, hiện các công trình thủy điện khi đưa vào xây dựng phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Điện lực...
“Dư luận không đồng thuận với thủy điện vì lý do gây lũ, tôi cho rằng không chính xác, có thể do thông tin chưa đến với người dân đầy đủ nên cũng có những thông tin sai lệch. Bộ Công Thương đã dừng không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ dưới 3 MW, các dự án ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, môi trường từ nhiều năm. Tuy nhiên, liên quan vấn đề thủy điện, các địa phương cũng cần đánh giá lại, với tình hình cực đoan thời tiết như hiện nay, cần có kế hoạch xây dựng ra sao để phát triển về sau”, ông Quân nói.
*Thủy điện gây sạt lở?
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, từ khi có luật về bảo vệ rừng, doanh nghiệp khi xây dựng công trình, dự án thủy điện làm mất 1m2 rừng thì phải trồng bù lại 1m2. Từ 2016 đến nay, các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, Bộ sẽ không cho vào thực hiện quy hoạch.
Liên quan đến vụ sạt lở tại Quốc lộ 71, gần khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), ông Quân cho hay, sự cố xảy ra trên Quốc lộ 71 và mái taluy, cách công trình Rào Trăng 3 vài trăm mét. Còn tại công trình Rào Trăng 3, đến nay, các công trình chính, đập, nhà máy... đều không gặp vấn đề gì. Với các công trình như Rào Trăng 3, Bộ luôn quan tâm đến mái dốc, mái công trình, mái phía đập đều phải được kiểm tra, đảm bảo an toàn.
Trả lời câu hỏi tại sao Rào Trăng 3 lại gây ra tai nạn như vậy? Dự án này trước đó đã có thông tin cảnh báo, ông Nguyễn Tài Sơn, cho rằng, trong quá trình làm dự án, các đơn vị tư vấn, thi công đều xác định các biện pháp để xử lý. Thực tế là cho đến nay, việc sạt lở chỉ xảy ra ở đường Quốc lộ 71. Còn công trình thủy điện vẫn an toàn. Tiêu chuẩn an toàn của đường là không thể bằng với thủy điện, nên khó trụ lại được khi lũ lớn đi qua.
Ông Sơn khuyến nghị: “Dù vậy, hồ chứa chính là hạng mục quan trọng, ảnh hưởng môi trường, an toàn , vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng khi quyết định cho phép đầu tư ở các dự án sau này”.
Về vấn đề xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, ông Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, cần hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện. Phải lập thẩm định và phê duyệt dự án một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại.
Ngoài ra, các dự án đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các cửa xả đáy để thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn. Đây cũng là nguồn tài nguyên có thể tận dụng. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới hệ sinh thái...
Nguồn:Đức Dũng/BNEWS/TTXVN