menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực

08:50 06/09/2019

Vinanet -“Về tiền tệ tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, theo sát các biến động thị trường, đặc biệt diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để có đối sách phù hợp, kịp thời”, đó là một trong những nội dung về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.
Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2019. Phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này tập trung bàn một số nội dung như tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020; tình hình thực hiện NSNN năm 2019 và dự toán NSNN năm 2020; kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2020-2022 và các vấn đề khác.
Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Có thể khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).
Những kết quả nổi bật
Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin một số kết quả nổi bật trong 8 tháng:
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (mặc dù trong tháng, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và giá thịt lợn tiếp tục tăng).
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%).
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.
Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu NSTW đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5%(nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%,…)….
Về xuất nhập khẩu: Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%).
Nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng cùng cả nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 2016 - 2020.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, ‘đổi mới 1’ đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có ‘đổi mới 2’ với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị-xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà cả năm 2020. “Nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh ta, chưa nói đến việc thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại”.
Cần tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bắt buộc. “Các đồng chí phải nhận thức cho được đối tượng phục vụ là người dân, doanh nghiệp, mục tiêu là tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh hiệu quả, an toàn, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhận định, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách, bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế.
Cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cần chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn dịch chuyển vào Việt Nam.
Về tiền tệ tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, theo sát các biến động thị trường, đặc biệt diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để có đối sách phù hợp, kịp thời.
Về nông nghiệp, kiên định với mục tiêu đề ra, nỗ lực cao nhất để phấn đấu tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt trên2%, xuất khẩu đạt 42 tỷ USD. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị EC đưa ra đối với Việt Nam và quan trọng hơn là chúng ta phải hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Chủ động đề xuất giải pháp với tình hình sạt lở nặng nề ở Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang.
Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Theo dõi sát thị trường để chủ động có phương án ứng phó kịp thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài.
Về thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí phải là dòng chảy chính, tạo ra khát vọng Việt Nam hùng cường, đoàn kết nhất trí. Cần tăng cường kỷ luật phát ngôn. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành thuộc phạm vi quản lý của mình.
Đề cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc thông tin trung thực, khách quan. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam