menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nửa cuối năm 2023: “Qua cơn bĩ cực”

09:03 19/06/2023

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt hơn 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước; cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt gần 10 tỷ USD… 
Đó là những điểm sáng ít ỏi trong bức tranh toàn cảnh khó khăn của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023. Nửa cuối năm tín hiệu nào để xuất khẩu có thể phục hồi?
Ít điểm sáng
Tình hình xuất khẩu hàng hóa tháng 5 và 5 tháng đầu năm cho thấy, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngược dòng sụt giảm chung, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong tháng 5 đạt kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng gần 2 lần so với tháng trước, ước đạt 500 triệu USD; gạo tăng 53,1%, đạt 530 triệu USD; cà phê tăng 28,5%, đạt 418 triệu USD…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng xuất khẩu rau quả tăng mạnh là do Việt Nam ký được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, chuối sang thị trường Trung Quốc; bưởi đi Mỹ, chanh đi New Zealand... Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, rau quả là ngành hàng nếu phát huy được lợi thế hiện có cũng như khắc phục hạn chế thì tương lai chắc chắn ngành rau quả sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Riêng năm 2023 mốc xuất khẩu 4 tỷ USD rất khả quan.
Về bức tranh tổng thể của xuất khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, tín hiệu lạc quan cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có sự phục hồi nhất định. Trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 giảm 5,9% nhưng mức độ giảm đã chậm lại so với tháng trước.
Hiện, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trước bối cảnh năm 2023, tăng trưởng của thế giới thấp hơn năm 2022, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành đều giảm như: Mỹ, Trung Quốc giảm trên 30%, EU giảm 12%.
Cơ hội lội ngược dòng?
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới, song các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường, do đó dự báo cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Và với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng.
Ông Trần Thanh Hải phân tích, tình hình sụt giảm hiện nay chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với trong nước thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp hiện nay vẫn rất là tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Đấy là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi thị trường được cải thiện.
Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, các nhà bán lẻ lớn của nước này đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng bằng hàng hóa mới. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, những thách thức bủa vây doanh nghiệp nửa cuối năm không hề nhỏ khi các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu. Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Tuy nhiên, các Hiệp định thương mại tự do FTA với những ưu đãi về thuế quan tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường chính sụt giảm thì doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường khác như Australia, Trung Đông, Ả Rập, New Zaeland… những thị trường này không lớn nhưng cũng mang lại hy vọng bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng của các thị trường lớn.
Theo đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đòi hỏi của thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiêu chuẩn phát thải... Do đó, để thúc đẩy lại hoạt động xuất, nhập khẩu, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp cho rằng, đầu tiên doanh nghiệp cần tận dụng tốt các FTA. Tuy nhiên, FTA chỉ là điều kiện cần, vấn đề mấu chốt là phải nỗ lực vươn lên để hàng Việt có chất lượng tốt hơn, giá thành hạ hơn, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh hơn, chế độ phục vụ hậu mãi tốt hơn.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc