menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất nhập khẩu 2019: Năm của những con số ấn tượng

14:38 24/12/2019

Vinanet - Năm 2019, lần đầu tiên tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam đạt mức 500 tỷ USD, xuất siêu dự kiến có thể lên tới 9 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đối mặt nhiều khó khăn, đây là kết quả ấn tượng.   
Vượt khó ngoạn mục
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, XK của Việt Nam đạt 241,7 tỷ USD, NK đạt 230,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch XNK đạt con số 472 tỷ USD.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Với đà XNK năm 2019 trung bình 43 tỷ USD/tháng, theo tính toán của Bộ Công Thương, nửa sau tháng 12/2019 XNK sẽ cán mốc 500 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, thương mại toàn cầu giảm tốc, cộng với XK của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước…, con số trên đạt được là kết quả đáng khích lệ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra phân tích cụ thể hơn dưới góc nhìn so sánh: Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm (theo Tổ chức Thương mại thế giới , trong 10 tháng năm 2019, XK của Thái Lan giảm 2,1%; Indonesia giảm 7,86%; Malaysia giảm 4,07%; Singapore giảm 5,67%; Nhật Bản giảm 4,49%; Hàn Quốc giảm 10,37% và Trung Quốc giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước), XK hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.
“Tổng kim ngạch XK 11 tháng năm 2019 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 (tăng tương ứng 14,6% và 22,1%) nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là XK tăng 7- 8% trong năm 2019. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy XK và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng nhìn nhận, với tình hình tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại thế giới đều khó khăn như năm nay, đạt được tổng kim ngạch XNK 500 tỷ USD với mức xuất siêu cao là kết quả ấn tượng của Việt Nam.
Doanh nghiệp nội nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu
Dấu ấn đáng ghi nhận của năm 2019 là sự vươn lên của khối DN nội địa. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch XK (cùng kỳ năm trước là 29,16%).
Thực tế xu hướng tốc độ tăng trưởng XK của khối DN nội địa cao hơn khối DN FDI đã diễn ra suốt từ năm 2018 đến nay. Nhận định đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng, song khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, không ít vị chuyên gia bày tỏ: Những con số đạt được chỉ là nhìn thấy trước mắt, phía sau còn nhiều vấn đề cần xem xét. Nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như hoạt động XNK của Việt Nam đến nay thực chất vẫn đạt ở mặt số lượng là chính và dựa dẫm vào khối DN FDI là chủ yếu.
Hiện DN nội vẫn nhập siêu, trong khi DN FDI thường xuyên xuất siêu. Nếu không có kết quả xuất siêu của các DN FDI thì Việt Nam chắc chắn sẽ nhập siêu khá lớn.
Thực tế theo nhận định của chuyên gia Lê Quốc Phương, thời gian qua, tăng trưởng XK của Việt Nam tuy khá cao nhưng NK vẫn rất lớn bởi nền kinh tế gia công, DN nội địa chưa sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Vì vậy, DN nội địa tăng được XK thì cái giá phải trả là nhập siêu rất lớn. “Đây là khía cạnh đáng lo ngại, cần phải lưu tâm, cần tập trung tạo thuận lợi hơn nữa cho DN nội thời gian tới”, chuyên gia Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Vững bền còn xa xôi
Tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam đã có mức gia tăng đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây. 2019 cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Những kết quả ấn tượng đó đã đủ để khẳng định cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của XNK hàng hóa hay chưa? Bên cạnh yếu tố phụ thuộc khối DN FDI, nhìn sâu vào những con số về ngành hàng XK, phần trả lời cho câu hỏi nêu trên là để đạt được sự vững bền còn khá xa xôi.
Theo Bộ Công Thương, một trong những thành tích đáng kể của XK hàng hóa là quy mô XK tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD). Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng XK không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi XK nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng XK chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Con số tổng thể nói chung là như vậy, song khi soi xét kỹ lưỡng dễ thấy, suốt 11 tháng năm 2019, dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là những cái tên khá quen thuộc như: Điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD); hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD); giày dép các loại (16,49 tỷ USD).
Trong các mặt hàng đó, điện thoại và linh kiện hay máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… chủ yếu là hàng hóa XK của khối DN FDI. Với những ngành hàng năm nào cũng XK hàng chục tỷ USD như dệt may, giày dép… con số thu về rất lớn nhưng Việt Nam cũng chủ yếu làm gia công, lắp ráp, “lấy công làm lãi” và hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào NK nguyên phụ liệu. Như vậy, đằng sau sự hào nhoáng của nhiều tỷ USD XK đó, giá trị thực sự đem lại cho nền kinh tế Việt Nam chưa tương xứng.
Năm nay, XK nông, lâm, thủy sản sụt giảm nghiêm trọng. Bộ Công Thương nhận định rằng, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ở góc độ này cần thấy rõ, quá trình chuyển dịch đã diễn ra từ khá lâu và là điều tất yếu. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh lại, nền sản xuất của Việt Nam chuyển dần sang công nghiệp, song điểm bất ổn vẫn là công nghiệp Việt dựa dẫm quá nhiều vào khối FDI, dựa vào lắp ráp, không hề tự đứng trên “đôi chân” của chính mình. Đây là hàng loạt những điểm bất ổn mà XNK hàng hóa của Việt Nam cần soi xét kỹ và nghiêm túc, cẩn trọng có phương hướng điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Làm được như vậy, XNK hàng hóa của Việt Nam mới có thể hy vọng chạm tới sự ổn định, vững bền.

Nguồn:haiquanonline.com.vn

Link gốc